Hết lòng đưa học sinh trở lại trường

(Baonghean) - Sau mỗi chuyến đi đến những bản thuộc tộc người Đan Lai ở đầu nguồn sông Giăng thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông), sự học của trẻ em nơi đây ám ảnh dai dẳng đối với không ít người. Với tôi cũng vậy, mặc dù đã không ít lần đến với những người Đan Lai nhưng mỗi lần đến rồi đi, tôi mang theo không ít trăn trở...

Bản Cò Phạt cách trung tâm xã biên giới Môn Sơn khoảng 20 km. Ngày trước, muốn vào bản phải luồn rừng, lội suối, mất cả ngày trời mới tới nơi, về sau thì đi xuồng máy nên thuận lợi hơn. Có lần ông La Văn Yêu, người đầu tiên ở bản Cò Phạt từng tham gia trong quân đội kể: Ngày xưa để ra trung tâm xã đi học, trẻ em Đan Lai phải dành hẳn một ngày để chuẩn bị bè nứa. Trước khi lên đường, cặp sách, quần áo, chăn chiếu đều chất lên bè nứa. Buổi sáng khởi hành từ bản, vật lộn với những con thác nước suốt cả ngày trời mới ra đến trường. Khó khăn là thế nên việc học hành chưa phải là mối quan tâm bậc nhất với người dân nơi đây. Trẻ em đột ngột nghỉ học giữa chừng và thầy, cô giáo tại các điểm trường có học sinh người Đan Lai luôn trong tư thế sẵn sàng vào bản vận động học trò trở lại lớp.
Học sinh Đan Lai ở bản Cò Phạt đã có thể đến trường bằng xe đạp.
Học sinh Đan Lai ở bản Cò Phạt đã có thể đến trường bằng xe đạp.
Việc vận động học sinh trở lại trường hết sức gian nan. Trong một cuộc chuyện trò, tôi từng nghe vị lãnh đạo ngành Giáo dục huyện kể rằng, có lần đoàn công tác của huyện vào vận động, 1 học sinh đã đồng ý theo thầy, cô về trường, trước khi lên thuyền, em xin phép đi chào họ hàng cho phải phép. Nhưng chờ mãi không thấy học trò trở lại thuyền. Có người bảo: “Nó trốn rồi, không đi học nữa”, thầy, cô đành xuôi thuyền trở về. Còn giáo viên Trường THCS xã Môn Sơn thì kể rằng: Có một học sinh ở bản Cò Phạt khi thầy, cô giáo vào vận động, cha mẹ cũng đã “bắt ép” trở lại trường, em lăn ra đất khóc lóc, nhất quyết không chịu đi học nên thầy, cô hết sức lúng túng. 
Lần này, về lại bản Cò Phạt khi năm học mới bắt đầu được tròn 1 tháng. Ông La Văn Linh, Bí thư chi bộ cho biết: Cách đây ít lâu, thầy, cô giáo đã vào vận động và đưa số học sinh đang có ý định bỏ học trở lại trường cả rồi. Chỉ còn những học sinh bỏ học từ cuối năm ngoái và những năm trước thì rất khó thuyết phục các em trở lại lớp. Một số học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên muốn ở nhà giúp đỡ cha mẹ kiếm củi, hái măng. Một số khác thì bỏ học về lấy chồng, lấy vợ. Tảo hôn cũng là điều đáng quan tâm đối với cộng đồng sống ở vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát này.
Chưa học xong lớp 10, em La Thị Nga quyết định không đến lớp nữa. Hỏi nguyên nhân Nga thổ lộ “bản thân không còn muốn đi học”. Sau khi nghỉ học một thời gian, em đi giúp việc cho một gia đình ở huyện Đô Lương. Sau đó về quê kiếm củi, hái măng. Nga chia sẻ: Chưa biết chọn nghề gì vì ở chốn “thâm sơn cùng cốc này” chẳng biết làm gì ngoài việc hái măng.
Chúng tôi tìm đến nhà em La Văn Chín vào lúc nhá nhem tối nhưng căn nhà vẫn đóng cửa im lìm. Bầy trẻ thấy có người lạ thì sán đến ngó nghiêng. Một lúc sau bà La Thị Phương, mẹ của Chín trở về. Bà cho biết từ hơn một tháng nay, Chín cùng cha và những thanh niên khác trong bản đã vào rừng hái măng. Đây là nguồn thu nhập chính của dân bản. Mỗi năm mùa khai thác măng chỉ diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, khi vùng rừng núi này có nhiều mưa. Năm nay, thời tiết hạn hán, phải đến tháng 8 mới có mưa, măng ít, bà con đua tranh với thời gian vào rừng kiếm thêm thu nhập. Những thanh niên bỏ học giữa chừng như Chín là lực lượng đắc lực nhất trong bản vào rừng hái măng. 
Sáng hôm sau, trở ra trung tâm xã, tìm gặp thầy giáo Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn. Thầy Hào tỏ ra rất trăn trở về sự học ở bản Cò Phạt, bản Búng. Đại đa số học sinh nơi đây là người Đan Lai thường xuyên xảy ra tình trạng bỏ học nên việc vận động các em trở lại lớp là vô cùng khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại nhà trường đã tổ chức được 4 đợt vào vùng thượng nguồn sông Giăng vận động học sinh đi học. Cùng với đó là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, nơi ăn, chốn ở cho các em, tu sửa, sắm mới các đồ dùng vật dụng phục vụ học tập. Thế nhưng có những học sinh vẫn chưa chịu trở lại lớp. Toàn trường hiện có 14 học sinh Đan Lai chưa trở lại trường, trong đó có 3 học sinh nữ chuẩn bị về nhà chồng. Một học sinh đã làm “đám cưới nhỏ” theo phong tục của cộng đồng Đan Lai.
Xem ra những khác biệt về phong tục, tập quán và nạn tảo hôn vẫn còn phổ biến là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em Đan Lai vẫn còn bỏ học giữa chừng. Tình trạng này đã được cải thiện nhưng để chấm dứt thì vẫn còn rất nan giải.
Hữu Vi

Tin mới