Họa sỹ Trần Hoàng Trung - Người vẽ nỗi buồn

(Baonghean) - Đó là một ngôi nhà sơn xanh, với những hàng cây tỏa bóng trước cửa, có chút gì tách biệt, lạ lẫm với con đường Phong Định Cảng khá ồn ã của phố Vinh. Họa sỹ Trần Hoàng Trung đón tôi ngoài cửa, một nụ cười thoáng qua trên môi đủ để tôi nhận thấy sự thân thiện rồi chợt lặng bặt trên gương mặt nhiều nỗi ưu tư. Tôi bước vào căn nhà đó và cũng bước vào một phần thế giới tranh của Trần Hoàng Trung… Thì ra, sau phố xá ngoài kia,  người nghệ sỹ đang âm thầm một cuộc sống khác, một cuộc sống mà ở đó, họ được là chính mình.

Họa sỹ Trần Hoàng Trung.
Họa sỹ Trần Hoàng Trung.

Ông nói, nhiều trong số những bức họa của mình, ông đã vẽ trong “cơn khát, cơn điên”. Vẽ, đó là một nhu cầu cần giải tỏa. Là hơi thở để giúp người họa sỹ còn được sống. Những bức tranh được hình thành từ  thẳm sâu rung động, thẳm sâu khao khát, thẳm sâu sự cô đơn, nỗi đau buồn…

