Hợp lý...

(Baonghean) - Có người đã kết luận là cái gì quá cũng đều không tốt. Nhiều tiền quá dễ sinh hư hỏng. Túng thiếu quá dễ làm liều...

Có người đã kết luận là cái gì quá cũng đều không tốt. Nhiều tiền quá dễ sinh hư hỏng. Túng thiếu quá dễ làm liều.Hiền quá hóa thiệt thòi. Uống thuốc quá liều dễ thiệt thân. Cố quá dẫn đến quá cố….Tóm lại, ở đời chỉ duy nhất một thứ quá có vẻ tốt. Đó là: “may quá!”. Nói vậy nghe như nói chơi, nói vui nhưng mà không phải là không có lý.

Xin hãy bắt đầu từ một việc cụ thể, có thật ở Thủ đô Hà Nội. Đó là khi nhớ về, nói về mảnh đất linh thiêng và hào hoa này người ta thường nhớ ngay đến mùi hoa sữa. Loài hoa, mùi hoa đã đi vào thơ ca mà luôn là hoài niệm khó phai của những người đã từng ở Hà Nội. Đã có những người có những đêm dài đạp xe thong thả trên phố chỉ để cảm nhận mùi hương hoa nhẹ nhàng, tinh khiết nhưng cũng rất nồng nàn trong làn gió se lạnh của buổi đầu đông.

Những người chỉ biết mùi hoa sữa qua sách vở thì luôn ao ước được một lần đến thủ đô để được thưởng thức. Người ta yêu, người ta thích, người ta quý và nâng niu mùi hoa đó. Nhưng sự trân quý đó là lúc cả con phố dài như phố Quang Trung, Nguyễn Du chỉ lác vài cây hoa sữa. Lúc cả Hà Nội chỉ có vài nơi có và mùi hoa cứ lan tỏa nhẹ nhàng trong sương đêm bảng lảng. Còn hiện tại, mùi hoa sữa thanh khiết ngày nào đang trở thành một thứ mùi rất đáng sợ, rất nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe con người.

Và chung quy bởi tại một chữ “quá”. Đó là ở các con phố mới, khu phố mới người ta trồng quá nhiều cây hoa sữa. Mật độ dày đặc, lên đến hàng nghìn cây hoa sữa trên các tuyến phố. Đơn cử như đường Lê Đức Thọ dài khoảng 3,5km mà có tới khoảng 200 cây hoa sữa, tất cả đều khá cao, tán xòe rộng. Còn đường Lê Quang Đạo tuy ngắn mà có tới gần 400 cây hoa sữa chen chúc.  Hiện  đang vào mùa trổ hoa và đồng loạt tỏa hương thơm.

Nhưng lại thơm quá độ, đến mức nồng nặc khiến cuộc sống của các cư dân dưới tán hoa “của thơ và nhạc” này trở thành nỗi khổ ải không cùng. Không ăn, không ngủ được vì mùi hoa sữa quá đậm đặc. Người ở đó thì đành bịt mũi nín chịu còn người đi đường thì tìm cách tránh đi qua những cung đường đó vào mùa hoa sữa trổ không phanh. Dĩ nhiên, lỗi không phải ở hoa sữa. Mà lỗi chính ở những người trồng cây.

Nếu cây hoa sữa được trồng với mật độ quá dày đặc, mùa hoa nở sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân xung quanh.
Nếu cây hoa sữa được trồng với mật độ quá dày đặc, mùa hoa nở sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với cư dân xung quanh (ảnh: Internet).

Chỉ biết cắm đầu, cắm cổ trồng theo lối nghĩ rất thô thiển rằng đó là thứ nhiều người yêu, nhiều người quý nên càng cung cấp nhiều thứ người ta thích càng tốt mà không nghĩ ra là chuyện gì, việc gì cũng có chừng mực, có giới hạn của nó. Quá đi là không tốt. Là phản tác dụng. Và rõ ràng là do suy nghĩ không cẩn thận, không thấu đáo và hành động mọt cách thiếu hiểu biết mà người ta đã biến một loài hoa, một mùi hương được ưa thích và như là biểu tượng tinh thần lãng mạn của mảnh đất ngàn năm văn vật vốn nổi tiếng về sự tao nhã, thanh lịch trở thành một thứ mùi đáng sợ, phải xa lánh. Ai đó quả không ngoa khi đã nói rằng, nhiệt tình cộng với thiếu hiểu biết thành ra phá hoại.

Ở một chiều kích ngược lại, cũng ở Hà Nội, có một chuyện vừa mới diễn ra, đang khiến dư luận xã hội phản ứng dữ dội. Đó là các báo vừa mới đưa tin “Kiểm tra nội bộ, Hà Nội không thấy ai tham nhũng” được dẫn từ báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội. Giữa lúc người dân đang dị ứng, đang rất bức xúc với nạn tham nhũng và đang mong mỏi các cấp có thẩm quyền mạnh tay chống tham nhũng để làm trong sạch các cơ quan công quyền thì lẽ ra, thông tin đó phải làm nức lòng người vì đáp ứng sự mong đợi của toàn dân là có một xã hội trong sạch vững mạnh.

Thế nhưng, chẳng ai thấy vui vẻ, phấn khởi, tin tưởng trước kết  quả đó cả. Mà ngược lại, người ta buồn nản và ngờ vực báo cáo trên. Vì Hà Nội, chỉ riêng trong hai năm 2014 và 2015, đã xảy ra khá nhiều vụ lớn, như chiến dịch chặt hạ - thay thế 6.700 cây xanh, dự án sân vận động - nhà hát hàng trăm tỉ bỏ hoang, “đường cong mềm mại”, tòa nhà 8B Lê Trực xây sai phép uy hiếp chốn linh thiêng… Buộc người ta phải nghĩ ngay đến chuyện là phải có nhiều hành vi khuất tất mưu lợi riêng mới có những chuyện động trời và kỳ lạ theo kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy.

Ấy thế mà cơ quan thanh tra của địa phương này “chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”. Lại thêm một thứ “quá” phản tác dụng. Ấy là thanh sạch quá. Thanh sạch tới mức phi lý khiến không ai tin nổi và thêm phần ngờ vực là hẳn phải có sự bao che, bênh vực đồng đều và rộng khắp mới có thể “một tay che hết bầu trời” như vậy.

Nếu như sự quá đà, quá tay ở việc trồng hoa sữa tràn lan là do hăng hái một cách thiếu hiểu biết thì cái sự quá ở việc thứ hai vừa nói lại có thể là do thái độ coi thường dư luận mà bất chấp thực tế. Nhưng dù như thế nào thì cũng đều cho thấy có một điểm chung là đã đi quá, làm quá giới hạn dẫn đến kết quả không tốt.

Thế nên, ở đời, không phải người ta yêu thứ gì, thích thứ gì, mong mỏi thứ gì cũng đều đáp ứng cho thật nhiều là hay, là tốt. Mà điều quan trọng hơn cả là phải hợp lý. Nếu cứ làm quá đi thì tốt sẽ thành xấu như hai chuyện vừa nói ở trên. Do vậy, trong cuộc sống đừng nên làm quá bất cứ việc gì mà nên cố gắng giữ ở mức hợp lý thì mới lâu bền và mới có độ chắc chắn, tin tưởng. Vạn sự nên tuân thủ đúng hai chữ: hợp lý.

Bụt Sơn

TIN LIÊN QUAN