Đường Nguyễn Thị Minh Khai và chút ký ức riêng...

(Baonghean) - Trong cuộc sống xô bồ, người cũ thường nhớ về phố xưa mà ở đó gần như các thế hệ của những gia đình thị dân đầu tiên đã dần lùi xa sau mặt phố hay chuyển đi nơi khác, nhưng họ đã gửi lại những ký ức rêu phong. Ấy là con phố Nguyễn Thị Minh Khai, mà bây giờ nổi tiếng là một phố nghề thiết bị máy tính, viễn thông của Thành phố Vinh.

Những năm 1990, trừ các công sở thì phố Nguyễn Thị Minh Khai còn lác đác nhà dân cao tầng. Đi trên hè phố lỗ chỗ gạch, cát, bê tông; nghển cổ trông sang hai bên là có thể thấy những khóm trâm bầu dại khuôn những bờ rào vườn nhà lúp túp cấp 4. Đêm đêm trong đỏ quạch ánh đèn đường là kẽo kẹt tiếng xích lô vớt khách hay xe đạp của công nhân tan ca muộn tỏa về các ngõ nhỏ khu Liên cơ. Đêm phố chỉ thực đông vui mỗi khi Nhà Văn hóa Lao Động  có sự kiện giải trí lớn hút người dân mạn Bắc thành phố tìm về. 

Một quãng phố nghề Điện tử - Viễn thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một quãng phố nghề Điện tử - Viễn thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910 tại xã Vĩnh Yên, Thành phố Vinh. Năm 1927, bà tham gia hoạt động trong phong trào công nhân ở Vinh và tham gia thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng, sau đó được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ. Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, bà sang Hương Cảng làm thư ký cho Nguyễn Ái Quốc ở văn phòng chi nhánh Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản.  Năm 1931, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva cùng với Lê Hồng Phong. Năm 1936, bà được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng 1936-1939 ở Sài Gòn. Năm 1940, bà bị bắt ngay sau phiên họp của xứ ủy Nam kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa và bị giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 26 tháng 8 năm 1941.

Phố cũ thời còn bao cấp vốn tất bật, lấm láp mưu sinh của viên chức, công nhân tập trung trong khu Liên cơ bên mặt phố phía Đông, nay thuộc phường Hưng Bình, và của dân lao động tự do thuộc mặt Tây, nay thuộc phường Lê Mao. Không có nhiều nét tao nhân mặc khách ở một khu phố được hình thành sớm của phố thị Vinh, nhưng ở tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai trong những năm 1980 còn có nhiều nhà thuộc giới tiểu tư sản trước Cách mạng tháng Tám về trước, giữ cái thú nhỏ nhoi đọc sách uống trà bên hòn non bộ trước vuông sân nhỏ, dạy con về đức của người quân tử “ăn không cầu no...”.  

