Một biến thể của lãng phí và trục lợi

(Baonghean) - Báo cáo trước Chính phủ và các địa phương tại Hội nghị trực tuyến ngày 24/12 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh công bố số liệu khiến không ít người phải sửng sốt và lo ngại. Đó là năm 2012, cả nước ta có 3 nghìn 780 đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và năm 2013, dù có giảm do điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng vẫn có tới hơn 3 nghìn 200 đoàn xuất ngoại.
Như vậy, ước tính mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách Nhà nước. Chưa rõ được bình quân mỗi đoàn có bao nhiêu người, nhưng chắc chắn tiền thuế của dân đóng góp vào ngân sách phải chi một khoản không nhỏ cho cán bộ, công chức, viên chức - những người hưởng lương đi ra nước ngoài tham quan, học hỏi, nghiên cứu,  giao lưu, trao đổi…
Nếu việc đi ra nước ngoài đem lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt, giúp ích cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thì không thể nói việc đi lại như thế là quá nhiều, quá tốn kém cho ngân sách. Nhưng ở đây, chưa mấy ai tính được hiệu quả của những chuyến đi xa ngái đó nằm ở tầm mức nào. Mà chỉ thấy có biểu hiện lãng phí rất rõ ràng. Như lời Phó Thủ tướng,  Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thuật lại thì "Số đoàn này chủ yếu đi với tư cách nghiên cứu. Nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu tương tự”. Điều đó cho thấy hiệu quả không ít chuyến đi nghiên cứu, trao đổi là chưa cao. Nếu như không muốn nói là chẳng thu hoạch được gì ngoài việc một số cá nhân được đi du lịch không mất tiền túi. 
Đây không phải là chuyện mới mà là chuyện cũ, rất cũ, xảy ra đã bao nhiêu năm nay rồi. Các ban, bộ, ngành có đoàn của các ban, bộ, ngành. Các tỉnh, thành phố có đoàn của các tỉnh, thành phố. Thậm chí, một số huyện, thị xã thuộc diện “có điều kiện” cũng tổ chức các đoàn đi ra nước ngoài tham quan, nghiên cứu, trao đổi. Con số thống kê trên mới chỉ thuần túy về số lượng các đoàn đi mà chưa thống kê rõ thành phần cũng như “lý lịch trích ngang” của các thành viên trong đoàn. Nếu làm rõ ra thì còn đáng lo ngại hơn nhiều vì chắc chắn sẽ có không ít thành viên thuộc dạng “ăn theo” chứ không thể đủ khả năng, trình độ cũng như chức phận để thực hiện việc “nghiên cứu, trao đổi”. Bởi trong thực tế, việc đi “nghiên cứu, trao đổi” với nước ngoài đôi khi chỉ là cái vỏ để “tạo điều kiện” cho nhau đi du lịch bằng tiền ngân sách.
Ở không ít cơ quan, việc cơ cấu các đoàn đi ra nước ngoài nhiều khi được coi như là “chế độ, tiêu chuẩn”. Đó có thể là một chuyến đi thuộc diện “đền ơn, đáp nghĩa” cho một số cán bộ sắp đến ngày nhận sổ hưu. Đó cũng có thể là một “phần thưởng”, một “món quà” cho những người thân cận, đã có “công lao” trong việc  tạo dựng tiền đồ, sự nghiệp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Thậm chí, đó còn là một dạng “hối lộ” thay cho tiền mặt hoặc hiện vật. Những đoàn công tác nước ngoài kiểu đó, không chỉ gây lãng phí tiền bạc của đất nước, của nhân dân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia. Và đích thân Thủ tướng Chính phủ đã phải lên tiếng nhắc nhở, yêu cầu phải chấn chỉnh ngay tình trạng này để tránh lãng phí ngân sách và xấu hổ cho quốc gia.
Đó mới chỉ là thống kê những đoàn “có tên tuổi” đi ra nước ngoài. Còn việc đi “tham quan, học hỏi, nghiên cứu, giao lưu trao đổi kinh nghiệm” giữa các địa phương trong nước còn ở tần suất cao hơn nhiều. Đơn cử như tỉnh An Giang, có ngày tỉnh phải tiếp tới 70 đoàn công tác. Có đoàn vào tới 3 tuần hoặc hơn 1 tháng. Chi phí ăn ở đi lại hết sức tốn kém và lãng phí. Cả nước có tới 64 tỉnh, thành phố, nếu cứ thế mãi thì không có ngân sách nào chịu nổi.
Vì thế, rất cần có các biện pháp để giám sát, hạn chế và ngăn chặn kịp thời tình trạng “núp bóng” các đoàn công tác để  đi ra nước ngoài bằng tiền ngân sách một cách vô tội vạ. Bởi đó chính là một dạng biến thể của lãng phí và trục lợi cá nhân.
Duy Hương