Mời Anh!

(Baonghean) - Từ ngày đi học đến giờ, mình vẫn luôn cảm ơn bố mẹ vì đặt cho mình cái tên đi đâu cũng được đứng đầu danh sách. Vừa đỡ phải chờ đợi, vừa đỡ mỏi mắt tìm tên mình giữa biển tên, quá tiện! Sau này lại biết thêm một điều, bố mẹ mình có tầm nhìn "đón đầu xu thế" khi không đặt "thị" vào tên con. Quả nhiên. khoảng tầm 5-10 năm trở lại đây, ít ai lấy "thị" làm tên lót. Mấy cô bạn "thị" cùng lứa mình cứ xuýt xoa khen bố mẹ mình có tư tưởng tân thời, hihi! Mình hay đùa với mẹ, sau này đẻ con sẽ đặt tên là "Mời Anh". Mẹ mình trợn mắt hỏi tại sao, mình tỉnh bơ: "Cô giáo gọi con con lên bảng sẽ gọi: Mời Anh lên bảng". Mẹ mình gắt ầm lên: "Họ tên là thứ bố mẹ trao cho, sống giữ lấy chết mang theo, nào phải chuyện đùa!". Ngẫm cũng có lý!
Thật ra, đặt tên con cũng tuỳ thời mà có "mốt" của nó. Ví như có một thời người ta hay lấy tên người nổi tiếng đặt cho con. Nhà nào bố mê bóng đá thì đặt con tên Sỹ Sơn, Sỹ Thuỷ, Sỹ Hùng... Nhà nào mẹ mê phim ảnh thì đặt tên con là Tuấn Anh, Trà Giang... Ấy là cái thời mà dân mình vừa được tiếp cận với các hình thức giải trí như điện ảnh, thể thao. Sau này lại có một lứa thanh niên toàn mang tên các quốc gia nước ngoài: Nga, Tiệp, Đức,... Hỏi tên con là biết thừa nhà có người đi nước ngoài, âu cũng là một kiểu "khoe khéo"? Lúc mình học cấp 2, bắt đầu thấy xuất hiện trào lưu ghép cả họ mẹ vào tên con, tên các cháu cứ toàn 4 chữ trở lên, dài ngoằng! Hình như người miền Nam đi tiên phong trong đặt tên con dài thì phải? Đến bây giờ thì đã phổ biến rộng rãi lắm rồi. Nói chung bây giờ người ta chuộng tên càng kêu càng tốt. Toàn những tên mà ông bà tổ tiên có nằm mơ cũng không nghĩ ra, ghép được thành câu luôn không biết chừng...
Thực ra, cái tên nói lên điều gì? Mình biết rằng, có những gia đình vẫn còn giữ những nếp sinh hoạt xưa, rất coi trọng việc đặt tên con cháu. Chỉ có bậc trưởng bối trong nhà, hiểu biết về chữ hán, tử vi, tướng số mới được quyết định việc đặt tên. Cái tên là thứ mà không ai trong chúng ta có thể tự làm chủ được và lại đi theo ta suốt đời. Nói như mẹ mình thì là "cái phận nó vận vào thân", tên chọn người, phải nhìn người mà đặt. Mỗi cái tên có "giá trị sử dụng" bằng một đời người, nó phản ánh không chỉ một cá nhân riêng lẻ, mà là quan niệm, thị hiếu văn hoá và thậm chí là truyền thống của một cộng đồng. Ít ai biết rằng chữ "thị" trong tên nữ và "văn" trong tên nam lại mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền, sắc tộc của người Việt từ thời dưới ách đô hộ phong kiến phương Bắc. Bằng cách đó, ngay khi vừa sinh ra, mỗi con dân nước Việt cổ đã khẳng định chủ quyền dân tộc một cách công khai và thuỷ chung đến trọn đời.
Mới đây Quốc hội bàn về dự thảo đổi mới luật hộ tịch, mình thì không quan tâm lắm đến việc làm giấy căn cước hay giữ nguyên CMND. Bởi mình nghĩ thay đổi cũng được thôi, nhiều nước người ta cũng làm giấy căn cước từ trước mình lâu lắm. Nếu có đổi, chắc chắn cũng chưa đổi ngay được, vì vừa mới thí điểm CMND 12 số, thay cho CMND 9 số ở Hà Nội, cần cả quá trình chuyển tiếp dài dài, chưa vội. Đáng quan tâm ở đây là có người đề xuất ra quy định về đặt tên. Nghe qua có vẻ ngây ngô, nghĩ kỹ mới thấy có lý. Cái tên cũng như bộ quần áo khoác trên người. Ăn mặc phải phù hợp với quan niệm văn hoá, truyền thống dân tộc, phải dựa trên hệ giá trị thế nào là đẹp, thế nào là phản cảm của quốc gia, cộng đồng nơi mình sống. Cái tên cũng vậy, thậm chí quần áo không đẹp có thể thay bộ khác, còn cái tên sẽ đi theo mỗi chúng ta đến suốt đời. Đừng để đến lúc gọi tên mình, người ta chỉ muốn "Mời Anh" bỏ xứ mà đi!
Hải Triều