Ấy, nên họ có một cuộc sống hơi kỳ dị, thế hệ mới lớn lên tưởng như bàng quan với thời cuộc trong dồn nén đổi mới, phố xá đua tranh bán mua đất đai nhà cửa, mở mang dịch vụ mà bắt đầu chỉ từ những hàng pho-tô-cóp-py bằng máy “nội địa” ọc ạch, hàng rửa xe máy, karaoke một giờ 7 nghìn đồng, hay hàng cà phê pha sẵn... Ấy nhưng ở họ đầy những tâm tư cơm áo, việc làm, mà bởi chút học hành chữ nghĩa, khí tiết quân tử được dạy dỗ khiến họ lùi xa dần những sôi động phố mới.
Tôi biết một gia đình như thế cạnh quán Cà phê Sinh Viên bây giờ. Ông công chức già về hưu cùng ba thằng con trai lộc ngộc sống với nghề cho thuê sách truyện trẻ con. Đầu tóc mấy ông con tuổi đôi mươi đều để dài búi tó, quần áo cũ nhưng luôn được là thẳng thớm và chỉ đi ra phố sau bữa cơm để chè chén với phong cách tỏ ra mã thượng “phớt đời”, nhưng thực ra họ đều hiền lành và hay giúp người dù đó là bà ăn xin, hay cô nhân viên quán karaoke bị nhà chủ hắt hủi... Cái nhà lưu nét bàng bạc thị dân xưa cũ đó, sau đã chuyển đi đâu không rõ nhưng khiến cho người ở lại nhớ cảnh và người như nuối tiếc những yên ả đã qua trong bộn bề cuộc sống nay.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn từ ngã năm Bưu điện tỉnh.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai nhìn từ ngã năm Bưu điện tỉnh.
Phố Nguyễn Thị Minh Khai trong những năm tháng đầu đổi mới lần lượt giải phóng mặt bằng khu Liên cơ cũ để xây dựng các công sở.  Trong cái se se lạnh đêm mùa đông, khi những ông bố, bà mẹ vùi trong chăn ấm hay giải trí trước màn hình ti-vi phần nhiều là màn hình đen trắng, thì các đôi trai gái lại ra phố chụm đầu bên ánh đèn dầu hàng chè chén, xôi bắp đầu Ngã Năm bên Bưu điện tỉnh. Mạn suốt cuối đường phía Vườn hoa Vòi phun tấp nập hơn nhờ cái nhộn nhạo từ Bến xe Vinh... Phố xá đông đúc dần lên, ngôi nhà mặt phố cao 4 tầng ốp đá của một ông trùm đá đỏ được xây quãng năm 1992 và sau đó  là các quán cà phê Trung Nguyên, Sinh Viên, Cây Ngô Đồng luôn hút khách và các hàng sửa chữa, buôn bán di động đầu tiên mọc lên được coi như là một dấu hiệu sầm uất của phố Nguyễn Thị Minh Khai năng động bậc nhất của thành phố bây giờ. 
Những thương hiệu hàng điện tử viễn thông nổi tiếng, hay những không gian cà phê dù sang trọng hay bình dân đều độc đáo hút khách, luôn được làm mới ấn tượng hơn, hiện đại hơn. Chợt nhớ một ngày thu năm 2005, khi tôi may mắn được ngồi chuyện trò cùng ông Giắc-cơ Lơ-bai ,là chuyên gia tư vấn du lịch quốc tế người Pháp, ngồi nhâm nhi li bia “Vida” trong cà phê Sinh Viên trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, ông nói ông biết mình đang ngồi ở con phố mang tên một nữ liệt sỹ anh hùng  của cách mạng Việt Nam sinh ra tại TP Vinh, đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống lại áp bức của những người đồng hương của ông. Ông ngước mắt lên bầu trời thu thành Vinh trong xanh hôm ấy, nói rằng con người ở đây thân thiện, thiên nhiên ở đây rất đẹp, và ông mong rằng ngày trở lại, sẽ được thấy con phố mang tên bà Nguyễn Thị Minh Khai mà ông rất kính phục cũng phát triển mạnh mẽ, đẹp như con phố nơi ông ở tại tỉnh lỵ Cốt Đa-mo quê hương ông. Không biết ông Giắc-cơ Lơ-bai đã có dịp nào trở lại thành Vinh, nhưng tôi muốn nói với ông rằng, phố ấy nay đã có giữa riêng ông và tôi một niềm tự hào phố mới như lời chúc chân thành của ông!
Vậy là có những điều trong cuộc sống trở nên đẹp hơn vì những sự ngẫu nhiên. Tôi nhớ gia đình bố con ông cho thuê sách truyện, tôi nhớ ông chuyên gia tư vấn du lịch người Pháp, để gieo một niềm tin riêng rằng, hồn phố vẫn cho nhiều người lưu giữ những thoáng ký ức mềm sâu như thế, là cho sự phồn vinh đích thực của một con phố thương mại sôi động bậc nhất của Vinh hôm nay và mai sau.
Đình Sâm

Tin mới