Một thoáng Thông Thụ...

(Baonghean) - Thời điểm này, Thông Thụ - vùng đất biên viễn nơi huyện miền núi Quế Phong đã là một điểm đến đầy thú vị sự hiện diện của công trình Thủy điện Hủa Na tạo nên một cảnh sắc mới kỳ vĩ, hài hoà với thiên nhiên, làng bản và hoạt động của con người. Và như bao giờ, cái mới cũng ẩn chứa những “tâm sự, nỗi niềm” mới...
Toàn cảnh trung tâm xã Thông Thụ (nhìn từ Đồn Biên phòng Thông Thụ).
Toàn cảnh trung tâm xã Thông Thụ (nhìn từ Đồn Biên phòng Thông Thụ).
...Chúng tôi theo Quốc lộ 48 lên đến ngã ba Phú Phương (xã Tiền Phong, huyện Quế Phong), rẽ phải, hành trình thêm khoảng 30 cây số theo quãng Quốc lộ 48 kéo dài, hết đất xã Đồng Văn thì chạm đất Thông Thụ. Điểm dừng chân cuối cùng là cột mốc biên giới 363, sát vùng đất thuộc cụm bản Viêng Phăn, huyện Xăm Tẩy, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. 
Thông Thụ có 13 bản, 1.081 hộ, 4563 khẩu gồm 3 thành phần dân tộc Kinh, Thái, Thổ, trong đó 99% là đồng bào Thái. Dọc hai bên lộ lớn, các khu tái định cư Pù Sai Cáng, Na Lướm, Huôi Dừa, Na Hứm, Huôi Sai... san sát những ngôi nhà sàn gỗ, mang đậm nét kiến trúc đặc trưng không thể lẫn vào đâu của đồng bào vùng cao. Cùng với các công trình trường học, trạm xá, trụ sở, điện, nước được Nhà nước đầu tư xây dựng... tất cả tạo nên những điểm nhấn trong không gian xanh hùng vỹ của núi rừng Pù Hoạt.
Ở bản Lốc (trung tâm xã Thông Thụ), cùng với Chủ tịch UBND xã Lương Thị Hồng, chúng tôi được các cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt giúp cho thỏa mãn ý nguyện thăm thú, thưởng ngoạn cái mênh mông bát ngát hàng ngàn héc-ta mặt nước hồ Thủy điện Hủa Na, để hiểu hơn sự gắn kết của công trình thủy điện tầm cỡ này với núi rừng, con người nơi đây. Theo thiết kế, hồ chứa nước của công trình Nhà máy Thủy điện Hủa Na rộng tới trên 5.300 cây số vuông. Còn theo cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, thì hồ rộng hàng nghìn héc-ta, các “ngõ ngách” dào dạt nước được tạo bởi các khoảng tiếp giáp của các ngọn núi mà nước sông Chu dâng lên đã trở thành những mom đảo độc đáo, đi thuyền máy cả ngày không xuể. Trên mặt nước xanh trong, tĩnh mịch của hồ Thủy điện Hủa Na, phong cảnh Thông Thụ đẹp bội phần. Những mom đảo nối tiếp nhau lô xô trên mặt nước, những “ngôi nhà” thuyền nổi được làm bằng tranh tre của người dân đánh cá, những cây khô liêu xiêu muôn dáng vẻ trên hồ, những cánh cò trắng chao nghiêng, những rặng cây, những nương lúa... và kể cả những triền đất xói mòn bởi mưa lũ đều như những bức tranh thủy mặc, đẹp hoang sơ, cô tịch, kỳ bí...
Cán bộ xã Thông Thụ và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thăm một hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ  Thủy điện Hủa Na.
Cán bộ xã Thông Thụ và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thăm một hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na.
