Họa sỹ Nguyễn Hữu Dỵ - Những xao động nỗi đời

(Baonghean) - Ông không thể lẫn vào đám đông bởi cái vẻ rất “dị” của mình: tóc búi tó, chòm râu dài phơ phất, và bận… áo hoa. Vật bất ly thân từ bao nhiêu năm nay của ông là cái điếu cày và bi đông rượu. Tất cả đã làm thành “thương hiệu” “Made in HuZy” như cách ông ký dưới mỗi bức ảnh ông chụp, mỗi bức tranh ông vẽ. Ấy thế mà sau cái vẻ lãng tử, phong trần tưởng chừng như “phớt đời” ấy, là biết bao hồn hậu, bao đau đáu và cả “sự nghiêm túc đến kinh ngạc”.
Họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ
Họa sĩ Nguyễn Hữu Dỵ
Lần đầu tôi gặp Nguyễn Hữu Dỵ, có lẽ cũng đã dăm, bảy năm về trước. Ông ngồi trầm ngâm trong quán cà phê vắng, nghe ghi ta nhạc Trịnh. Cái bắt tay như vẻ thờ ơ, cái nụ cười pha chút ngạo nghễ, ông khiến tôi có một thoáng dè dặt sau lời giới thiệu của bạn tôi: “Đây là thầy giáo - họa sỹ Nguyễn Hữu Dỵ”. Thế rồi, rất nhanh, những câu chuyện về nhạc Trịnh, những câu chuyện về nỗi niềm xa xứ đã kéo chúng tôi gần lại. Ông không còn nhớ lần gặp mặt năm đó, nhưng sau này, khi có nhiều dịp ngồi với ông, tôi vẫn không quên cái quán cà phê mang tên “Mưa rừng”, với những bản đàn buồn hôm ấy cho tôi thấy một điều: đằng sau những điều “ta ngỡ” rất có thể là những điều rất khác.
Thì đúng vậy, cứ ngỡ rằng Nguyễn Hữu Dỵ “dị biệt”, nhưng ông rất hòa đồng, cứ ngỡ ông “ngạo nghễ” lại hóa ra đầy thân ái, cứ ngỡ ông “quá độ”, nhưng thực ra lại chừng mực. Ông khiến cho tất cả bật cười với những hóm hỉnh và cả những lặng lẽ của mình. Ông sẵn sàng hát, ông sẵn sàng uống đến cuối cùng cuộc rượu, “ấy vậy mà hiếm khi thấy ông say” (nghệ sỹ nhiếp ảnh Cao Đông - bạn ông, quả quyết thế). Ông bình thản nhả khói lên trời, với lỉnh kỉnh quanh mình bao nhiêu loại điếu cày (lúc nào trong ô tô của ông cũng có ít nhất 3 chiếc điếu cày mang theo). Bình thản ngồi giữa cuộc vui để vẽ một cái gì đó trên chiếc máy ipad, để khiến mọi người đều ồ lên ngạc nhiên bởi vẻ đẹp rất khó cắt nghĩa của những hình khối, mảng màu. Thế đấy, Nguyễn Hữu Dỵ luôn bị cuốn đi bởi những sắc màu. Cái cách ông nhìn cuộc sống này cũng vậy, bằng những mảng màu… Này màu đen, màu xám và cả màu đỏ nữa, của nỗi u buồn. Này màu xanh dâng trào của những niềm vui. Này màu vàng của hiu hắt, yên ắng… Cũng bởi vậy, khi đã là giảng viên khoa Văn của một trường đại học, là hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, rồi ông bỗng rẽ ngang đi học Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu để rồi trở về giảng dạy bộ môn Mỹ thuật. Ông nói: “Thì con người ta, sẽ có lúc giật mình nhận ra, mình không thể bỏ qua giấc mơ thơ bé”.