Trần Hoàng Trung bước trong căn phòng khách, giữa những bức tranh của ông treo trên tường, đặt trên sàn nhà… Có cảm giác như ông đang đi giữa ký ức cuộc đời. Này là lần đứng chân “Trên đỉnh Trường Sơn”, này là khi lạc bước về “Xóm núi”, này rộn rã thuyền về “ Bến cá Cửa Lò”,  này lần cúi đầu trước “Chân dung Mẹ”… Nhiều trong những bức tranh trong căn phòng khách của ông dành vẽ những con thuyền. Con thuyền gắn với dòng Lam quê hương, con thuyền gắn với biển xứ Nghệ. Những con thuyền chênh chao sóng nước, tưởng như yếu đuối nhưng lại vô chừng mạnh mẽ, tưởng như hờ hững ấy mà đầy đắm đuối, gửi trao. Những con thuyền ấy hay chính là ông, sẵn sàng đón mọi sóng gió, nhưng cũng mong neo về một bến bờ?
Trần Hoàng Trung nói, định mệnh đã cho ông neo về xứ Nghệ. Quê cha ở Huế, quê mẹ Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông theo gia đình chuyển từ Huế về Nghệ An những năm mới ra đời. Hai người thầy lớn nhất của Trần Hoàng Trung là ông và bà ngoại của ông. Người dẫn dắt ông vào con đường nghệ thuật và nâng giấc những đam mê, người dạy cho ông về cách ứng xử trong cuộc đời. Ông nói, quãng đời mình, ông đã sống và vẽ bằng tất cả niềm biết ơn với nhiều người, nhưng đặc biệt với 2 “người thầy” ấy.
Một số tác phẩm của họa sỹ Trần Hoàng Trung.
Một số tác phẩm của họa sỹ Trần Hoàng Trung.
Cha mẹ ông sinh được 9 người con, thì 2 trong số ấy đã hy sinh trên chiến trường, 3 trong số ấy trở thành nghệ sỹ. Ngoài ông, còn chị gái Trần Thị Thu - người được mệnh danh là “phù thủy tranh cát” - là nghệ nhân nổi danh ở thành phố biển Nha Trang, cô em gái là nghệ sỹ đàn tam thập lục, thi sỹ Trần Thu Hà. Trần Hoàng Trung kể, ngay từ hồi rất nhỏ, ông đã mê vẽ, mê hát. Rồi mảnh đất Nghĩa Đàn mà gia đình ông chọn để sinh cơ lập nghiệp cũng cho ông biết bao nhiêu giấc mơ, trong đó có giấc mơ trở thành họa sỹ. Sinh năm 1946, năm 1967 ông tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội rồi trở về nhận công tác tại Ty Thông tin Hà Tĩnh. Giai đoạn này, Trần Hoàng Trung cũng như nhiều người làm văn hóa, đồng hành với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bằng những bức tranh tường cổ động. Những bức tranh ấy đã bước đầu làm nên một dấu ấn Hoàng Trung trong lòng người dân xứ Nghệ. Năm 1978, Trần Hoàng Trung tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu và chỉ 1 năm sau đó ông trở thành hội viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Lúc này, ông công tác tại Phòng Thông tin cổ động, Sở VHTT Nghệ An, chuyên sáng tác tranh phục vụ thông tin, tuyên truyền.
Trần Hoàng Trung sáng tác và tham gia nhiều triển lãm của khu vực và toàn quốc. Nhiều tác phẩm của ông được tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương. Ông cũng đã có một số triển lãm tranh cá nhân. Và không chỉ có vậy, ông còn là người thầy đứng trên bục giảng về hội họa nhiều năm thuộc Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An. Ông cũng có công dìu dắt nhiều học trò thi đỗ các trường mỹ thuật, kiến trúc… “Vậy là mình đã ước mơ, đeo đuổi và trọn đời dừng chân ở nghiệp vẽ” - Trần Hoàng Trung bộc bạch, hình như có thoáng thở dài. Tôi hỏi: “Ông nuối tiếc chăng? Sao có điều gì buồn thế trong lời ông nói?”. Ông lắc đầu: “Sao lại nuối tiếc, đó là giấc mơ cuộc đời mình. Mình chọn nghiệp và nghiệp cũng chọn mình. Có buồn chăng là nỗi buồn chung muôn thuở của người nghệ sỹ tỉnh lẻ thiếu một khoảnh đất “dụng võ” mà thôi”. Để sáng tạo một tác phẩm tranh, cũng là rút ruột gan mình, cũng mong mỏi được trình diễn nó ra trước công chúng. Nhưng để mở một triển lãm, đâu đơn giản, không phải “cứ đứng giữa đường mà hát được”. Một triển lãm cần có sự tài trợ, cần có nơi mà bày biện. Thế nhưng, theo Hoàng Trung thì hiện nay các nghệ sỹ hội họa xứ Nghệ đã quen với việc sáng tác tranh, nâng niu chúng để rồi lại xếp vào một góc nhà. Muốn được biết đến, họ phải chờ 5 năm để đem tranh tới triển lãm khu vực, triển lãm toàn quốc. 
 
