Giáo viên Nghệ An nói gì về dự thảo mới chọn sách giáo khoa?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo mới về chọn sách giáo khoa. Theo đó, việc quyết định lựa chọn sách giáo khoa thay vì do cấp tỉnh thực hiện, nay sẽ được trao lại cho các nhà trường.

Theo dự thảo mới, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở (gọi chung là trường) tổ chức lựa chọn.

Việc chọn sách giáo khoa trước kia thực hiện theo Luật Giáo dục, quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa để giảng dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông là UBND cấp tỉnh. Hội đồng chọn sách do UBND tỉnh thành lập và mỗi môn ở một cấp học là một hội đồng, các trường chỉ được đóng góp ý kiến.

bna_Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 1 - Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Giờ học của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tri Lễ 1 (Quế Phong). Ảnh: Mỹ Hà

Theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sách giáo khoa cần dựa trên 3 nguyên tắc:

+ Các nhà trường lựa chọn sách giáo khoa trong Danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông.

+ Mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một bộ sách giáo khoa.

+ Việc lựa chọn sách giáo khoa cần bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Dự thảo mới này nhận được sự đồng tình của nhiều giáo viên, nhiều nhà trường.

Cô giáo Phan Thị Bá Tuyết - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên)

Tôi thấy việc trao quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho hội đồng nhà trường, cho giáo viên là một quyết định có nhiều ưu điểm. Bởi lẽ giáo viên là người trực tiếp đứng lớp và họ hiểu học sinh của mình. Trong khi đó, nhà trường cũng hiểu được đặc điểm của nhà trường và họ sẽ lựa chọn được bộ sách phù hợp với điều kiện dạy học, cơ sở vật chất, đặc thù vùng, miền và năng lực của học trò, năng lực của giáo viên.

4.jpg
Đồ họa: Nam Phong

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, khi giáo viên được tự chủ trong việc lựa chọn sách giáo khoa, giáo viên sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, chọn lựa sách theo đúng chương trình mình đã và đang giảng dạy. Qua đó, giúp chúng tôi phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của giáo viên và phù hợp với thực tế dạy học hiện nay.

bna_Tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ - Hưng Nguyên.jpg
Tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Hà Thị Hồng - giáo viên Trường PT DTBT Tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu)

Sau 3 năm thực hiện thay sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tôi thấy học sinh trường tôi đang học bộ sách "Kết nối tri thức cuộc sống" và khá phù hợp với đặc thù của học sinh miền núi. Với nhiều dữ liệu hợp lý nên các em tiếp thu kiến thức dễ dàng, học sinh phát triển được năng lực, phẩm chất. Tôi cũng thích các hoạt động trải nghiệm theo sách mới vì các em vừa được học, vừa được trải nghiệm những kiến thức gắn với thực tế cuộc sống nơi các em đang sống.

1.jpg
Đồ họa: Nam Phong

Tuy nhiên, bộ sách đã được lựa chọn với chương trình lớp 1 tôi mong có thêm những sự điều chỉnh, ví dụ như lượng từ, lượng vần trong 1 bài còn hơi nhiều. Thế nên, nếu chỉ dạy trong 1 ngày thì hơi nặng. Thực tế, trong quá trình dạy học chúng tôi đã phải tăng thêm thời lượng để phù hợp với chương trình.

Nếu hiện nay, nhà trường được giao quyền chủ động trong việc lựa chọn sách giáo khoa, tôi hoàn toàn đồng tình, vì nhà trường và giáo viên sẽ là người sát với học sinh của mình nhất và sẽ lựa chọn được những bộ sách phù hợp với đặc thù của học sinh.

Thầy giáo Thò Bá Cha - giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 2 (Quế Phong)

Bộ sách giáo khoa mà trường chúng tôi đang sử dụng theo chương trình mới học sinh dễ tiếp cận và chúng tôi cũng đã quen với chương trình, quan trọng nhất là học sinh đọc được, hiểu được.

2.jpg
Đồ họa: Nam Phong

Vì vậy, khi Bộ thay đổi chủ trương trong việc lựa chọn sách giáo khoa, dù là tỉnh hay nhà trường lựa chọn, tôi nghĩ rằng, không nên thay đổi quá nhiều, vì nó sẽ dẫn đến xáo trộn cho người dạy và người học. Học sinh ở nơi tôi dạy cuộc sống còn khó khăn lắm, các em không có nhiều điều kiện để mua sách giáo khoa. Một bộ sách phù hợp là một bộ sách không bị thay đổi quá nhiều để sau này chị học xong có thể để lại cho em và cho nhiều học trò khác trong bản được tiếp tục học.

IMG_2319.JPG
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp để sử dụng ổn định trong các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Hồ Đình Tư - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tri Lễ (Quế Phong)

Trong thời gian thực hiện chương trình đổi mới có đưa ra nhiều bộ sách khác nhau để tạo sự lựa chọn cho nhiều đối tượng và nhiều vùng, miền. Trong quá trình thực hiện các công văn chỉ đạo của cấp trên, nhà trường đã triển khai đến từng giáo viên tham khảo, đặc biệt là tham khảo các bộ sách mềm trên hệ thống để các tổ giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu, lựa chọn bộ sách phù hợp với đối tượng học sinh và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu có nhiều bộ sách giáo khoa thì rất tốt cho các nhà trường có nhiều cơ hội lựa chọn để phù hợp với từng môn học, từng khối lớp.

3.jpg
Đồ họa: Nam Phong

Hiện tại, với bộ sách giáo khoa mà chúng tôi đang thực hiện, tôi thấy cơ bản học sinh đã quen, đã tiếp cận với hướng của cuốn sách viết, giáo viên quen với cách biên soạn, với cấu trúc, với hình ảnh.

Tuy nhiên, nếu có thêm sự lựa chọn, chúng tôi mong những người biên soạn quan tâm đến đặc thù vùng, miền. Ví dụ, có những thôn, bản ở xã Tri Lễ, vì điều kiện xa xôi nên thông tin của các em rất ít. Vì vậy, thay vì lấy những vấn đề đề cập đến toàn xã hội thì chúng ta nên có hướng mở để giáo viên có thể linh hoạt khi dạy học, gắn với thực tế ở địa phương.

Tin mới