Sinh ra trong gia đình có 8 người con, trong nhà cũng không ai theo nghệ thuật, nhưng Nguyễn Hữu Dỵ lại mê vẽ, mê tạo hình từ nhỏ. Hỏi về quê hương, ông nói, ấy là vùng “ăn cơm cho no, chờ đò Phú Trịch” - một cái làng nhỏ bên bờ Nam sông Gianh thuộc Quảng Trạch (Quảng Bình). Dòng sông và câu ca ấy đã ám ảnh ông suốt một đời người. Nó gói ghém tất cả những ký ức buồn vui của tuổi thơ ông. Bây giờ, cầu Quảng Hải đã nối đôi bờ sông quê, nhưng cái ngày ấy, qua sông có bến đò ngang Phú Trịch. Mà bến đò này, nổi tiếng vì phải chờ đò lâu. “Quê mình ấy, mang cái vời vợi buồn của một thời chia cắt” - Nguyễn Hữu Dỵ hồi tưởng. Trên bến sông quê, cậu bé Nguyễn Hữu Dỵ đã chứng kiến những ngày thanh bình, đẹp đẽ nhất, và cả những ngày đau thương nhất. “Bến đò Phú Trịch ngày ấy có những cây cừa tỏa bóng xuống dòng Gianh. Chị gái mình cùng bạn bè trong xóm hay ra đó giặt quần áo. Xa xa, những chiếc tàu hải quân đậu yên bình trên mặt nước. Những anh lính Hải quân mặc áo trắng, đứng trên boong tàu cất lời hò trêu mấy chị. Lời hát hò, đối đáp lại qua ngân nga một khúc sông. Bọn trẻ con, trong đó có mình thường đứng ngẩn ra nghe hò, rồi cười khúc khích. Cho đến khi chiến tranh phá hoại nổ ra, cảnh bình yên ấy tan hết. Mình có cảm giác nó tan như một giấc mơ vậy. Những con tàu ngược lên thượng nguồn. Có bữa, mình đi chăn bò, thấy máy bay Mỹ quần thảo. Một chiếc tàu chạy về bến sông, nhưng không chạy nổi trong sự quần thảo điên cuồng kia. Chiếc tàu chìm dần xuống lòng sông, trong nỗi sững sờ của thằng bé chăn bò…”. 
Cậu bé chăn bò ấy tôi thấy rất rõ trong một bức tranh mà Nguyễn Hữu Dỵ vẽ mới đây, nhân kỷ niệm 50 năm ngày đầu giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (5/8/1964). Bức vẽ mang trên: “Tuổi thơ tôi” với lời cầu mong tất cả trẻ em trên trái đất này không phải chịu cảnh chiến tranh. Đó là hình ảnh những chiếc máy bay chiến đấu lao như xé, những cậu bé xòe bàn tay ngơ ngác lên trời, những chiếc sừng trâu cách điệu cũng cong lên như những dấu hỏi… Những mảng màu trong tranh cũng rất lạ lùng. Nó biến thành những vệt chớp sáng, để diễn tả sự điên cuồng, nỗi đau, nỗi sửng sốt. 
Nguyễn Hữu Dỵ kể rằng, món quà hồi nhỏ ông thích nhất chính là những con tò he. Chính những con tò he ngộ nghĩnh, đủ sắc màu được nặn bằng bàn tay tài hoa của người thợ dân gian đã khiến ông bị mê hoặc. Ông nói, chợt nhận ra mình mê hội họa bắt đầu từ những con tò he ấy. Và, để chiều sở thích của ông thì chỉ có người anh rể mới “có đủ kiên nhẫn, đủ cảm thông và đủ… tiền” để giúp. Ông anh rể không chỉ mua tò he cho ông, mà còn lặn lội đi tìm sáp, tìm bột để cậu em vợ tập nặn tượng. Suốt thời đi học, Nguyễn Hữu Dỵ cũng có những dịp trổ tài bằng cách vẽ báo tường. Bức vẽ mà ông nhớ nhất, đó chính là một bức vẽ trên một tấm vải nhỏ hình ảnh Bác Hồ và hoa sen để nhờ thầy giáo gửi trong hồ sơ dự thi vào một trường Mỹ thuật nào đó. Rất nhiều tâm huyết, cả ước mơ ông đã đặt trọn vào bức vẽ, nhưng ông cũng không biết nó được gửi đến đâu. Không có hồi âm từ các trường mỹ thuật, ông đăng ký thi và đậu vào khoa Văn, Đại học Vinh năm 1972. Học xong, ông được giữ lại trường làm giảng viên tổ Ngôn ngữ, khoa Văn. Đến năm 1987, ông đăng ký thi và đậu vào khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Học xong, ông chuyển sang khoa Giáo dục Tiểu học, dạy Mỹ thuật cho sinh viên Đại học Vinh. 
