"Lương bù nhìn"

(Baonghean) - Trong lần đi công tác tại cơ sở nọ, người viết bài này được nghe một “thuật ngữ” vừa là lạ, lại vừa ngồ ngộ, “lương bù nhìn”! Tìm hiểu thì biết đấy là cách diễn đạt trào phúng mà anh em tài vụ tếu táo gọi cái khoản tiền hàng tháng phải trả cho một số cá nhân trong cơ quan khi sự đóng góp của họ chỉ là những kẻ “bù nhìn” không hơn không kém!
Hình như trong cuộc sống, có lẽ xung quanh ta, dù có thể nhiều có thể ít, dù mức độ “chuyên nghiệp” có thể khác nhau thì đâu đó vẫn đã, đang và có lẽ còn sẽ hiện diện những con người thuộc diện… “Có cô chợ họp vẫn đông/ Cô đi lấy chồng chợ vẫn cứ vui” (ca dao)… Nôm na là có họ cũng chẳng mang lại lợi lộc gì cho cộng đồng mà không có họ cũng… chả sao cả, thậm chí có khi lại tốt hơn! Không quá khó để điểm mặt họ! Rất có thể là một kẻ xa lạ nào đó, cũng có thể họ là hàng xóm… nhưng gần nhất, chán nhất khi họ lại là “đồng nghiệp” của chúng ta.  
Xã hội muôn đời vẫn thế, có tốt có xấu, có tiến bộ có lạc hậu, và sự tồn tại của những ký sinh hoang danh vẻ như là một tất yếu vậy. Rõ ràng là sự văn minh của nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” không dành cho họ cơ hội kiếm ăn nào tại các doanh nghiệp rồi. Cơ chế thị trường vốn năng động và sòng phẳng không dại dột đến mức nuôi báo cô ai cả. Có lẽ vậy mà đất sống cho những vị “bù nhìn biết ký sổ lương” ấy ngày càng bị thu hẹp, lối rẽ khôn ranh vừa an toàn, “hiệu quả”, vừa hợp “sở trường” của họ chỉ còn là tìm cách len chân vào đội ngũ “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” vốn dĩ lâu nay đã rất… hùng hậu!   
Trong một phát biểu chưa lâu, các nhà chức trách lên tiếng về thực trạng làm sốt ruột những người nộp thuế là trong bộ máy của chúng ta, có đến 30%  công chức hưởng lương bằng nghề “cắp ô”. Ngay sau đó, Bộ Nội vụ cũng đã lập tức có động thái được xem như là “biến đau thương thành hành động” khi xây dựng đề án tinh giản 100.000 công chức trong vòng 6 năm. Công bằng mà nói, nếu đổ trây trách nhiệm “công chức cắp ô”  về phía người lao động là không công bằng. Hàng loạt những bất cập của cơ chế tuyển dụng hay bố trí sắp xếp bộ máy hiển nhiên là đồng phạm trong việc làm nên con số 30 % kia. Tuy nhiên, đấy đang là những vấn đề quá lớn, những vấn đề đòi hỏi thời gian và cả quyết sách tầm vĩ mô...
Đôi khi trong cơ quan đơn vị chúng ta tồn tại một vài người thuộc diện “có đầy đủ tất cả, chỉ thiếu mỗi… tác dụng”. Họ là ai? Tất nhiên họ là đồng nghiệp, là anh em đồng chí, là phụ trách bộ phận này hoặc nhân viên bộ phận kia, họ bình đẳng với mọi người từ chuyện đồng phục đến cả những chuyện không… đồng phục. Tóm lại, xét về “chuẩn đầu vào”, xét về phận sự hay quyền lợi thì họ chính là… chúng ta! Tuy nhiên cái khác lại là trách nhiệm và thái độ “lững thững” trước công việc của họ.  Những biểu hiện được coi như “lâm sàng” là sự lười biếng, họ tìm mọi cách (kể cả những cách thiếu đường hoàng nhất) để trốn tránh công việc, họ vô hồn với xúc cảm tập thể và thường có biểu hiện “lỳ đòn” khi bị nhắc nhở phê bình. Có những người trước công việc thì không nhận, chả chối, cũng không thực hiện thậm chí cũng không… giải thích! Khi được tập thể, thủ trưởng hay anh em chân tình nhắc nhở thì cũng không “cãi” nhưng cũng không tiếp thu, và tất nhiên là không... thay đổi. 
Đôi khi, chúng ta có cảm giác đấy như là những con người không có mục tiêu để phấn đấu, không có hoài bão để dấn thân, không có thái độ để chính kiến, không có tự trọng để xấu hổ, không có hiểu biết để nhận ra mình và không có tình cảm để chia sẻ. Với họ, mọi thứ xung quanh đều là “chuyện của thiên hạ”, quan điểm của họ là “mặc ai tôm tép mặc ai ù”. Chúng ta đều biết, giá trị của mỗi con người lắm khi chính là khoảng trống mà họ để lại. Vậy mà, những người này hiện diện như một cái bóng, nhiều người thậm chí còn không để ý đến sự có mặt của họ, tệ hơn là cảm giác thoải mái khi biết “bữa nay bác ấy không đi làm”. Những cá nhân như vậy có không? Có! Nhiều không? Không nhiều! Ảnh hưởng không? Rất ảnh hưởng! Tại sao không kiểm điểm? 
Chả nhẽ, cứ mãi chấp nhận “sống chung với lũ” để rồi những cái bóng kia vẫn ngày qua ngày vô cảm đặt tay ký vào sổ lương? Đã bao giờ, chúng ta đánh dấu trách nhiệm của mình trước vấn nạn này chưa? Đã bao giờ chúng ta tự mình trăn trở về thái độ và phương pháp? Hãy hành động, không phải một người mà tất cả mọi người, không phải tẩy chay họ mà là đưa họ về với chúng ta, về với quỹ đạo của kỷ luật lao động.
Nguyễn Khắc An