Nghệ An đã triển khai VNEN như thế nào?

(Baonghean) - Nghệ An là 1 trong 20 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn triển khai với 73 trường tham gia dự án VNEN. Tuy nhiên vì là mô hình thí điểm nên sau 4 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập.

>>> "Giải oan" cho VNEN!

Loay hoay ở bậc Tiểu học

Sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn để thí điểm mô hình VNEN, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã cho các trường đăng ký trên cơ sở tự nguyện với tiêu chí là các trường đã đạt chuẩn quốc gia. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là 1 trong 2 trường của thành phố Vinh được chọn thí điểm dạy học theo mô hình trường học mới VNEN. Mô hình được áp dụng cho tất cả các khối (từ lớp 2 đến lớp 5), mỗi khối có 8 -10 lớp, mỗi lớp có 40 - 45 em. Theo đánh giá của Hiệu trưởng nhà trường, sau 4 năm thực hiện mô hình mới, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, sinh hoạt chuyên môn nhà trường đi vào nề nếp; Ban giám hiệu nhà trường tăng cường dự giờ, kiểm tra kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, nề nếp lớp học... tìm ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện để giải quyết. 

Lớp học theo chương trình VNEN ở Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh).
Lớp học theo chương trình VNEN ở Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh).

Đánh giá sau 4 năm đầu triển khai thực hiện việc dạy học theo mô hình trường học mới VNEN ở bậc tiểu học, ông Trần Thế Sơn - Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Dự án “cơ bản” thành công. Trong đó, có 80% trường thực hiện tốt và 20% trường thực hiện chưa hiệu quả. 

Tuy nhiên, đi cùng với thành tích “bề nổi”, cũng âm ỉ những cơn “sóng ngầm”. Đỉnh điểm sáng 23/8, nhiều phụ huynh đã tập trung đến cổng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi phản đối việc cho con học theo mô hình trường học mới. Chị Nguyễn Thị Hương (phường Quán Bàu, thành phố Vinh) cho biết: “Tôi có 2 con đang theo học chương trình VNEN. Trong đó, cháu đầu có đến 5 năm học theo chương trình VNEN (4 năm ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi và 1 năm ở Trường THCS Lê Lợi). So với các bạn, cháu đuối hẳn. Chúng tôi phải cho cháu đi học thêm để bổ sung kiến thức, vừa vất vả vừa tốn kém”. 

"Rút kinh nghiệm" từ cháu đầu, bây giờ chị Hương cương quyết chuyển trường cho cháu thứ 2 đang học VNEN ở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Trước đó, bà Trần Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường cũng xác nhận: "Từ đầu tháng 8 đến nay có khoảng 7 trường hợp đến xin chuyển trường cho con. Đây là năm thứ 5 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi triển khai dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, và việc xin chuyển trường cũng đã diễn ra từ những năm trước".

D học mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Chương.
Áp dụng học mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Thị trấn Thanh Chương.

Nhiều phụ huynh có con theo học chương trình VNEN cũng bày tỏ ý kiến phản đối bởi họ cho rằng mô hình này không phù hợp. Chị Nguyễn Thị Sen (phường Quán Bàu, TP Vinh) nói: Tôi không phủ định VNEN, nhưng ngay trong cách tổ chức lớp học đã không phù hợp. Như ở nước ngoài, các em ngồi nhóm, xung quanh có màn hình chiếu, sử dụng ghế xoay nên dù ở tư thế nào các em cũng có thể theo dõi được bài giảng. Nhưng ở ta, mỗi lớp học chỉ có một chiếc bảng, muốn tiếp thu bài các em phải xoay lưng rất hại đến cột sống và mắt.

Chị Dương Thanh Trà (có con đang học lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi) cho biết: Chương trình trường học mới khuyến khích trẻ tự học, học theo nhóm, nên chỉ phù hợp với những học sinh có năng lực, mạnh dạn. Ngược lại, những trường hợp như con tôi thì cháu càng ngày học càng yếu vì cháu vốn nhút nhát. 

Tìm hiểu thực tế, cho thấy quá trình triển khai chương trình VNEN ở Nghệ An hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong điều kiện về con người và cơ sở vật chất. Đặc biệt, từ năm học 2016 – 2017 này, phụ huynh có con học theo chương trình mới phải mua sách giáo khoa đắt gấp đôi sách theo chương trình hiện hành, chưa kể các khoản đóng góp để trang trí lớp và mua sắm thiết bị phục vụ học tập (theo chương trình, 73 trường tiểu học đầu tiên được triển khai thí điểm ở Nghệ An có kinh phí của dự án hỗ trợ mỗi trường khoảng 100 triệu đồng/năm, học sinh được hỗ trợ sách giáo khoa, nhưng đến nay dự án đã chấm dứt hỗ trợ). 

Theo nhiều giáo viên phản ánh, công tác chuẩn bị về đội ngũ giảng dạy chưa đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo mới dừng lại ở một số buổi tập huấn đầu năm học, nên khi về triển khai trên thực tế, nhiều giáo viên lúng túng trong việc áp dụng chương trình mới.

Về phía các nhà trường, để dạy học hiệu quả đòi hỏi cần phải trang trí lớp học theo từng chủ đề, chủ điểm, học sinh phải có thiết bị học tập đi kèm để hỗ trợ trong học tập, giáo viên cũng thường xuyên phải phô tô tài liệu, các biểu bảng, phiếu thăm dò... Để đáp ứng các tiêu chí này, về lý thuyết là được hỗ trợ. Tuy vậy, quá trình triển khai các trường rất chật vật để thực hiện, thậm chí là phải huy động xã hội hóa từ phụ huynh. Rất nhiều trường như Trường Tiểu học Châu Hội (Quỳ Châu), Trường Tiểu học Châu Khê (Con Cuông)... nhà trường đã phải huy động phụ huynh đến giúp nhà trường trang trí, tu sửa các lớp học. Ở Trường Tiểu học thị trấn Nam Đàn, cô giáo Phạm Thị Huệ - Phó Hiệu trưởng cũng cho hay: Nhà trường đã được trang bị máy phô tô, nhưng sử dụng chưa được một ram giấy là bị hỏng và phải “đắp chiếu” từ đó đến nay.

