Giáo viên vùng cao Nghệ An vượt rừng, thắp đèn đến từng nhà vận động học sinh tựu trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Đầu năm học mới, để ổn định tình hình sĩ số học sinh, nhiều trường học ở vùng cao Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn đã phải vượt rừng không kể ngày đêm, mưa nắng đến từng nhà vận động các em đến trường.

Một ngày cuối tháng Tám, trời miền biên viễn xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) bỗng đổ mưa tầm tã. Cuộc họp của Hội đồng Trường Mầm non Nhôn Mai vừa kết thúc, các cô giáo đã vội vã mang áo mưa và phân nhau đến từng điểm bản để vừa làm công tác phổ cập giáo dục, vừa vận động học sinh tới trường đúng thời gian quy định.

bna_1.jpg
Giáo viên Trường Mầm non Nhôn Mai (Tương Dương) trên đường vận động học sinh đến trường. Ảnh: Đào Thọ

Cô giáo Vi Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhôn Mai cho hay, năm học 2023 – 2024, trường có 297 học sinh với 1 điểm chính và 7 điểm ở các bản lẻ. Nhiều điểm bản ở xa trung tâm xã, địa hình cách trở như Huồi Cọ, Huồi Măn, Piêng Òi… Hầu hết người dân ở đây cuộc sống đều khá khó khăn, hệ thống thông tin còn ít nên việc nắm bắt các chủ trương của ngành Giáo dục chưa được thường xuyên. Bởi vậy, năm nào cũng vậy, cứ đến đầu năm học, các giáo viên đều phải đến tận nhà để vừa vận động học sinh đến trường, vừa làm công tác phổ cập giáo dục.

bna_2.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Phương ban đêm đến nhà học sinh vận động và làm công tác phổ cập giáo dục. Ảnh: Đào Thọ

Trong số các điểm trường ở xã Nhôn Mai, điểm trường Huổi Măn được xem là bản khó khăn nhất. Đường vào bản, vào điểm trường Huồi Măn là đường đất, độ dốc rất lớn, không thể đi vào bằng phương tiện cơ giới. Quãng đường 8 km nhưng các cô giáo nơi đây phải đi bộ 4 - 5 giờ đồng hồ. Trời mưa, đường trơn trượt khiến quãng đường như dài thêm.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương – phụ trách điểm bản Huồi Măn chia sẻ: Không đến tận từng nhà thì không nắm được sĩ số học sinh, không vận động được các em đến trường đúng thời gian. Ngặt nỗi, nhiều hôm đến nhà các em ban ngày thì bố mẹ các em đều lên nương rẫy. Bởi vậy, cô Phương cũng như một số đồng nghiệp khác phải chọn phương án đi vào ban đêm để gặp được gia đình học sinh.

bna_3.jpg
Giáo viên Trường PT Dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn (Kỳ Sơn) vượt đồi đến nhà học sinh vận động. Ảnh: CSCC

“Nhiều lúc nghĩ cũng sợ, mình là phụ nữ, trời mưa, đường xa vất vả thế nhưng vẫn cố gắng chịu đựng được, nhưng đi vào ban đêm ở nơi núi rừng vắng lặng này cứ thấy không yên tâm. Mà nếu mình không đi lại thương các em học sinh không được đi học đúng ngày” – cô Nguyễn Thị Phương tâm sự.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, năm học 2023 – 2024 toàn huyện có 73 trường và hơn 25 nghìn học sinh. Với số lượng học sinh vào miền Nam thăm thân trong dịp nghỉ hè lớn, ngành Giáo dục đã yêu cầu các nhà trường tiến hành nắm bắt số lượng và có kế hoạch kịp thời để vận động các em trở về địa phương chuẩn bị cho năm học mới. Địa hình cách trở, giao thông bị chia cắt nên nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng rất vất vả trong công tác vận động học sinh.

bna_4.jpg
Thầy giáo Võ Văn Toàn vận động học sinh tại bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn). Ảnh: Đào Thọ

Tại Trường PT Dân tộc bán trú THCS Nậm Cắn, từ vài ngày nay, các giáo viên đã phân công nhau đến 6 điểm bản trong xã để vận động học sinh tới trường. Năm học 2023 – 2024 toàn trường có 339 học sinh, trong đó có 290 học sinh bán trú thuộc 3 dân tộc Thái, Mông và Khơ mú. Một số điểm bản còn khó khăn, đường sá đi lại xa xôi, cách trở như Huồi Pốc, Pà Ka… nhất là vào thời điểm trời mưa thường xuyên bị sạt lở.

Sáng sớm, mặt trời vừa ló dạng, thầy giáo Võ Văn Toàn đã cùng các đồng nghiệp khác đã lên đường đến bản Huồi Pốc. Đây là điểm bản khó khăn nhất hiện nay của xã Nậm Cắn, nằm cách trung tâm xã 20 km với những cung đường quanh co, dốc đứng. Để vào đến bản, các giáo viên phải mỗi người một xe vừa đi, vừa hỗ trợ nhau vượt qua nhiều đoạn đường khó.

bna_5.jpg
Nhiều phụ huynh, học sinh vùng cao khi được giáo viên đến nhà vận động mới biết được lịch tựu trường của năm học mới. Ảnh: CSCC

Theo thầy Võ Văn Toàn, Huồi Pốc là nơi cư trú của nhiều dòng họ người Mông, cuộc sống vốn dĩ còn nhiều khó khăn nên nhiều người rời bản làng đi làm ăn xa ở các công ty tận miền Nam. Hè vừa qua, một số em đã vào miền Nam thăm thân và đến hiện tại vẫn chưa có mặt tại địa phương dù năm học mới đã cận kề.

“Sau khi thông qua trưởng bản, nắm được em Lỳ Y. X. đang ở cùng bố mẹ tại miền Nam, chúng tôi đã tiến hành lấy số điện thoại gọi và vận động gia đình đưa em X. về chuẩn bị cho năm học mới. Dù không nỡ xa con nhưng bố mẹ em cũng đã đồng ý và hứa cuối tuần này sẽ bắt xe cho cháu về để kịp tựu trường vào ngày 28/8 sắp tới" – thầy Toàn vui vẻ chia sẻ.

Thầy giáo Đào Hải Lâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Số học sinh của trường vào miền Nam trong hè rất đông. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc kịp thời như thông báo, vận động nên các gia đình đã cho con em về để quê chuẩn bị đến trường. Hiện chỉ còn 2 em cuối tuần này sẽ về.

bna_6.jpg
Đa số học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn nên việc đến trường đúng thời gian quy định là vấn đề khó của ngành Giáo dục. Ảnh: CSCC

Có thể hiểu rằng, ngoài công việc chuyên môn của mình, những giáo viên ở vùng cao Nghệ An đang hàng ngày, hàng giờ bám trường, lớp, bám bản làng và học sinh để mong có một năm học mới thuận lợi đến với các em.

Sự nghiệp gieo chữ trồng người ở vùng cao tuy còn vất vả nhưng bằng lòng yêu nghề của mình, các thầy cô giáo sẵn sàng cống hiến sức lực và trí tuệ để mang đến nguồn tri thức cho những mầm xanh nơi biên cương Tổ quốc./.

Tin mới