Nghệ An ban hành 4 tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa bắt đầu từ năm học 2024 - 2025

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Đây là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Trước đó, ngày 28/12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2024.

Theo thông tư này, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, các trường sẽ được tự chọn sách giáo khoa chương trình phổ thông mới để giảng dạy cho phù hợp với học sinh, giáo viên.

Theo đó, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, mỗi trường sẽ thành lập một hội đồng lựa chọn sách riêng thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của Uỷ ban nhân dân tỉnh như các năm học trước.

bna_Giáo viên Trường Trung học cơ sở Quán Bàu tập huấn về sách giáo khoa mới. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Quán Bàu - thành phố Vinh tập huấn về lựa chọn sách giáo khoa mới. Ảnh: Mỹ Hà.

Hội đồng lựa chọn sách do hiệu trưởng thành lập, bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ trưởng tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn, phòng chuyên môn (gọi chung là tổ chuyên môn), đại diện giáo viên, đại diện ban cha mẹ học sinh.

Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu.

Thông tư 27 cũng quy định rõ, việc lựa chọn sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc: Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Liên quan đến việc thực hiện theo Thông tư 27, ngày 15/3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND Quyết định ban hành Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, việc chọn sách giáo khoa trong các nhà trường phải đảm bảo 3 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí 1, đó là phải phù hợp với việc học của học sinh. Cụ thể, nội dung, cấu trúc sách giáo khoa đảm bảo tính cơ bản, khoa học, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, dễ sử dụng, phù hợp với đối tượng học sinh, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Qua đó, tạo điều kiện cho học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Ngoài ra, sách giáo khoa đảm bảo tính thẩm mỹ, trình bày cân đối, hài hoà, phù hợp với đặc trưng môn học và tâm lý lứa tuổi học sinh.

Tiêu chí thứ 2 để các hội đồng nhà trường lựa chọn đó là phải thuận lợi đối với giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học gắn kết với thực tiễn cuộc sống.

bna_Giờ học.jpg
Theo hướng dẫn, việc lựa chọn sách phải phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện địa phương và điều kiện dạy học ở các nhà trường. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà

Tiêu chí thứ 3 đó là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Theo tiêu chí này, ngoài việc chọn sách có tính mềm dẻo, tính phân hóa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế của các vùng miền thì sách giáo khoa cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương.

Tiêu chí cuối cùng trong việc lựa chọn sách đó là phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó cần phù hợp với các điều kiện như cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác của cơ sở giáo dục./.

Tin mới