Báo cáo tổng kết của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra những hạn chế như: Công tác quản lý, chỉ đạo ở một số phòng giáo dục, nhà trường còn bất cập, không theo kịp yêu cầu đổi mới; tâm lý, thói quen quản lý dạy học theo kiểu ứng thí, nặng về dạy chữ ở một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên trở thành rào cản cho tư duy đổi mới giáo dục theo hướng giáo dục tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực người học. Một số cán bộ quản lý, giáo viên còn bày tỏ sự không yên tâm với phương pháp dạy mới này. Bởi lớp đông thì giáo viên khó quản lý, và cũng ít có thời gian đến từng nhóm để kịp thời sửa chữa, chỉ bảo cho học sinh yếu kém.

Lúng túng ở bậc THCS

Năm học 2015 - 2016 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục Nghệ An triển khai mô hình trường học mới ở bậc THCS. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến khi đi vào thực hiện, chương trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Đồng thời, gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh trong quá trình theo học. Tại Trường THCS Hưng Dũng (TP. Vinh) là trường có số lượng học sinh tham gia chương trình trường học mới đông nhất trong số 26 trường triển khai thí điểm đầu tiên. Nói về những khó khăn, thầy giáo Ninh Viết Tăng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường THCS Hưng Dũng là trường đã có bề dày về dạy và học, thế nhưng khi có thông tin trường sẽ dạy học theo chương trình trường học mới, nhiều phụ huynh đã đến xin chuyển trường. 

Tập huấn chương trinh trường học mới cho giao viên bậc THCS.
Tập huấn chương trình trường học mới cho giáo viên bậc THCS.

Quá trình dạy học, vì nhà trường dạy song song hai chương trình (chương trình hiện hành và chương trình trường học mới) nên nhà trường phải bố trí, sắp xếp việc dạy cho giáo viên theo giờ lên lớp rất khó khăn. Nhiều giáo viên cho biết, đã làm việc quá tải khi mà phải soạn hai giáo án, trong đó một giáo án soạn trong điều kiện “vừa học, vừa tự nghiên cứu, vừa dạy”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc dạy học theo mô hình trường học mới ở cấp THCS là không hợp lý, vì đặc thù bậc THCS mỗi môn học một giáo viên nên sẽ rất khó để sâu sát học sinh. Đó là chưa nói đến việc học tích hợp các môn khoa học tự nhiên và các môn khoa học xã hội là không hợp lý, vì giáo viên đều chưa được đào tạo, chỉ được tập huấn vài ba buổi, không có kinh nghiệm giảng dạy.

Cô giáo Thái Vân dạy Văn lớp 6, Trường THCS Hưng Dũng, cũng chia sẻ: Chúng tôi rất băn khoăn khi triển khai việc dạy cho các cháu. Vì nếu chỉ dạy theo đúng sách giáo khoa thì học sinh sẽ tiếp thu bài không đầy đủ, khả năng luận, khả năng làm bài tập hạn chế. Còn muốn có kết quả tốt thì giáo viên rất vất vả, tranh thủ các buổi học thêm, học phụ đạo để bổ sung kiến thức cho học sinh theo như chương trình hiện hành. Có một thực tế ở Trường THCS Hưng Dũng, trước khi vào năm học 2016 - 2017, trong đơn xin vào học, nhà trường cũng đã làm một cuộc khảo sát lấy ý kiến học sinh về đăng ký nguyện vọng, đa số học sinh đều tích vào ô học theo chương trình hiện hành. 

Theo mô hình trường học mới, việc dạy học sẽ có 4 đặc trưng cơ bản: 

1. Dạy học thông qua các hoạt động của học sinh; 

2. Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp tự học; 

3. Tăng cường học tập cá thể phối hợp với học tập hợp tác;

4. Kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của học trò.

Sau khi tham gia lớp tập huấn về chương trình VNEN cho bậc THCS, nhiều giáo viên cho biết: Việc tập huấn quá sơ sài. Chúng tôi chỉ có 2 ngày với một buổi nghe phương pháp, còn lại tự soạn 2 giáo án và trình bày khi chưa nắm rõ phương pháp. Hơn thế, lịch tập huấn sát với thời gian học chính thức nên không có thời gian chuẩn bị. Năm học này, bắt đầu triển khai tập huấn từ 15/8 mà 23/8 đã học chính thức. Hiện nay, còn một số môn chưa tập huấn xong. Tài liệu sách giáo khoa đưa về quá chậm (22/8 giáo viên và học sinh mới có sách giáo khoa). Một số phân môn chưa có giáo viên được đào tạo; ví dụ, môn khoa học tự nhiên ngoài các nội dung như Lý, Hóa, Sinh còn có giáo viên dạy, riêng phần tích hợp liên môn hiện nay nhiều trường vẫn chưa biết bố trí dạy như thế nào? Tương tự là môn khoa học xã hội.

Nhiều phụ huynh cũng lo lắng, chương trình trường học mới chỉ thí điểm ở một số trường mà việc kiểm tra đánh giá ở các kỳ thi như: thi học sinh giỏi, thi tuyển sinh vẫn chưa thay đổi, nên học sinh học chương trình mới sẽ bị thiệt thòi, bất lợi khi thi cùng với học sinh học theo chương trình hiện hành.

(Còn nữa)

NHÓM P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới