Ngụy biện

(Baonghean) - Hơn 300 năm trước, cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều đã tổng kết như thể đúc rút ra một nguyên lý vận hành trong cuộc sống, đó là “Trong tay đã sẵn đồng tiền/Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Có tiền, rất nhiều tiền thì có thể lật ngược được tình thế. Có thể biến trắng thành đen và ngược lại. Nhưng dùng đến tiền thì vẫn là hạ sách. Là hành xử theo kiểu võ biền. Không dùng đến vật chất mà vẫn thay đổi được tình thế nhanh như trở bàn tay mới đáng để nói tới.
Sở dĩ nói như vậy là vì có một việc vừa mới diễn ra, tuy nhỏ nhưng rất đáng để suy ngẫm và rút ra nhiều điều thú vị cũng như kinh nghiệm quý trong xử lý các vụ việc. Đó là đoạn hậu của câu chuyện đem cá chết bao vây trụ sở UBND tỉnh. Hẳn là nhiều người còn nhớ hồi đầu tháng 9 vừa qua người nuôi cá trên sông Chà Và ở Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu mang cá chết kéo nhau bao vây trụ sở UBND tỉnh đòi lẽ công bằng. Bởi họ cho rằng, các nhà máy chế biến hải sản trong vùng đã xả thải thẳng ra sông mà không qua xử lý khiến nước sông ô nhiễm dẫn đến hàng loạt bè nuôi cá của họ chết nổi trắng cả sông. Dĩ nhiên là lối đấu tranh có tính chất bắt chẹt, áp bức đó rất không phù hợp và có phần coi thường kỷ cương, phép nước nhưng là việc cực chẳng đã vì người ta đã đề đạt, kiến nghị xử lý và kêu cứu nhiều rồi mà chưa ai giải quyết cho họ cả. Thật may, sau vụ việc đúng kiểu “tức nước vỡ bờ” đó đã có được một cái kết rất hay.  
Đó là, vào chiều 19/10 vừa rồi, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu làm việc với 14 doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản, sản xuất bột cá gần các trại nuôi cá lồng... Dựa trên khảo sát thực tế, những số liệu đầu vào do các doanh nghiệp, cơ quan chức năng cung cấp cũng như kết quả quan trắc, chạy mô hình toán học, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) xác định nguyên nhân cá bè của bà con ngư dân Long Sơn chết hàng loạt vào tháng 9/2015 chủ yếu là do sự xả thải của 14 doanh nghiệp đó. Mức độ gây thiệt hại do các doanh nghiệp xả thải ra môi trường được viện này xác định 
là 76,64%. Dựa trên thống kê tổng thiệt hại của bà con là hơn 17,2 tỷ đồng nên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 13 tỷ đồng cho người nuôi trồng hải sản ở Long Sơn.
Cái kết đã hay, nhưng cái cách giải quyết còn hay hơn. Ấy là khi các doanh nghiệp gây ô nhiễm ngỏ ý được hỗ trợ thiệt hại của người nuôi cá bằng tiền mặt, ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định chi trả tiền thiệt hại cho ngư dân là trách nhiệm bồi thường chứ không phải hỗ trợ. Nếu các doanh nghiệp không thỏa thuận được, không đồng ý bồi thường cho ngư dân thì yêu cầu các sở, ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ để giúp ngư dân kiện các doanh nghiệp ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Hoàn toàn chính xác, làm trái gây thiệt hại thì phải bồi thường. Còn hỗ trợ là giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ thêm vào dễ làm cho người ta hiểu là doanh nghiệp không sai và việc rút tiền túi ra hỗ trợ là hành động nghĩa hiệp giúp người trong cơn hoạn nạn. Thế là đang từ thủ phạm thoắt một cái trở thành người tốt, việc tốt chỉ bằng một hành vi cực kỳ đơn giản là đánh tráo khái niệm. Hơn nữa, hỗ trợ bao nhiêu tiền, nhiều hay ít là tùy lòng hảo tâm còn bồi thường thì gây thiệt hại bao nhiêu là phải đền bấy nhiêu. Không thể bớt xén được. Cái hay, cái cần học theo ở đây chính là nhìn thẳng, nói thật, gọi đúng tên sự việc để không ai có cơ hội trốn tội hay né trách nhiệm.
Thật ra, đưa cái chuyện nhỏ này ra phân tích kỹ lưỡng ở đây là nhằm “nói bụi tre nhè bụi hóp”. Vì trong xã hội hiện nay, đang diễn ra tình trạng đánh tráo khái niệm để che đậy bản chất thật, làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của sự việc hòng lẩn trốn, né tránh trách nhiệm. Như là yếu kém, khuyết điểm thì bị thay thế bằng cụm từ “tồn tại” nghe nhẹ hều và chẳng ai phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý vì những “tồn tại” đó cả. Hay dốt nát, kém tài, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ thì lại chỉ bị đánh giá là “bất cập, hạn chế”… Cái nguy hại của hành vi đánh tráo khái niệm đó là làm cho người ta không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Không nhìn rõ, nhìn đúng được bản chất thật của vấn đề nên không đưa ra được các biện pháp xử lý, khắc phục đúng, trúng và triệt để tận gốc của sự việc. Hậu quả là khá nhiều yếu kém, khuyết điểm của các nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương, ban, ngành kéo dài từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác mà vẫn chưa biết đến khi nào thì dứt điểm được. Cho dù, ai cũng nhìn thấy rất rõ.
Và mấu chốt để giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài đó chính là nhìn thẳng, nói thật, nói hết, nói đúng bản chất của sự việc, vấn đề. Không che đậy, không đánh tráo khái niệm. Bởi làm như vậy chính là ngụy biện.
Bụt Sơn