Cảnh quan thiên nhiên là vậy, và dù "hồ Thủy điện Hủa Na cũng đang tạo ra việc làm từ nghề đánh bắt thủy sản cho khoảng 1/4 người dân Thông Thụ", thì Chủ tịch xã Lương Thị Hồng vẫn chưa mấy vui. Trong tiếng động cơ của thuyền máy, chị át giọng: "Chúng tôi đang lo đến năm 2016, khi thời hạn hỗ trợ gạo 30 kg/khẩu/tháng chấm dứt, những người dân Thông Thụ nhường đất cũ cho thăm thẳm lòng hồ sẽ rất khó khăn...". Ấy là chuyện đã cũ và đang được “nói mãi”. Cách đây gần 2 năm, khi lên Quế Phong công tác, chúng tôi cũng đã đi nhiều những khu tái định cư ở Tiền Phong, Đồng Văn và Thông Thụ để nghe, để thấy những khó khăn của đồng bào nơi đây. Khi ấy, cuộc sống hàng ngày của họ cũng dựa vào nguồn hỗ trợ gạo của dự án. Công tác khai hoang đồng ruộng, cung cấp giống cây, con để phát triển sản xuất hầu như chưa được tiến hành. Người dân chủ yếu vẫn sản xuất các loại cây màu như ngô, khoai, sắn và rau; chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ từ những gì đã có trước đây, manh mún và nhỏ lẻ... Những tưởng, sau ngần ấy thời gian mọi việc sẽ khác đi, nhưng nay theo chị Hồng, thì vẫn vậy. Thông Thụ từng có gần 140 ha ruộng nước, sau khi quy hoạch xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na thì chỉ còn 61 ha; và có tới 2.500 ha đất lâm nghiệp phải chuyển đổi. Vậy nên, với 8 bản, 769 hộ di dời tái định cư, nhu cầu đất sản xuất của người dân lớn, nhưng chủ đầu tư chưa tổ chức khai hoang, chia giao đất... 
Chủ tịch xã Lương Thị Hồng trải lòng: "Đã dăm năm về nơi ở mới, nhưng người dân Thông Thụ vẫn còn hoài niệm về nơi ở cũ. Đừng vội trách bà con. Vì ngay cả tôi cũng vậy. Thi thoảng, những chiều muộn, tôi vẫn thường ra cầu Thông Thụ nhìn xuống lòng hồ. Bản Lốc cũ của tôi chỉ cách chân cầu một khoảng ngắn, nay chìm sâu trong lòng nước. Có lắm đêm, tôi mộng mị về nơi ở cũ. Thấy mình đang được cùng bố mẹ, anh chị em sống trong nhà cũ như thưở nào. Rồi thảng thốt giật mình tỉnh dậy, nước mắt lại trào ra...". Thoạt nghe, phân vân rằng cán bộ còn như thế, nói chi người dân? Nhưng nghĩ lại, hoài niệm về nơi từng lưu cữu cái bàn thờ tổ tiên, nếp bản buồn vui mấy trăm năm thì ai mà chả có. Nhưng vì lợi ích quốc gia, vì hướng đến một đời sống mới bao kỳ vọng khởi sắc, là “phải” hy sinh thôi. Không, là vinh dự “được” góp phần vào chủ trương dự án tầm quốc kế dân sinh mới đúng chứ!... Ấy thế, nên cán bộ phải tuyên truyền cho người dân thông tỏ.
Chợt hào hứng lên khi thuyền máy lướt ra lòng hồ lớn, Chủ tịch UBND xã Lương Thị Hồng kể: Ngày vận động di dời ở bản Na Cáng, khi họp có người già đã đứng lên nói "Hồng à, ai đã bầu mày lên làm chủ tịch xã! Mảnh đất này, từ khi mày chưa sinh ra, từ bao đời trước tổ tiên ông bà của dân bản đã ở. Tại sao bây giờ mày nghe người ta rồi đuổi dân bản đi nơi khác?...". Khi đó, tôi ứa nước mắt rồi nghẹn ngào: "Xin các ông, các bà nghe con nói một lời. Con được làm Chủ tịch xã là do các ông các bà bầu lên. Vì vậy, con phải có trách nhiệm với mọi người. Nếu mọi người không nghe con, cứ nhất quyết không di dời, khi người ta ngăn dòng sông Chu, nước dâng lên cao thì mọi người sẽ nguy mất...". Tối đó, tôi về khóc suốt đêm. Tôi thấy mình bất lực khi không thuyết phục nổi bà con của mình. Thương vợ, sớm hôm sau chồng tôi (là giáo viên Trường THCS Thông Thụ) đã kể với hiệu trưởng. Các anh đã rủ nhau về Na Cáng, cùng cán bộ xã đi vận động. Thế rồi dân bản đồng tình, náo nức làm cuộc chuyển dời “nhổ rễ”...
Ông Nguyễn Mạnh Tường đánh cá trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na.
Ông Nguyễn Mạnh Tường đánh cá trên lòng hồ Thủy điện Hủa Na.