Ông cũng không khỏi xót xa, tiếc nuối khi nghĩ về những bảo tàng rộng rãi của chúng ta vắng dấu chân người, “mà nếu dùng để triển lãm tranh của các họa sỹ thì sẽ thiết thực biết mấy”. Làm được như vậy, không chỉ đưa nghệ thuật đến gần công chúng mà cũng là một cách để du khách tìm đến xứ Nghệ, biết đến xứ Nghệ. Và mở những phòng tranh cũng là cách quảng bá cho văn hóa, tạo ra một “nếp chơi” mới như một số địa phương khác đã, đang làm. Các họa sỹ, vì thế, cũng có “sân chơi” của mình, giúp họ thăng hoa hơn trong sáng tạo và có được nhiều cống hiến hơn cho nghệ thuật tỉnh nhà.
Trần Hoàng Trung đã nói với tôi tất cả những điều đó với đầy trăn trở và tâm huyết. Có cảm giác rằng, trong nhiều xót xa của cuộc đời, đó là điều ông nghĩ rằng “chúng ta có thể làm được và phải làm nhanh chóng”. Tôi đã băn khoăn rằng, vậy tại sao ông lại chọn nơi này để “dừng chân” mà không phải là một nơi nào đó khác, nơi mà ông có thể có được điều kiện tốt hơn để đến với công chúng? Trần Hoàng Trung không trả lời tôi. Ông lại khẽ mỉm cười và nhìn lên bức tranh trên tường nhà. Nơi ấy, con thuyền nhỏ mà ông vẽ đang chênh chao trên sóng nước trong bức “Thuyền trên sông Lam”. Nơi ấy, có bóng 2 mẹ con ngồi nơi góc chợ quê bán thẻ hương và những nải chuối trong “Nắng cuối ngày”. Nơi ấy, có bức họa người mẹ đôn hậu, người mẹ họ Hồ làng Quỳnh của ông - Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh 2 người con cho Tổ quốc. Nơi ấy có cả những bức tranh đã lâu lắm rồi, như “Trên tầng cao” thuở Thành phố Vinh mới có bóng những người công nhân xây dựng đã được giải cao trong triển lãm những năm 1980… Tôi hiểu ông, hiểu rằng người nghệ sỹ không phải lúc nào cũng chọn sự ra đi để làm nên danh vọng cho mình dù điều đó là hoàn toàn chính đáng. Ông lặng lẽ chọn sự ở lại. Để nhìn ngắm, ngẫm suy, để… buồn nữa. Không hiểu sao, ngay cả khi ông vẽ lên trong tranh của mình cái mái ngói tươi tắn, cái vòm trời biếc xanh, hay ánh mặt trời rực rỡ, vẫn như phảng phất nỗi buồn nào sâu kín? Tôi nói điều ấy ra với ông. Chậm rãi, ông gật đầu: “Ừ, có lẽ vậy”. Có cảm giác như Trần Hoàng Trung đã đánh bạn với nỗi buồn mỗi khi ông vẽ vậy.  
Tranh của Trần Hoàng Trung có 3 mảng chính, là phong cảnh, tĩnh vật và chân dung chủ yếu vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Dường như bức nào cũng khiến người ta phải lặng ngắm.  Nét vẽ ấy như bay lên, ngay cả ở những khung tranh hẹp nhất. Nó gợi sự bay thoát, chứ không phải tù túng, không phải giằng xé hay bứt phá. Nó mang chứa tất cả chất thơ của cuộc sống này… Quả vậy, Trần Hoàng Trung nói với tôi, có nhiều khi cảm hứng đến với ông khi ông bất chợt gặp cảnh vật giống hệt một câu thơ nào đó. Và ông kể về những người bạn tâm giao, nhiều trong số họ đã đi xa. Ông đã vẽ chân dung họ để đôi lúc trong căn phòng nhỏ của mình, ông ngồi bên cạnh họ, ngắm nhìn, trò chuyện với họ. Là nhà thơ Trần Hữu Thung, họa sỹ Trần Khánh, nhà thơ Phan Hồng Khánh, nhà thơ Thạch Quỳ, nhà điêu khắc Đào Phương… Họ cũng là những người đã lặng lẽ mà oanh liệt sống cuộc đời nghệ sỹ của mình. 
Tôi hỏi về những tác phẩm mà ông tâm huyết. Ông dừng lại khá lâu, để rồi, không kể lại cho tôi một cái tên nào cả. Với ông, và nhiều nghệ sỹ khác, đứa con tinh thần nào đẻ ra chẳng đã mang một mảnh hồn của mình? Nhưng ông lại nói với tôi đầy quả quyết: “Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ không cầm bút vẽ. Nếu một ngày phải gác bút, đó là ngày đồng nghĩa với sự ra đi”.
Tạm biệt họa sỹ với mái tóc đã ngả bạc, tôi như thấy lẩn khuất đâu đây nỗi buồn vương trên tóc, nỗi buồn vương trên trán, nỗi buồn ẩn sau vành mũ, ẩn sau nét cọ của ông. Nỗi buồn không làm cho người ta bi lụy, mà nó tỏa rạng như một đóa hoa đơn độc và kiêu hãnh…
 Thùy Vinh

Tin mới