Màn hình điện thoại thông minh sẽ 'tự sửa chữa' khi bị trầy xước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Dự báo về các công nghệ hàng đầu cho năm 2024 và tương lai của Công ty Phân tích thị trường công nghệ toàn cầu CCS Insight cho biết, các nhà sản xuất điện thoại thông minh sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại có màn hình “tự sửa chữa” khi bị trầy xước trong vòng 5 năm tới.

Theo công ty phân tích CCS Insight, điện thoại thông minh với màn hình có khả năng tự sửa chữa có thể bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2028. Nguyên lý cơ bản của tính năng này là nhà sản xuất sẽ tạo một “lớp phủ nano” trên bề mặt màn hình, nếu bị trầy xước, sẽ tạo ra một vật liệu mới phản ứng khi tiếp xúc với không khí và lấp đầy những điểm bị trầy xước.

Các chuyên gia của CCS Insight cho rằng, tính năng tự sửa chữa này không còn là điều viễn tưởng mà nó có thể thực hiện được. Các công ty sản xuất điện thoại di động trên thế giới cũng đã đề cập đến công nghệ màn hình điện thoại thông minh có thể tự sửa chữa trong vài năm nay.

Anh minh hoa1.jpg
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, gã khổng lồ điện tử tiêu dùng LG của Hàn Quốc đã giới thiệu công nghệ tự sửa chữa trên điện thoại thông minh của mình từ năm 2013. Công ty đã phát hành một chiếc điện thoại thông minh có tên G Flex, đây là chiếc điện thoại đầu tiên sở hữu thiết kế cong theo chiều dọc, mặt lưng của G Flex được phủ một lớp có khả năng tự phục hồi khi bị trầy xước, hư hỏng.

Mặc dù LG tự quảng cáo chiếc G Flex có khả năng tự sửa chữa các vết xước ở mặt lưng, nhưng hãng vẫn chưa giải thích chiếc điện thoại thông minh này làm được điều đó bằng cách nào.

Ông Ben Wood - Trưởng nhóm nghiên cứu của CCS Insight nói: “Có một số công nghệ mới mà mọi người đang nghiên cứu hiện nay, có vẻ như nó có thể trở thành thứ mà mọi người có thể sử dụng. Chúng tôi không nói về việc màn hình bị vỡ sẽ trở lại bình thường mà chỉ đề cập đến những vết xước nhỏ về mặt thẩm mỹ”.

Một số nhà sản xuất điện thoại khác đã giới thiệu vật liệu tự phục hồi trong điện thoại thông minh. Vào năm 2017, Motorola đã nộp bằng sáng chế cho một màn hình được làm từ vật liệu “polyme ghi nhớ hình dạng”, khi bị nứt sẽ tự sửa chữa. Ý tưởng là khi nhiệt được truyền vào vật liệu, nó sẽ chữa lành các vết nứt.

Trong khi đó, Apple trước đây cũng đã nhận được bằng sáng chế cho một chiếc iPhone gập có nắp màn hình có thể tự sửa chữa khi bị hỏng.

Tuy nhiên, những công nghệ màn hình tự sửa chữa này vẫn chưa được tìm thấy trong một chiếc điện thoại thông minh thương mại trên thị trường. Các chuyên gia công nghệ cho rằng, hiện vẫn còn một số rào cản đối với việc tung ra những chiếc điện thoại như vậy ở quy mô lớn.

Chẳng hạn như các nhà sản xuất điện thoại di động cần đầu tư nhiều vào nghiên cứu và phát triển để đảm bảo họ có thể xác định được những cải tiến mới trên màn hình điện thoại thông minh. Đồng thời phải thông báo khách quan và chính xác đến người tiêu dùng về mức độ hư hỏng của điện thoại có thể được khắc phục mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào.

Các nhà sản xuất điện thoại ngày càng sáng tạo hơn khi nói đến công nghệ màn hình. Tại Đại hội Thế giới di động ở Barcelona năm nay, ​​Motorola đã cho ra mắt một mẫu điện thoại thông minh có thể cuộn được và có thể mở rộng theo chiều dọc khi được đẩy lên trên.

Samsung đã tiến khá xa trong hành trình hướng tới điện thoại thông minh thương mại với màn hình cao cấp hơn, với điện thoại gập Galaxy Z Fold 5 và Z Flip 5 hiện có khả năng gập hàng trăm nghìn lần trong suốt vòng đời của chúng.

Apple nắm quyền kiểm soát thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng

CCS Insight cũng dự đoán rằng, Apple sẽ tìm cách giành quyền kiểm soát trực tiếp hơn đối với thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng (second hand) để tránh sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị cũ làm giảm doanh số bán iPhone mới.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường công nghệ toàn cầu Counterpoint Research, iPhone của Apple tiếp tục thống trị thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng với tỷ lệ 75% trong quý đầu tiên của năm 2023. Samsung đứng thứ hai với tỷ lệ 12%, theo sau đó là Xiaomi với tỷ lệ 4% và các nhà sản xuất khác chiếm 9% thị phần còn lại.

Sự phổ biến của điện thoại thông minh đã qua sử dụng ngày càng tăng vì nó là một lựa chọn kinh tế và thân thiện với môi trường. Người dùng có thể tiết kiệm một khoản tiền đáng kể khi mua điện thoại thông minh đã qua sử dụng thay vì mua mới. Ngoài ra, việc tái sử dụng điện thoại thông minh đã qua sử dụng cũng giúp giảm thiểu lượng rác điện tử và bảo vệ môi trường.

Sự thành công của iPhone trong thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng cũng là kết quả của chính sách thương mại của Apple. Apple cho phép các đại lý và nhà bán lẻ có thể bán lại các sản phẩm đã qua sử dụng với giá tốt hơn so với giá bán lẻ. Điều này giúp khách hàng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể và giúp Apple giữ chân khách hàng của mình.

Tin mới