Mỹ sẽ cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Các tên lửa tầm xa mà Kiev nhiều lần yêu cầu, được cho là sẽ đi kèm với các đầu đạn chùm gây tranh cãi.

650defa22030272f6d5185b4.jpg
Ảnh minh họa: Getty

Các phương tiện truyền thông của Mỹ hôm 22/9 dẫn lời nhiều quan chức nắm rõ tình hình đưa tin, Washington dự kiến ​​sẽ cung cấp một số lượng nhỏ các tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS cho Ukraine.

Theo đó, cam kết được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky 1 ngày trước đó. Các quan chức giấu tên trao đổi với kênh tin tức NBC, đã không tiết lộ khi nào thông báo về gói ATACMS sẽ được đưa ra hoặc khi nào tên lửa sẽ thực sự được chuyển tới Ukraine, mà chỉ mô tả số lượng tên lửa sẽ được chuyển giao là “nhỏ”.

Các tên lửa ATACMS có tầm bắn hơn 300 km, dự kiến khi được chuyển giao sẽ tăng cường hơn nữa khả năng tấn công tầm xa cho Ukraine. Kiev đã nhiều lần yêu cầu Washington cung cấp loại tên lửa này, còn quan điểm của chính quyền Biden về vấn đề này có vẻ như đã thay đổi trong vài tháng qua, từ thẳng thừng từ chối sang "cân nhắc" động thái như vậy.

Hiện chưa rõ liệu Washington có cung cấp thêm bệ phóng cho Kiev để bắn tên lửa ATACMS hay không. Nếu không phân bổ thêm phương tiện để phóng, các tên lửa này dường như sẽ được bắn bởi các bệ phóng tên lửa đa nòng HIMARS và các hệ thống khác tương tự, do Washington và các đồng minh NATO khác cung cấp cho Kiev trước đây.

Một số nguồn tin nói với tờ Washington Post rằng, các tên lửa này dự kiến sẽ mang theo đầu đạn chùm, trong đó chứa hàng chục quả bom nhỏ hơn – loại đạn vốn gây nhiều tranh cãi. Các quan chức giấu tên không đưa ra lời giải thích tại sao lại lựa chọn loại tên lửa này để cung cấp cho Kiev. Tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm được cho là sẵn có và dồi dào hơn trong kho của Mỹ.

Đầu năm nay, Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Kiev các loại đạn pháo chùm cỡ nòng 155mm tiêu chuẩn NATO, thừa nhận đây là “biện pháp tạm thời” để bù đắp cho sự thiếu hụt đạn dược thông thường.

Việc chuyển giao đã bị chỉ trích gay gắt, ngay cả các đồng minh thân cận nhất của Mỹ, do bản chất vấp phải nhiều tranh cãi của những loại đạn như vậy. Đạn chùm đã bị nhiều quốc gia trên thế giới cấm vì tỷ lệ hư hỏng cao và khả năng gây ô nhiễm chiến trường bằng những quả bom chưa nổ. Những quả bom này vẫn còn “sống” và gây ra mối đe dọa cho dân thường trong nhiều năm.

Tin mới