Năm học mới, trường học 'đỏ mắt' tuyển dụng giáo viên hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An. Trong bối cảnh đó, ký hợp đồng với giáo viên sẽ giúp các nhà trường giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, việc tìm giáo viên cũng không dễ dàng.

Giáo viên không mặn mà

Đã 3 năm về hưu nhưng năm học này, cô giáo Đậu Thị Lan lại tiếp tục trở lại trường học cũ, làm giáo viên hợp đồng cho Trường THCS Nghi Phương (Nghi Lộc). Ở tuổi 58, với cô đây là nhiệm vụ không dễ dàng, thậm chí là “bất đắc dĩ” nhưng “vì tình nghĩa, vì nể” ban giám hiệu cũ nên cô quyết định nhận công việc này.

"Thầy hiệu trưởng nhà trường gọi cho tôi từ giữa hè và tôi đã lưỡng lự rất nhiều lần. Quả thật, ở tuổi này, tôi nghĩ trở lại đi dạy là điều rất khó khăn” – chị Lan kể lại.

Là giáo viên hợp đồng, nhưng vừa nhận nhiệm vụ, cô giáo Đào Thị Lan đã được giao chủ nhiệm lớp. Ngoài dạy môn chính là Ngữ văn, cô còn dạy thêm môn Âm nhạc, môn Giáo dục công dân. Người cựu giáo chức này cũng kể rằng, sau khi về hưu, cô có một chiếc máy tính cũ đã cho cháu mượn. Nay, lấy về, dù máy đã không còn nguyên vẹn như trước nhưng cô vẫn phải sử dụng thường xuyên vì yêu cầu soạn bài theo giáo án điện tử và nghiên cứu tài liệu.

bna_Giáo viên hợp đồng.jpg
Trường THCS Nghi Phương đang phải tuyển dụng nhiều giáo viên hợp đồng để đảm bảo đủ số giáo viên theo quy định. Ảnh: Mỹ Hà

Khó khăn nhất với cô hiện nay đó là trước kia cô dạy theo chương trình cũ, nay trở lại thì chương trình dạy học đã chuyển sang sách giáo khoa mới, yêu cầu về kiến thức, công nghệ cao hơn. Trong khi đó, những người cũ như cô tiếp nhận cái mới gặp rất nhiều khó khăn. Các môn còn lại, dù trái chuyên môn nhưng cô hy vọng nhờ có sự hỗ trợ của đồng nghiệp cô sẽ làm được “tròn vai”, bởi trước đây cô cũng từng dạy Âm nhạc và “biết đọc nốt nhạc, biết hát”...

Trường THCS Nghi Phương hiện nay chỉ có 12 giáo viên cơ hữu và chỉ có giáo viên đảm nhiệm các bộ môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Giáo dục công dân. Số còn lại, nhà trường phải hợp đồng giáo viên và hiện đang hợp đồng đến 8 người.

Nhiều năm nay, để hỗ trợ các nhà trường, nguồn kinh phí trả lương cho giáo viên hợp đồng do huyện chi trả với số tiền 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nếu nhà trường cân đối được tài chính, có thể mỗi tháng hỗ trợ khoảng 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, với mức chi trả còn thấp, đặc thù của Nghi Phương lại là xã xa trung tâm nên thời điểm này, việc tìm giáo viên hợp đồng rất khó khăn.

Thầy giáo Nguyễn Công Sơn – Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Chúng tôi rất vất vả khi tìm giáo viên hợp đồng bởi giáo viên chủ yếu đến từ thành phố Vinh hoặc thị xã Cửa Lò. Lương hợp đồng chi trả không đủ cho các giáo viên đi lại. Vì vậy, chúng tôi buộc phải tìm giải pháp đó là hợp đồng giáo viên đã về hưu, hợp đồng thêm giáo viên dạy liên trường hoặc bố trí các giáo viên dạy liên môn dù hầu hết các giáo viên đều đã dạy vượt tiết theo quy định.