“Bình minh trên sông Con” (Tranh sơn mài - nhân vật cung cấp)
“Bình minh trên sông Con” (Tranh sơn mài - nhân vật cung cấp)
Ngay từ khi đang theo học Mỹ thuật, Nguyễn Hữu Dỵ đã có những tác phẩm trưng bày tại các triển lãm toàn quốc. Đó là bức tranh lụa “Chợ cá” (vẽ lại quang cảnh chợ cá ở Cát Bà) và bức khắc gỗ “Lối xưa” (dựa trên cái tứ thơ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” của Bà huyện Thanh Quan khi ông ghé đền Quán Thánh - Hà Nội). Ngoài ra, Nguyễn Hữu Dỵ có khá nhiều tác phẩm có dấu ấn ở các triển lãm toàn quốc và khu vực, như bức “Khúc tráng ca” (tổng hợp), bức “Lễ hội Đền Cuông” (lụa), “Người về thăm quê” (lụa), ‘Những dấu chân tôi” (sơn dầu)
Nguyễn Hữu Dỵ sáng tác trên nhiều chất liệu, ông nói, thậm chí bằng cả sơn xịt cũng cho ông những sáng tạo bất ngờ. Mảng đề tài khắc khoải trong ông là chiến tranh và hòa bình. Dường như, ông chưa chạm tới những điều mình muốn gửi gắm ở 2 mảng đề tài đối lập này. 
Người ta thường nhìn thấy ông trong cái dáng vẻ của nghệ sỹ rong chơi. Ừ đúng, ông là kẻ lãng du, đi tìm cho mình những mảng màu cuộc sống. Trong tranh của ông, có thể thấy rất nhiều địa danh khác nhau. Những tấm ảnh ông chụp, những kỷ niệm ông sẻ chia với bạn bè trên facebook cũng cho thấy bước chân lãng du ấy: thoắt đó Huế, đã lại Hà Nội, Thanh Hóa, rồi ngồi nhả khói thuốc trên tận đỉnh núi Noọng Dẻ (Kỳ Sơn). Số phận đã cho ông đến, ở lại với đất Nghệ này. Ông nói, mình đã gắn bó với Vinh hơn 40 năm, Vinh đã là máu thịt trong ông, cho ông thêm một quê hương. Thành phố nặng ân tình ấy đã cho ông người vợ, cho ông một mái ấm và những người bạn tri kỷ. Những cuộc vui, những chén rượu nâng, những nỗi buồn vui trút bỏ, Nguyễn Hữu Dỵ trong con mắt bạn bè là người “chu đáo, có trách nhiệm với đời, với bạn”. Với học trò, Nguyễn Hữu Dỵ là người thầy tài hoa, gần gũi, đáng kính. 
Tôi đã từng ngồi với ông trong những cuộc vui với bè bạn của ông- những người mà ông đã thủy chung gắn bó bao năm nay với tất cả niềm sẻ chia thân thuộc và kính trọng lẫn nhau. Có cảm giác rằng, họ đang chắp cánh để cùng nhau thăng hoa. Khi tôi nói cảm giác ấy với ông, Nguyễn Hữu Dỵ mỉm cười: “Chữ tình là chữ chi chi…”. Tôi nghĩ, mình đã hiểu được phần nào những sâu nặng sau câu thơ mà ông nói. Với một người tha hương như Nguyễn Hữu Dỵ, tìm được mảnh đất neo giữ tâm hồn, tình cảm mình thật quý giá biết bao.
Nghệ sỹ Lê Thanh Đức, người bạn bao năm của họa sỹ Nguyễn Hữu Dỵ, cũng là người đã chơi ghi ta ở quán “Mưa rừng” năm nào, giờ đây vẫn ngồi với cây ghi ta ở một góc quán. Mỗi lần thấy bóng Hữu Dỵ tìm đến quán lặng lẽ nghe nhạc, Lê Thanh Đức lại tặng riêng cho bạn mình bản đàn “Quảng Bình quê ta ơi!”. Họ không cần đến bắt tay nhau, họ chỉ cần chào nhau như vậy, dành cho nhau sự thấu hiểu, yêu thương, biết ơn. Và Nguyễn Hữu Dỵ, ở góc quán nhỏ, với cái búi tóc và chòm râu có vẻ “ngạo đời” ấy, nhưng sâu thẳm lại vô chừng xao động. Và hình như, nỗi xao động ấy, giống như cái cảm giác khi tôi đứng trước bức tranh sơn mài “Bình minh sông Con” của ông. Trong cái trong lành, tĩnh lặng mà rực rỡ của bình minh, một con thuyền nhỏ chênh chao trên dòng nước, vừa cô đơn, mà lại vừa dũng mãnh…
Thùy Vinh

Tin mới