Người Pháp cũng phải ghen tị

(Baonghean) - Tôi còn nhớ hồi đi học, đứa nào cũng có mong ước thầm kín được làm học trò cưng của thầy cô. Lý do có vẻ đơn giản đến mức buồn cười: được giao những “trọng trách lớn lao” như đi lấy bản đồ, bộ đồ thí nghiệm hoá học, ra cổng trường... mua phấn cho cô,... Nhưng tuyệt nhất vẫn là chép sổ điểm.
Đến đây thì có lẽ tất cả bạn đọc đều ồ lên: chuyện trẻ con! Không phải đâu, cũng giống như chiếc hộp bí mật của Pandora, những điều bị cấm đoán bao giờ cũng hấp dẫn. Biết được điểm của cả lớp trước kì họp phụ huynh 1 ngày cũng là một điều hấp dẫn vậy. Khi tôi sang Pháp học cấp 3, mối quan hệ mới giữa thầy và trò khiến tôi có chút ngạc nhiên. Ví dụ như giáo viên chủ nhiệm không phải là người mà học trò được (hay phải?) gặp hầu hết các ngày trong tuần, một đứa học trò cãi lại giáo viên chưa hẳn đã là một đứa học trò hư và một thầy giáo để cho học sinh tự xoay xở với một bài tập chưa chắc đã là một thầy giáo tồi. Tôi không nói rằng như vậy không hay, chỉ là có một sự khác biệt... nhẹ.
Xin không nói đến những khác biệt trong chương trình giáo dục Việt Nam và nước ngoài, ở đây tôi sẽ nói đến cách mà mối quan hệ thầy - trò được xây dựng. Ở nước ngoài, mối quan hệ thầy - trò gần như bình đẳng khi ở trong trường học và hoàn toàn bình đẳng khi tiếng chuông báo hết tiết vang lên. Khi tôi tốt nghiệp cấp 3 cũng là lúc ông thầy chủ nhiệm ngừng xưng hô với tôi bằng kính ngữ (học trò thường phải gọi thầy là Ngài) và bảo tôi rằng: “Từ nay, tôi cũng chỉ như một người bạn của em không hơn không kém”.
Điều này có nghĩa là bạn có thể gọi thầy giáo của mình bằng tên riêng, cộc lốc và ngắn gọn, điều mà chỉ những người bằng vai phải lứa với nhau thường làm! Khó có thể thích nghi ngay được với ý nghĩ rằng mối quan hệ thầy - trò chỉ tồn tại bên trong lớp học, khi mà bạn đã được dạy dỗ từ bé rằng “Một ngày là thầy, cả đời là cha”. Sau này, tôi vẫn giữ liên lạc với một số thầy cô cấp 3, không thân thiết đặc biệt gì nhưng thế đã là nhiều lắm vì hầu hết các bạn cùng lớp đều làm như thể chưa từng có mối liên hệ gì với trường cũ, thầy cũ. Như thể tất cả chỉ là một giấc mộng đêm hè ngắn ngủi mà thôi! Các thầy cô không lấy thế làm phiền lòng, thực ra họ coi đó là điều hiển nhiên, cũng như việc họ hiếm khi cho học sinh biết địa chỉ nhà mình hay tiếp đón học sinh tại nhà. Điều này hẳn sẽ làm cho nhiều phụ huynh và học sinh ở Việt Nam sốc nặng!
Mãi đến bây giờ, tôi vẫn thường được bạn bè ở quê hương nhắc đến như là học trò yêu thích của nhiều thầy cô giáo. Điều này làm tôi bật cười, nếu họ biết rằng tôi chỉ là một học trò nhạt nhoà như bao học trò khác khi đi du học. Làm sao không ngạc nhiên khi mà ở trong trường học Việt Nam, học sinh bao giờ cũng “bình chọn” người thầy - cô yêu thích của mình và ngược lại, các thầy cô cũng chọn ra trong vô vàn học trò những người mà họ đặc biệt cảm tình, dành sự quan tâm và ưu ái hơn chút ít. Tôi nghĩ rằng như thế tự nhiên hơn, gần gũi hơn với bản chất của con người: chúng ta xây dựng mối liên kết với những cá thể khác dựa trên tình cảm. Khi tiếp xúc gần gũi với ai đó trong một khoảng thời gian với tần suất lặp đi lặp lại nhất định, nghiễm nhiên sẽ xây dựng nên một cảm tình tích cực hoặc tiêu cực nào đó.
Xã hội xây dựng dựa trên bản năng tình cảm có thể không lành mạnh và đạt hiệu quả làm việc tốt như xã hội xây dựng bởi những liên kết về lợi ích và trách nhiệm. Nhưng một xã hội lành mạnh quá mức như phòng vô trùng, liệu có khiến hệ miễn dịch của ta bị suy yếu và trên hết, khiến con tim chai lì? Tôi đã nghĩ như thế một ngày 20 tháng 11 nào đó, chạnh lòng cho những người thầy, người cô Pháp mà nghề nghiệp và công lao của họ được mặc định như một trách nhiệm, không được tôn vinh và ưu ái dành cho một ngày lễ như ở Việt Nam. 
Rộng hơn cả mối quan hệ thầy - trò, tôi đang nghĩ tới mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội, để rồi từ đó thu cái nhìn về lại mối quan hệ bạn bè, vợ chồng, cha mẹ - con cái,... Chúng ta cần học hỏi nước ngoài nhiều điều, nhưng có lẽ cũng có những giá trị của xã hội Việt Nam mà chúng ta hoàn toàn có quyền được tự hào và cần lưu giữ. Đó là sự ràng buộc về tình cảm gắn kết ta với những người xung quanh, thứ keo kết dính dai dẳng hơn bất cứ bản hợp đồng tiền bạc nào. Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong cuốn sách Tôi là Bêtô rằng chúng ta không bao giờ chết nếu vẫn tồn tại trong kí ức của một ai đó. Kí ức! Quá khứ! Lịch sử! Đó là cách mà một đất nước, một dân tộc và những truyền thống tốt đẹp, trong đó có đạo thầy trò, trở thành vĩnh cửu!
Hải Triều (Email từ Paris)