Giáo viên vùng cao Nghệ An tình nguyện dạy miễn phí cho học sinh cuối cấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đó là những lớp học ở các huyện miền núi cao, nơi học sinh còn nhiều khó khăn và năng lực so với mặt bằng chung toàn tỉnh còn hạn chế. 

Từ giữa tháng 3, dãy phòng học dành cho học sinh lớp 12, Trường THPT Quế Phong hầu như mở cửa cả ngày. Ngay cả khi đêm xuống, các lớp học cũng không đóng cửa. Toàn bộ dãy nhà 2 tầng đèn sáng, thỉnh thoảng chỉ có tiếng trao đổi bài, tiếng thì thầm của một nhóm học sinh hoặc tiếng giảng bài của các thầy, cô giáo. Trong mỗi phòng học, số lượng học sinh tham dự cũng không đồng đều, có lớp vài chục em, có lớp chỉ 10-15 em nhưng có lớp chỉ có một nhóm nhỏ.

Những phòng học sáng đèn trong mùa thi ở Trường THPT Quế Phong. Ảnh: Chiến Thắng

Những phòng học sáng đèn trong mùa thi ở Trường THPT Quế Phong. Ảnh: Chiến Thắng

Sự khác biệt này là hoàn toàn bình thường, bởi việc học ở đây được chia theo từng đối tượng. Trong đó, những nhóm nhỏ có thể là những học sinh học lực còn trung bình, yếu. Hoặc đôi khi đó là những học sinh học khá của trường đang được giáo viên bồi dưỡng để các em có thêm kiến thức ôn thi vào đại học.

Trường THPT Quế Phong là một trong những trường đầu tiên tổ chức những lớp học vào buổi tối cho học sinh cuối cấp với hình thức hoàn toàn miễn phí. Khởi xướng và phát động phong trào chính là các thành viên trong Công đoàn giáo dục của nhà trường và các thầy cô, các đoàn viên công đoàn là những người tiên phong thực hiện.

Qua nhiều năm tổ chức, việc làm thường niên này trở nên quen thuộc, từ việc triển khai theo phát động, đến nay, nhiều giáo viên đều thấy rằng, đây là việc làm cần thiết để hỗ trợ học sinh trước mùa thi.

Các giáo viên ở Trường THPT Quế Phong tình nguyện bồi dưỡng miễn phí cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Chiến Thắng.

Các giáo viên ở Trường THPT Quế Phong tình nguyện bồi dưỡng miễn phí cho học sinh cuối cấp. Ảnh: Chiến Thắng.

Năm nay là năm thứ 23 tôi lên công tác tại Trường THPT Quế Phong và thấy được rất rõ những khó khăn của học sinh vùng cao, so với nhiều vùng thuận lợi khác. Điều này, cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em, đặc biệt là môn Tiếng Anh. Dù thời điểm này kỳ thi đã cận kề nhưng năng lực ngoại ngữ của các em còn nhiều hạn chế, để theo kịp được mặt bằng chung của tỉnh là một quá trình thực sự khó khăn.

Cô giáo Hồ Thị Thúy - Giáo viên Tiếng Anh, chủ nhiệm lớp 12A12, Trường THPT Quế Phong

Với xuất phát điểm thấp nên riêng bộ môn Tiếng Anh là môn học được Trường THPT Quế Phong đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, có một thực tế do điều kiện học sinh ở huyện vùng cao nên từ những ngày còn học tiểu học, THCS các em không được học ngoại ngữ thường xuyên, nhiều em bị hổng kiến thức. Để tăng cường ôn tập cho học sinh, cô giáo Thúy và các giáo viên khác, ngoài giờ dạy ở lớp buổi sáng, buổi chiều thì buổi tối còn tranh thủ lên lớp để phụ đạo thêm cho các em.

Sự cố gắng này cũng không thể tính bằng buổi, bằng giờ mà cần phải kiên trì nhẫn nại. Ngay cả hiện tại, dù kỳ thi đã cận kề, nhưng có những buổi học “chúng tôi phải tìm đến từng phòng trọ để vận động các em đến trường” - cô giáo Thúy chia sẻ thêm. Mong muốn hiện nay của cô và trò đó là học sinh đạt điểm trung bình, những em học tốt có thể sẽ có điểm khá để nâng mặt bằng Tiếng Anh chung lên toàn trường.

Tiếng Anh là một trong những môn học khó khăn với học sinh vùng cao. Vì thế, việc kèm cặp riêng sẽ giúp học sinh có thêm tự tin để bước vào kỳ thi cuối cấp. Ảnh: Chiến Thắng

Tiếng Anh là một trong những môn học khó khăn với học sinh vùng cao. Vì thế, việc kèm cặp riêng sẽ giúp học sinh có thêm tự tin để bước vào kỳ thi cuối cấp. Ảnh: Chiến Thắng

Lần thi thử mới nhất môn Tiếng Anh của em chỉ được 3 điểm và em rất lo. Em hy vọng, sau các buổi phụ đạo của thầy, cô ở trường em sẽ được cải thiện điểm số và giúp em có thêm động lực rèn luyện ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động.

