Nhạc sỹ Hồng Đăng: Người viết nhạc cho phim nhiều nhất

(Baonghean) - Nhạc sỹ Hồng Đăng đã sáng tác trên 700 tác phẩm âm nhạc với nhiều thể loại như ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, nhạc phim và sân khấu. Đặc biệt ông đã viết nhạc sử dụng cho 70 bộ phim truyện Việt Nam, trong đó có các ca khúc nổi tiếng như: Hoa Sữa- phim “Hà Nội mùa chim làm tổ”; Lênh đênh - phim “Đời hát rong” và Biển hát chiều nay - cho nhiều bộ phim về biển...

hạc sỹ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, sinh năm 1936, quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An. Năm 16 tuổi, khi đang là học sinh kháng chiến Liên khu 4, ông đã có những sáng tác đầu tay “Nắng về Tây Bắc”, “Nhớ ơn Cụ Hồ”, “Đời học sinh” phục vụ kháng chiến. Sau hòa bình, trở về Hà Nội, ông vào học lớp sáng tác khóa đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia).

Trong thời gian này, ông có nhiều ca khúc nổi tiếng: “Đường đi có nắng mặt trời”; “Quà tháng Năm”; “Giữa mùa sa nhân”; “Tổ quốc mười năm đã lớn” và nhiều tác phẩm khí nhạc. Ông nguyên là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa 4 và 5; Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc từ năm 1989 - 1996; được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001 cho cụm tác phẩm: “Biển hát chiều nay”; “Hoa sữa”; “Quà tháng năm”; “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”.

Cuộc đời hoạt động của Hồng Đăng là đầy sôi nổi, đa dạng trên nhiều lĩnh vực giảng dạy, thanh nhạc, khí nhạc, viết nhạc cho phim, viết sách, làm báo... Theo ông, làm nghệ sỹ phải có bản lĩnh đích thực, chấp nhận hy sinh, gian khổ, đớn đau, thậm chí là thoát tục thì mới ra được tác phẩm. Cũng theo ông, “Ca khúc “sống” được phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ hòa âm, phối khí đến ca sỹ thể hiện đồng nhất mới tạo được cảm xúc cho người hưởng thụ!”.

Người ta bảo ông là nhạc sỹ đa tài, đa tình, mỗi ca khúc đều có một bóng hồng trong đó. Ông không phản đối và lý giải rằng: “Mỗi họa sỹ, nhạc sỹ hay nhà thơ... đều có bóng dáng tình yêu trong tác phẩm, điều đó là bắt buộc không thì làm sao viết. Như bài “Lênh đênh” tôi lấy cảm hứng từ số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng suốt đời không bao giờ gặp được nhau, nên lúc nào cũng bâng khuâng như con thuyền lênh đênh trên sóng! Ca khúc “Hoa sữa” là bài tôi viết cho phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1978), theo chủ đề về tình yêu Hà Nội. Tôi nghĩ ngay đến đề tài hoa sữa có mùi hương độc đáo, quyến rũ chỉ riêng có vào mùa Thu ở Hà Nội. Không ngờ rằng, khi phim kết thúc, bài hát vẫn “sống” trong lòng công chúng đến bây giờ. Nhiều ca sỹ thể hiện bài hát này rất thành công như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Nhã Phương, Thanh Hoa, Tùng Dương! Đó cũng là “mối tình đầu” để tôi tiếp tục sáng tác nhạc cho hơn 70 bộ phim và là nhạc sỹ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội”.

Đời ông cũng gặp nhiều bất trắc, có lúc bị “đánh” tơi tả. Năm 1963, ở Tiệp Khắc có mở cuộc thi sáng tác quốc tế ca khúc về hòa bình và hữu nghị. Ông viết tác phẩm lấy tên là “Sóng biển lang thang”. Sau khi gửi đi được họ mời sang dựng ca khúc đó nhưng người ta không cho ông đi. Ba tháng sau có giấy báo tác phẩm được giải thưởng lớn (không có giải Nhất), vượt qua hàng trăm ca khúc của các nhạc sỹ của 30 nước. Ông còn bị buộc là “xét lại”. Hay như câu chuyện về “Hoa sữa” cũng bị hiểu sai là gây “hệ lụy” đến là thú vị. Do bài hát được nhiều người yêu thích, cây hoa sữa được “nhân giống” ra khắp nước. Nhưng nhiều nơi đem về trồng quá dày đặc trên phố chỉ  cách nhau 2 - 3m một cây. Đến mùa hoa nở rộ thì mùi nồng nặc không chịu nổi, người ta phải chặt đi và kết tội cho nhạc sỹ... viết sai.

Sau gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, ông tự hào về một gia tài có hàng ngàn ca khúc và các loại hình khác. Giờ đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Ông đã tâm sự: “Tôi rất biết ơn người vợ trẻ Lê Anh Thúy (kém tôi đến 24 tuổi), vốn là kỹ sư xây dựng đã tình nguyện “theo chồng bỏ cuộc chơi” để chăm lo cho chồng con và thi thoảng có làm thơ, viết báo. Mỗi khi thai nghén một tác phẩm mới, người đầu tiên tôi chia sẻ là vợ, cô ấy góp ý để tôi hoàn thiện tác phẩm. Cần đi đâu cô tình nguyện làm “xe ôm” cho chồng trên chiếc xe máy cũ đời 82, và luôn là “cầu nối” cho những cuộc vui thú bạn bè, đồng nghiệp. Chuyện gì nghiêm trọng đến đâu cũng biết cách biến thành nhẹ nhàng, hóm hỉnh, tung hứng cho nhau rất khéo léo! Với sự cống hiến của ông cho nền nghệ thuật nước nhà, ông đã được tặng danh hiệu cao quý – Giải thưởng Nhà nước, góp phần làm rạng danh cho quê hương xứ Nghệ.

Lê Lân(47, Đặng Thúc Hứa, Vinh)

Tin mới