3 lưu ý khi ôn thi môn Văn

(Baonghean) Tiến sỹ Lê Thanh Nga  (Trường Đại học Vinh) trao đổi về phương pháp học và ôn luyện tốt môn Văn.
- Thưa TS. Lê Thanh Nga, lâu nay nhiều thí sinh quan niệm môn Văn là môn thi khó “ăn” điểm. Theo Tiến sỹ, cách học và ôn luyện nào hiệu quả nhất để làm tốt bài thi môn Văn?
- Nguyên nhân của nỗi lo lắng từ thí sinh đến chính từ việc các bạn đã không quan tâm đến nó một cách tương xứng với yêu cầu vốn rất phổ thông, đại trà. Vì thế, góp ý đầu tiên của tôi là các bạn cần dành thêm thời gian cho môn Văn. 
Còn về cách học, thứ nhất, tránh tư tưởng học tủ. Một số bạn (và cả giáo viên) thường có tư tưởng đoán tủ. Ví dụ năm trước ra đề/ vấn đề này thì năm nay sẽ không, hoặc nhìn vào các sự kiện/ hiện tượng xã hội được chú ý để ôn. Đây là nhận thức hết sức sai lầm vì việc ra đề không phải dành cho một người/ nhóm người cụ thể.
Thứ hai, không được bỏ qua bất cứ tác phẩm nào trong chương trình THPT. Có nhiều trường hợp, gặp các tác phẩm khó tiếp nhận, các bạn thường phớt lờ, không quan tâm. Nhưng nếu đề ra vào đó, các bạn vẫn phải làm bài mà không có lựa chọn nào khác.
Thứ ba: Cần tìm hiểu cấu trúc đề, dạng đề (cái này hoàn toàn có thể tham khảo các kỳ thi trước, vì nó có tính ổn định), trên cơ sở đó rèn luyện và nắm vững kỹ năng làm bài với từng dạng. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mỗi đề thi thường có 3 câu: đọc hiểu (2 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Với câu đọc hiểu, cần rèn luyện kỹ năng phát hiện nội dung văn bản qua việc tìm hiểu câu chủ đề hoặc căn cứ ý nghĩa từng câu để khái quát nội dung toàn đoạn; nắm vững các phương thức biểu đạt (với văn xuôi thường là tự sự, thơ là trữ tình, hoặc biểu cảm cho cả hai loại... Tuy nhiên, cần để ý thơ cũng có thể sử dụng phương thức tự sự). 
Cần nắm vững các phương thức lập luận để giải quyết các câu hỏi đối với đoạn văn nghị luận, hiểu biết về các biện pháp tu từ, biết cách phân tích hiệu quả nghệ thuật của nó hay vấn đề phong cách ngôn ngữ... Đồng thời, cần biết cách xây dựng đoạn văn theo chủ đề cho trước, đặc biệt chú ý dung lượng (thường là đoạn 500 - 800 chữ). 
Đối với bài nghị luận, cần biết cách lập dàn ý và lựa chọn phương pháp làm bài phù hợp. Với bài nghị luận văn học (câu 5 điểm), muốn làm tốt, trước hết phải nắm vững nội dung tác phẩm trên mấy phương diện cơ bản: cốt truyện, sự kiện, hình ảnh, chi tiết... (với tác phẩm văn xuôi), mạch cảm xúc, kết cấu, bố cục (với thơ), tư tưởng chủ đề, các biện pháp nghệ thuật...
Bài làm văn thường yêu cầu phân tích nhân vật, hình tượng nghệ thuật (văn xuôi), phân tích, bình giảng đoạn trích/ tác phẩm (với thơ); so sánh nhân vật, hình tượng của hai tác phẩm/ trích đoạn văn xuôi hoặc phân tích so sánh hai đoạn của hai bài thơ; phân tích nhân vật, hình tượng, đoạn trích để chứng minh một ý kiến, một nhận định. Nếu nắm vững và rèn luyện tốt các nội dung, kỹ năng trên, việc lấy điểm là không khó.
- Ngoài kiến thức phổ thông, các thí sinh còn cần đến những yếu tố nào để có thể làm tốt đề thi môn Văn? 
Căn cứ vào đề thi mấy năm nay, có thể thấy rằng, tri thức được học trong nhà trường không còn là tất cả, mà chỉ còn là một phần nội dung, dù rất lớn, rất quan trọng. Vì vậy, ngoài kiến thức sách vở, thí sinh cần phải nỗ lực theo dõi, hiểu biết và có khả năng phân tích, đánh giá các vấn đề, các sự kiện, các hiện tượng xã hội, đạo lý, quan niệm nhân sinh... Điều này không khó, vì ngày nay các phương tiện thông tin rất phổ biến, tính cập nhật rất cao, chỉ cần quan tâm là có thể tích lũy được. 
Trên đây là những gợi ý mà các bạn có thể tham khảo. Tôi không dám cho rằng nó phù hợp với tất cả mọi thí sinh. Điều tôi muốn nói nhất là điểm số cơ bản phụ thuộc vào tinh thần, thái độ học tập của các bạn, không chỉ với môn văn, mà với bất cứ môn nào.
- Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Phương Chi
TIN LIÊN QUAN

Tin mới