Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình vấn đề tăng học phí

(Baonghean.vn) - Tại phiên thảo luận sáng 4/8, bà Nguyễn Thị Kim Chi – Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo đã trả lời ý kiến các đại biểu về một số tình hình cử tri quan tâm.

Trong đó, có các vấn đề về phòng chống đuối nước, việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN), đặc biệt về vấn đề cử tri và các đại biểu rất quan tâm đó là tăng học phí. Liên quan đến tờ trình điều chỉnh học phí, Sở GD&ĐT được UBND tỉnh giao cho cơ quan tham mưu về điều chỉnh học phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh trả lời ý kiến đại biểu.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh trả lời ý kiến đại biểu.

Ngày 3/8, tại các phiên thảo luận tổ, Sở  tiếp Giáo dục và Đào tạo nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Báo cáo giải trình rõ với các đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi lấy ý kiến các cơ sở giáo dục, làm việc với các sở, ban, ngành liên quan và thông qua MTTQ của tỉnh và tổ chức hội đồng phản biện và cũng đã đăng tải mức thu trên báo chí, lấy ý kiến đại diện các tầng lớp nhân dân. Đến tại thời điểm này, việc chuẩn bị rất kỹ càng”.

 Bà Chi cũng cho biết, vấn đề đưa ra tham mưu rất nhạy cảm, quan trọng nên rất thận trọng.

 Để làm rõ hơn nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc phân vùng, theo nghị định của Chính phủ sẽ phân thành 3 vùng: thành phố, nông thôn, miền núi. Nhưng với địa bàn Nghệ An 21 huyện, thành, thị với điều kiện khác nhau nên chia thành 4 vùng: thứ nhất là thành phố Vinh, thứ hai Thị xã Cửa Lò, thứ 3 là nông thôn, thứ 4 là miền núi. Đặc biệt có thị xã Thái Hòa và Hoàng Mai còn gặp khó khăn và xin ý kiến đại biểu xếp hai Thị xã này vào vùng nông thôn.

Về nguyên tắc thu, ngoài nội dung tờ trình, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết thêm: Mức trần khung học phí so với Nghị định 49 tăng lên 50%. Và chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn Nghệ An từ 2010 đến này gần 50%, thu nhập bình quân tăng gấp 2 lần và thu nhập bình quân trên đầu người 29 triệu đồng/năm. Từ các chỉ số học phí và xã hội và Sở GD&ĐT điều chỉnh mức thu học phí tương ứng: thành phố Vinh tăng 50%, Cửa Lò 40%, nông thôn tăng 43%, miền núi tăng 25%.

Các em học sinh ở Tương Dương được thực hành trên thiết bị dạy học hiện đại.
Các em học sinh ở Tương Dương được thực hành trên thiết bị dạy học hiện đại.

Các đại biểu nêu ý kiến mức thu bậc học mầm non quá cao. Cụ thể, với TP Vinh 235.000 đồng, đã ổn định từ 2011 đến nay. Tuy nhiên, hiện nay những trường mầm non tư thục thu cũng cao hơn so với mức thu trên. “Vì vậy mức thu ở các trường mầm non công lập tự chủ một phần tài chính ở TP Vinh phải đặt trong sự tương đối nếu không quá chênh lệch trong loại hình công lập và tư thục”, bà Chi cho biết.

Mặt khác, do năm học này bậc học mầm non tăng trưởng nóng nhưng trong điều kiện ngân sách của tỉnh gặp nhiều khó khăn và không có chủ trương xã hội hóa thì không thể nào giải quyết được bài toán quá tải của bậc học này. “Vì thế, trong điều chỉnh học phí lần này đối với bậc học mầm non có tăng lên, chúng tôi rất mong các đại biểu chia sẻ”, bà Chi nói.

Về mức thu học phí ở miền núi cao và đề nghị không thu của miền núi như các ý kiến đại biểu, bà Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Trong thực tế so với Nghị định 49 thì học phí lần này con em học sinh miền núi có lợi hơn do đối tượng miễn giảm đối với con em đồng bào miền núi tăng lên nhiều.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giáo dục cũng giải trình một số nội dung khác liên quan đến vấn đề tăng học phí.

Pv

TIN LIÊN QUAN

Tin mới