Hoàng đế Quang Trung - Vị tướng "bách chiến bách thắng"

(Baonghean) - Nguyễn Huệ (1753 - 1792) tức Quang Trung Hoàng đế, là vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn, sau Thái đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ngoài võ công hiển hách, ông còn là một trong những nhà lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, nhà quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Huệ - Quang Trung sinh năm Quý Dậu 1753, tổ tiên của ông vốn là họ Hồ quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An; sau vào Quy Nhơn đổi sang họ Nguyễn. Chứng kiến tình cảnh hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn phân tranh, Bắc - Nam bị chia cắt, dân tình cơ cực, đất nước lầm than, năm 1771 ông cùng các anh em ruột là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ phất cờ khởi nghĩa tại đất Tây Sơn (Bình Định).

Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được lưu truyền là những người rất giỏi võ nghệ và khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến Phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo ra Hùng Kê quyền. Và cả ba anh em sáng tạo ra Độc Lư thương. Ba anh em họ - tức Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn cho sự hình thành và phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định. Họ không những là người sáng tạo ra các võ phái mà còn là những người cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Phong cảnh đền thờ Vua Quang Trung (núi Dũng Quyết TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh
Phong cảnh đền thờ Vua Quang Trung (núi Dũng Quyết TP. Vinh). Ảnh: Sỹ Minh

Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc cất binh khởi nghĩa, xây dựng căn cứ chống chính quyền tại Tây Sơn (Bình Định). Trong giai đoạn xây dựng thế lực, Nguyễn Huệ đã giúp Nguyễn Nhạc xây dựng kinh tế và huấn luyện quân sự. Sau 2  năm khởi nghĩa, vào năm Quý Tỵ (1773), anh em Nguyễn Huệ hạ được thành Quy Nhơn. Từ đó, quân Tây Sơn đánh ra các vùng lân cận. Đến cuối năm 1773, họ kiểm soát được từ Quy Nhơn ra đến Bình Thuận. Đoàn quân “bách chiến bách thắng” này đã làm suy yếu chính quyền chúa Nguyễn. Lúc bấy giờ, Nguyễn Huệ mới tròn 20 tuổi, ông được Nguyễn Nhạc cử làm chủ tướng mang quân vào Nam. Từ đây, con đường binh nghiệp và tài năng của Nguyễn Huệ càng được khẳng định.

Những chiến dịch tấn công Gia Định (TP. Hồ Chí Minh bây giờ) của quân Tây Sơn đều là những chiến dịch lớn. Đặc biệt, trận đánh năm Đinh Dậu (1777) tiêu diệt chính quyền chúa Nguyễn ở đàng trong đã ghi dấu ấn đậm nét của ba anh em Nguyễn Huệ. Năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Thái Đức. Ngay lập tức, Nguyễn Huệ được phong là Long Nhượng tướng quân. Lúc bấy giờ, Nguyễn Ánh cũng được nhà Nguyễn phong làm chúa (1762 - 1820) và đem quân chiếm lại Gia Định.

Từ đền Vua Quang Trung, du khách phóng tầm mắt sang bên trái sẽ thấy dòng sông Lam như một dải lụa mềm.
Từ đền Vua Quang Trung, du khách phóng tầm mắt sang bên trái sẽ thấy dòng sông Lam như một dải lụa mềm.

Đến tháng 3/1782, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc mang quân thủy bộ Nam tiến, phá tan quân Nguyễn. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Hậu Giang, sau đó chạy ra Hà Tiên rồi lẩn trốn tại đảo Phú Quốc. Bị quân Tây Sơn truy kích, cuối cùng Nguyễn Ánh chạy sang Xiêm cầu viện. Nguyễn Huệ đã cho bố trí trận địa và nhử cho quân Xiêm đến Rạch Gầm – Xoài Mút (ở phía trên TP. Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút của quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy khiến quân Xiêm khiếp đảm. Từ đó, họ “sợ Tây Sơn như sợ cọp”.

Trong khi đó ở Bắc Hà, chúa Trịnh ngày càng suy yếu, Nguyễn Nhạc quyết định đánh chiếm Phú Xuân (Huế). Năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ được cử làm tổng chỉ huy đem quân ra Bắc tiêu diệt quân chúa Trịnh. Tháng 4 năm Mậu Thân (1788), Vua Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô sống lưu vong. Nguyễn Huệ lại đem quân ra Bắc lần thứ 2 tiêu diệt Vũ Văn Nhậm, sau đó Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân.

Vua nhà Lê lúc này là Lê Chiêu Thống chạy sang nhà Thanh cầu cứu. Lập tức Càn Long (1711 - 1799) sai Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân vượt ải Nam Quan tiến vào Đại Việt. Trước tình hình trên, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ông cất quân ra Bắc tiêu diệt gọn quân Thanh xâm lược trong đầu năm Tết Kỷ Dậu (1789).

Đến ngày 29/7 năm Nhâm Tý (1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời, hưởng dương 40 tuổi. Sự ra đi của Nguyễn Huệ là một tổn thất không thể bù đắp cho nhà Tây Sơn. Cơ nghiệp ông để lại không có người thừa kế xứng đáng bảo tồn nên đã nhanh chóng mất về tay Nguyễn Ánh.

P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới