Nga tuyên bố NATO không có khả năng đàm phán trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, ở giai đoạn này, không thể có thỏa thuận nào với các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì các nước trong khối cho thấy họ không có khả năng đàm phán. 

Screen Shot 2023-11-08 at 7.03.19 AM.png
Một hệ thống tên lửa của Nga. Ảnh: Reuters

"Chính quyền các nước thành viên NATO và các đối tác của khối đã thể hiện rõ ràng sự bất lực của họ trong đàm phán. Ở giai đoạn này, không thể có thoả thuận nào với họ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Chỉ khi họ quay trở lại những quan điểm mang tính xây dựng và thực tế thì cuộc đối thoại tương ứng mới có thể được hồi sinh như một phần trong nỗ lực hình thành một hệ thống an ninh châu Âu mới, đáp ứng lợi ích của Nga".

Theo Bộ Ngoại giao Nga, ngày 7/11 (theo giờ địa phương) Nga đã chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) - thỏa thuận ra đời nhằm giảm leo thang xung đột tiềm tàng giữa Nga và phương Tây. Đối với Moskva, tài liệu cuối cùng đã "đi vào lịch sử". Dù thực tế là sau khi HIệp ước Warsaw chấm dứt, Hiệp ước CFE đã mang lại cho Nga "những đảm bảo về an ninh vật chất", nhưng một số điều khoản của nó không còn đáp ứng được lợi ích của Nga. Do đó, CFE thực tế đã "mất liên lạc".

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, phương Tây đã đánh giá khá cao khả năng "ảnh hưởng" đến Nga và mức độ quan tâm của Nga đối với CFE.

Theo sau Nga, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố đình chỉ tham gia CFE, như là "một phản ứng đối với các hành động" của Moskva.

Theo Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẽ đình chỉ tham gia CFE từ ngày 7/12.

Dù NATO khẳng định CFE là "kiến trúc an ninh châu Âu", song hiện NATO công bố kế hoạch đình chỉ vô thời hạn việc tham gia Hiệp ước CFE, nhấn mạnh rằng họ lên án quyết định rút khỏi hiệp ước của Nga.

Giới phân tích quân sự cho rằng, NATO đã liên tục vi phạm các thỏa thuận khi tiến hành các cuộc tập trận gần biên giới với Nga, với quy mô vượt quá mức độ hoạt động quân sự được Hiệp ước CFE cho phép.

Chuyên gia quân sự Yuri Knutov nhấn mạnh, tình hình trở nên tồi tệ hơn sau khi các nước NATO chọn cách phớt lờ các yêu cầu của Nga, liên quan đến mong muốn khôi phục nguyên trạng đã tồn tại trước khi khối mở rộng về phía Đông. Tuy nhiên, liên minh không có ý định từ chối Ukraine và các quốc gia khác nằm cạnh Nga, gia nhập khối. Tất cả điều như "giọt nước tràn ly", khiến Nga bắt đầu một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"NATO hành động khá tinh vi: trong khuôn khổ một cuộc tập trận quy mô lớn, một số cuộc diễn tập chính thức được tổ chức dưới những tên gọi khác nhau, chẳng hạn như cuộc tập trận Defender 2023. Chưa kể đến việc Phần Lan gia nhập khối, kế hoạch triển khai lực lượng phản ứng nhanh ở sườn phía Đông, gần biên giới với Nga, với số lượng khoảng 300.000 quân, cũng như việc quân sự hoá Ukraine. Trong tình hình như vậy, việc duy trì Hiệp ước CFE là vô lý" - chuyên gia quân sự Knutov phân tích.

Vladimir Bruter, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính trị và nhân đạo quốc tế cho rằng, Mỹ và các đồng minh "đã tự làm mất uy tín của mình". Khó có thể có những thỏa thuận giữa Nga và các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu, nếu Moskva không tin tưởng vào những "đối tác" này.

"Kế hoạch mà phái Mỹ thường đề xuất để giám sát việc thực hiện các thoả thuận trong lĩnh vực quân sự là không trung thực. Mỹ muốn được phép thanh tra, nhưng chính họ lại tạo ra nhiều trở ngại cho việc thanh tra của Nga. Trong tất cả những điều này, tiêu chuẩn kép là điều có thể nhận ra ở Mỹ và các đồng minh. Và họ không có khả năng đàm phán" - chuyên gia Bruter đánh giá./.

Tin mới