Học sinh Vy Thị Tuyết Ngân - lớp 12A5, Trường THPT Quế Phong

Không chỉ Trường THPT Quế Phong, thời điểm này nhiều lớp học miễn phí cho học sinh cuối cấp đã được nhiều trường trên địa bàn các huyện miền núi tổ chức như Trường THPT Quỳ Châu, Trường THPT Kỳ Sơn.

Những lớp học buổi tối ở Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: NTCC

Những lớp học buổi tối ở Trường THPT Kỳ Sơn. Ảnh: NTCC

Cô giáo Trương Thị Lan - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Kỳ Sơn và cũng là giáo viên Tiếng Anh của khối 12 năm nay cho biết: Những năm trước, việc tổ chức các lớp học ban đêm khó khăn hơn, vì nhiều học sinh ở trọ ngoài và chúng tôi phải vận động các em đi học. Tuy nhiên, năm nay vì có ký túc xá, nhiều em đã được ở tại trường nên các lớp tự học buổi đêm được tổ chức đều đặn và xem đây là một hoạt động thường niên cho học sinh nội trú. Riêng thời điểm tăng tốc cho mùa thi, tất cả giáo viên dạy lớp 12 đã tự nguyện ở lại trực và hỗ trợ học sinh ôn thi, trong đó có nhiều giáo viên nhà ở xa trường.

Năm học này, Trường THPT Kỳ Sơn có 388 học sinh lớp 12. So với các năm trước, đến thời điểm này số lượng học sinh bỏ học ít hơn hẳn và chỉ có vài em nghỉ học để theo bố mẹ đi làm ăn xa sau Tết.

Tất cả giáo viên dạy lớp 12, Trường THPT Kỳ Sơn đều tự nguyện đăng ký dạy miễn phí cho học sinh. Ảnh: NTCC

Tất cả giáo viên dạy lớp 12, Trường THPT Kỳ Sơn đều tự nguyện đăng ký dạy miễn phí cho học sinh. Ảnh: NTCC

Ở trường chúng tôi chỉ có khoảng 30% học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học. Số học sinh còn lại, dù không quá nhiều áp lực về tuyển sinh đầu vào nhưng chúng tôi luôn động viên, khuyến khích các em để các em về đích lớp 12 thành công, có tấm bằng tốt nghiệp để có thêm nhiều lựa chọn khác sau khi vào đời. Trong quá trình đó, giáo viên luôn ở bên các em, 100% giáo viên lớp 12 tình nguyện dạy miễn phí cho các em vào buổi tối chỉ sau 1 tiếng nhà trường phát động.

Thầy giáo Trần Thanh Vân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn

Theo kế hoạch của Trường THPT Kỳ Sơn, những lớp ôn thi vào các tối sẽ kéo dài cho đến cuối tháng 6, trước ngày các em bước vào kỳ thi chính thức. Đó cũng là hình thức để "giữ chân" các em ở lại với trường học và tham gia đầy đủ kỳ thi tốt nghiệp.

Ngoài giáo viên hỗ trợ, việc học vào buổi đêm hình thành cho học sinh ý thức tự học. Ảnh: Mỹ Hà

Ngoài giáo viên hỗ trợ, việc học vào buổi đêm hình thành cho học sinh ý thức tự học. Ảnh: Mỹ Hà

Cũng với hình thức này, việc ôn thi của học sinh đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đề thi minh họa, giáo viên tăng tốc luyện đề thì việc đánh giá học sinh được cụ thể hơn.

Hiện mỗi tuần thông qua phần mềm Azota, học sinh lớp 12 sẽ tham gia làm bài thi để thử năng lực. Trên kết quả bài làm học sinh, nhà trường sẽ biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh và trên cơ sở đó có kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng thích hợp.

Hầu hết học sinh vùng cao dù phải ở xa gia đình nhưng trong quá trình ôn tập các em đều có sự đồng hành của thầy, cô giáo. Ảnh: Chiến Thắng

Hầu hết học sinh vùng cao dù phải ở xa gia đình nhưng trong quá trình ôn tập các em đều có sự đồng hành của thầy, cô giáo. Ảnh: Chiến Thắng

Năm nay, để nâng chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã giao trách nhiệm cho từng hiệu trưởng, từng giáo viên chủ nhiệm thông qua công tác đánh giá kiểm định chất lượng của từng nhà trường. Riêng với các trường vùng cao, dù nhiệm vụ vất vả, khó khăn hơn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực, tin rằng, mùa thi sẽ đạt được mục tiêu đề ra./.

Tin mới