Chúng tôi hỏi về chương trình trồng rừng, một nội dung mà huyện Quế Phong đang đẩy mạnh triển khai nhằm tạo việc làm có thu nhập cho người dân, theo Chủ tịch xã Lương Thị Hồng, mới chỉ được khoảng 5 ha, và là tự phát dù đất sản xuất lâm nghiệp ở Thông Thụ có nhiều. Mải chuyện, thuyền chúng tôi xuôi về Đồng Văn lúc nào không hay. Ở đây, cũng như Thông Thụ, có không ít người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản trên mặt hồ... Như ông Nguyễn Mạnh Tường, trú tại bản Bàng, xã Đồng Văn cùng gia đình làm nhà nổi, "định cư" luôn trên hồ để thả vó, nuôi cá lồng. Trò chuyện, ông Tường cho biết: "Ngày 1 - 2 lần tôi đi thuyền về bản để mua những thứ cần thiết, còn phần lớn sống ở trên hồ để đánh cá, kiếm tiền nuôi gia đình chờ được giao đất sản xuất”.
Thấu hiểu đời sống người dân ở các khu tái định cư, bởi vậy, các cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt rất quan tâm công tác bảo vệ rừng. Theo các anh, từ khi Nhà máy Thủy điện Hủa Na ngăn đập, nước sông Chu dâng lên tạo thành hồ lớn đã thúc đẩy sự phát triển của thảm thực vật và các loài thủy sinh, bên cạnh đó, các loài động vật kéo về cư trú nên tính đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn ngày càng tăng lên. Chỉ tính riêng các mom đảo nổi giữa hồ, là khu vực trước đây người dân phát nương làm rẫy. Khi có hồ, nương rẫy hầu như bỏ hoang nay đã mọc lại thành rừng... "Riêng ở địa bàn Thông Thụ, diện tích rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt có trên 29.000 ha. Hiện đã có khoảng 390 người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng từ 5 - 30 ha; được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Được nhận khoán, được tuyên truyền, người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên, tính bền vững không cao. Bởi đời sống của người dân, không chỉ Thông Thụ, mà Đồng Văn, Tiền Phong vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào rừng. Nếu không thực hiện các kế sách tạo việc làm có tính bền vững lâu dài, thì việc người dân trở vào rừng sinh kế là dễ xẩy ra. Khi đó, công tác bảo vệ rừng sẽ hết sức khó khăn..." - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, anh Lê Phùng Diệu băn khoăn.
Đến lúc này, chúng tôi bỗng thấy cái háo hức được khám phá sự kỳ vĩ của núi rừng Thông Thụ như lắng lại. Thấy rằng, từ khi có công trình Thủy điện Hủa Na, cảnh quan Thông Thụ và các vùng lân cận đã đổi sắc. Cùng với sự đa dạng sinh học của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, các di tích - thắng cảnh như thác Sao Va, đền Chín gian..., huyện Quế Phong đã là điểm du lịch kỳ thú, đủ hấp dẫn để níu chân du khách. Và những giá trị này phải được nâng niu, bảo vệ. Nhưng để bảo vệ, tiến tới phát huy các giá trị, phải bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến cuộc sống dân sinh. Tự hỏi, đã công bằng hay chưa khi nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện đầy đủ những vấn đề thiết yếu đến đời sống của người dân khi họ nhường nơi chôn rau cắt rốn cho công trình Thủy điện Hủa Na được thực hiện. Nếu vẫn mãi tồn tại tình trạng này, vùng hồ thuỷ điện có còn nên thơ, và rồi tương lai của vùng núi rừng Pù Hoạt sẽ ra sao...?!.
Xã Thông Thụ, nơi có đỉnh Pù Hoạt cao gần 2.400m nằm trong dãy núi Pù Hoạt, sánh cùng với Phu Xai Lai Leng ở Kỳ Sơn, là nóc nhà của Bắc Trung bộ. Diện tích tự nhiên của xã Thông Thụ rộng 41.618 ha, chiếm hơn 20% diện tích toàn huyện Quế Phong; có 29,5 km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào. Phía Bắc Thông Thụ giáp xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa; phía Nam giáp 2 xã Hạnh Dịch, Tiền Phong; phía Đông giáp xã Đồng Văn; và phía Tây, giáp cụm bản Viêng Păn, huyện Xăm Tẩy, tỉnh Hủa Phăn (Lào).
Nhật Lân - Đào Tuấn

Tin mới