IMG_8625.JPG
Sau 3 năm về hưu, cô giáo Đậu Thị Lan trở lại với công việc giảng dạy. Ảnh: Mỹ Hà

Đã bước sang tuần học thứ 2 nhưng đến thời điểm này Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam vẫn chưa tuyển dụng được giáo viên dạy môn Lịch sử, dù nhà trường đã vận dụng nhiều mối quan hệ và đăng tải ở nhiều phương tiện. Việc thiếu giáo viên văn hóa khiến cho việc tổ chức dạy học của nhà trường gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Xuân Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước mắt, nhà trường phải điều động một cán bộ của trường nguyên là giáo viên dạy môn Lịch sử kiêm nhiệm thêm công tác dạy học.

"Cung" không đủ "cầu"

Bước vào năm học mới, Nghệ An đang thiếu khoảng 6.000 giáo viên ở nhiều cấp học khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu là bậc học mầm non, tiểu học và giáo viên THCS. Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều địa phương đã trích kinh phí để hỗ trợ các trường tuyển dụng giáo viên hợp đồng đảm bảo có đủ giáo viên đứng lớp cho các nhà trường.

Ông Nguyễn Văn Thông – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cho biết: Mỗi năm, huyện cấp ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ chi trả cho các nhà trường. Như năm nay, toàn huyện phải hợp đồng gần 300 giáo viên... Đây cũng là phương án được các huyện như Nam Đàn, Diễn Châu, Đô Lương, Tương Dương... thực hiện nhiều năm nay.

bna_Giờ học của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh - Mỹ Hà.jpg
Giờ học của học sinh Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: Mỹ Hà

Do nhu cầu tăng cao nhưng số giáo viên ra trường hàng năm không nhiều nên việc tìm giáo viên hợp đồng thực sự không dễ dàng. Thầy giáo Nguyễn Đức Cảnh – Hiệu trưởng Trường THCS Quán Bàu (TP. Vinh) cho biết: Năm nay, trường thiếu 10 giáo viên nên việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng phải bắt đầu từ trong hè. Số giáo viên tuyển dụng mới chủ yếu là giáo viên mới ra trường, hợp đồng thỉnh giảng. Ngoài ra, để bù vào số giáo viên bị thiếu, nhà trường vận động giáo viên trong trường dạy tăng tiết.

Liên quan đến tuyển dụng giáo viên, trên trang Tuyển dụng giáo viên Nghệ An, trong vài tháng trở lại đây, thông tin đăng ký tuyển dụng khá rôm rả. Tuy nhiên, nếu như trước đây, thông tin tuyển dụng chủ yếu là người tìm việc thì nay nhiều hơn là việc tìm người.

Cô giáo Trần Thị Thu Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hưng Đông (thành phố Vinh) cho biết: Chúng tôi cần tuyển 1 giáo viên tiếng Anh với tiêu chuẩn tốt nghiệp ngành Sư phạm tiếng Anh, có chứng chỉ B1, B2 nhưng dù đã đăng hơn 1 tuần rồi nhưng vẫn chưa tìm được giáo viên. Có một số hồ sơ đã nạp vào nhưng đều không đủ tiêu chuẩn. Thực tế, so với các giáo viên khác, việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh rất khó vì trường chúng tôi xa trung tâm, mức lương hợp đồng không cao và phải cạnh tranh với nhiều trường, nhiều trung tâm ngoại ngữ khác trên địa bàn.

369634535_346755744345463_8075029513079815027_n.jpg
Trước thềm năm học mới, nhiều trường học ở Nghệ An thiếu giáo viên. Ảnh: NT

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ diễn ra trong năm học này mà dự kiến sẽ còn tái diễn ở nhiều năm tới. Điều này cũng lý giải vì sao trong vài năm trở lại đây, số lượng học sinh lớp 12 đăng ký vào ngành sư phạm ngày càng tăng và ngành sư phạm trở thành ngành “hot” của nhiều trường đại học.

Nhiều nhà quản lý giáo dục còn dự báo, hiện số học sinh ở các bậc học sẽ tiếp tục tăng và chỉ 5 đến 10 năm nữa số giáo viên cũ về hưu sẽ rất nhiều. Vì vậy, trong công tác quy hoạch cần có những chiến lược dài hơn để kịp thời bổ sung số giáo viên thiếu hụt, tránh tình trạng thiếu giáo viên kéo dài như hiện nay và không để xảy ra tình trạng “cung” không đủ “cầu”./.

Tin mới