Lê Lựu: Nhà văn mang đậm dấu ấn nông thôn Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Ra đi sau nhiều năm gắn mình trên giường bệnh và xe lăn , điều an ủi lớn nhất của nhà văn Lê Lựu có lẽ là tác phẩm của ông được đón nhận cả khi ông đã về thiên cổ. Chọn viết về những số phận gắn bó với nông thôn nhưng những tác phẩm của ông vẫn có sức hấp dẫn với nhiều độc giả thế hệ mới ở thành thị. Bởi trong tác phẩm của Lê Lựu, mỗi con người mang chứa một thân phận, một cá tính, mang dấu ấn thời cuộc không thể phai mờ.

Nhà văn của nông thôn Việt Nam

Nhắc đến nhà văn Lê Lựu, với rất nhiều người - đặc biệt cả những người không quan tâm tới văn học vẫn có thể nhắc tới Tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” - tác phẩm đã được dựng thành bộ phim nổi tiếng từng gây sốt trên màn ảnh nhỏ một thời. “Sóng ở đáy sông” kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời: Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần không thể kìm hãm trước con ở “đang thời bừng dậy rừng rực”. Một số phận không mong muốn. Một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính và thừa nhận hợp pháp.

Tác phẩm "Sóng ở đáy sông" của nhà văn Lê Lựu.

Tác phẩm "Sóng ở đáy sông" của nhà văn Lê Lựu.

Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Núi và xã hội quanh anh ẩn hiện những mảng màu tối, day dứt lòng người nhưng có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Và người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.

Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...

Tương tự “Sóng ở đáy sông”, “Thời xa vắng” cũng diễn ra trong bối cảnh chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ. Trong suốt câu chuyện, dường như Sài luôn phải sống theo ý người khác, cho đến lúc phải ly hôn lần thứ hai trong đời. Và lúc này, con người thật trong anh bừng tỉnh thức, nhận ra con đường mình cần phải đi, phải làm điều gì đó thật là mình, chính mình, và có ích. Đó là trở về với làng quê để thực hiện ước nguyện xây dựng và thay đổi nếp sống, nếp làm ăn mới ở quê. Đây là một trong những ý tưởng sâu sắc nhất của tác phẩm.

“Có lẽ “Thời xa vắng” bền lâu bởi hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau.” - nhà văn Võ Thị Xuân Hà đánh giá về một trong những tác phẩm hay về con người và nông thôn Việt như vậy.

Tác phẩm "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu.

Tác phẩm "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu.

“Thời xa vắng” ghi lại dấu ấn sâu đậm của Lê Lựu khi nhiều người gọi tên ông: nhà văn của “Thời xa vắng”. “Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm "Thời xa vắng" của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình.

Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.

Thời xa vắng” đã được đón đọc nồng nhiệt, ai đọc cũng thấy mình trong đó, và được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại.” - nhà lý luận phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã dành nhiêu tình cảm khi đánh giá về tác phẩm này.

Những trang sách vận vào đời

Lê Lựu là một trong số không nhiều những nhà văn cùng thời có tác phẩm tái bản nhiều lần, đến hôm nay vẫn được nhiều độc giả đón nhận. Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới khi đọc lại những trang sách cũ. Và giá trị của văn chương thể hiện rõ nhất sau sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian. Trong tác phẩm của Lê Lựu, những Sài, Núi, những thân phận con người một thời vẫn hấp dẫn độc giả hiện nay. Độc giả sẽ được cùng nhà văn trở lại những tháng ngày xưa, khi mà con người còn nhiều định kiến ấu trĩ, lạc hậu; nhưng cũng đầy ấm áp, thuần Việt mà ngày nay chúng ta dường như đánh rơi đâu mất…

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Nhà văn Lê Lựu. Ảnh: Vietnamnet.vn

Nói về cuộc đời Lê Lựu, người ta vẫn nhắc tới câu ông tự nói về mình, rằng ông khổ hơn cuộc đời của những nhân vật trong trang sách của mình. Giai đoạn cuối văn nghiệp, ông phải bỏ dở trang tiểu thuyết chưa hoàn thành, cô độc trên giường bệnh đến gần cuối đời. Sau này, con gái ông đón bố về quê nhà ở Hưng Yên chăm sóc và mất ở tuổi 81 tại quê nhà.

Bên ngoài tác phẩm, nhà văn Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông được xem là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt - Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ông cũng là người xây dựng quỹ Nhà văn Lê Lựu ghi nhận những đóng góp của những người có tâm huyết với nông nghiệp, nông thôn thông qua những tác phẩm sáng tạo, góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống, phản ánh chân thực đời sống nông nghiệp, nông thôn cũng như sự thích ứng của làng quê Việt trước những thách thức của hội nhập toàn cầu. Quỹ được hình thành từ số tiền tích cóp của nhà văn Lê Lựu, khoản tiền mặt trị giá 1 tỷ đồng cùng nhiều tài sản khác.

Cuối cùng, trong ao ước của rất nhiều nhà văn, khi người ra đi thì tác phẩm còn lại. Lê Lựu và tác phẩm của ông đã làm được điều đó.

Với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ năm1954. Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với bạn đọc nhiều thế hệ như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Tin mới