Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc Trịnh Văn Toàn: Luôn cố gắng để học sinh tiến bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thầy giáo Trịnh Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đô Lương - 1 trong 200 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu được Bộ GD và ĐT vinh danh năm 2023 chia sẻ với Báo Nghệ An về quá trình điều hành, đồng hành với học sinh trong môi trường giáo dục khá đặc biệt này.

Nhìn học sinh bằng sự tích cực, sự tiến bộ

PV: Ngay đầu tháng 11, một clip lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh là học sinh ở trung tâm mình bị bạn học đánh giữa đường. Ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương đây cũng không phải là lần đầu tiên nhận được những thông tin này. Phải chăng đó là một trong những khó khăn của nhà trường khi đối tượng học sinh theo học có khá nhiều em thuộc diện “đặc thù”?

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Sự việc đã xảy ra là điều đáng tiếc, không ai mong muốn. Thực tế những năm qua, đối tượng vào học ở trung tâm chúng tôi thường là vùng “đáy” của tuyển sinh. Trong gần 1.000 học sinh của trường, có gần 40% học sinh có những hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ bỏ nhau, bị phạm pháp, đi tù, các em phải ở với ông bà, thiếu thốn sự quan tâm, giáo dục của gia đình.

bna_ (2).jpg
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương hiện có gần 1.000 học sinh và được đánh giá cao về chất lượng dù xuất phát điểm khá thấp. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Hơn 15 năm công tác tại trường, với nhiều vai trò khác nhau từ giáo viên, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn, phụ trách công tác an ninh và nay làm quản lý, tôi rất quan tâm tới những em học sinh thuộc các đối tượng này. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã rà soát các đối tượng, chia về các lớp phù hợp với từng giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp giao cho giáo viên chủ nhiệm quan tâm tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên thăm hỏi, động viên để các em không thấy bị mặc cảm.

Bên cạnh đó, ban an ninh trường học thường xuyên bám sát các em, cử những người bạn đồng hành để cùng nhau chia sẻ với các em trong qúa trình đi lại, học tập, thực hiện nề nếp, nội quy của đơn vị. Điều đó, không chỉ giúp giữ vững kỷ cương trường lớp mà giúp các em ngày một lạc quan, có động lực để tiến bộ, cố gắng.

PV: Như thầy đã nói, ưu tiên hàng đầu của trung tâm đó là dạy người. Nhưng với hơn 40% học sinh là đối tượng đặc thù thì điều này rất khó khăn. Vậy, trung tâm đã có những giải pháp nào để giữ nền nếp cho nhà trường?.

bna_Thầy giáo Trịnh Văn Toàn và các học trò. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Thầy giáo Trịnh Văn Toàn và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Ở Trung tâm chúng tôi có nhiều quy định, nhiều nội quy mang tính đặc thù và có sự thống nhất giữa phụ huynh - học sinh và nhà trường, ví dụ học sinh không được mang điện thoại đến trung tâm.

Học sinh chỉ được nghỉ học trong 6 trường hợp đặc biệt như ốm đau có xác nhận của cơ sở y tế, cưới anh chị em ruột, có người nhà mất…và phải có chữ ký của bố mẹ. Chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra nền nếp tại các lớp như dụng cụ học tập, móng chân, móng tay, trang phục…

Khi học sinh chuyển cấp học từ THCS lên giáo dục thường xuyên, một đơn vị quản lý mang tính đặc thù thì rất nhiều em còn bỡ ngỡ và khó thích nghi. Không ít em bị “khớp” vì nền nếp trung tâm khác với trường học trước đây. Vì vậy, thường trong buổi tựu trường đầu tiên chúng tôi thực hiện dạy nền nếp, nội quy nhà trường.

Đối với những em chưa quen, giáo viên chủ nhiệm sẽ vận động tư vấn cho phụ huynh, để làm sao phụ huynh sẽ đồng hành với nhà trường trong việc thực hiện những nội quy rất đặc thù của trung tâm, ví dụ như việc nghỉ phép, việc đi chậm, đi muộn. Những trường hợp cá biệt không phối hợp chúng tôi sẽ mời các em xuống gặp ban giám đốc nhà trường, ban an ninh trường học để có giải pháp phù hợp. Rất may là nhiều học sinh trước khi đến với trung tâm đã biết đến nền nếp của đơn vị và các em đã chuẩn bị tâm lý cho mình.

Một số phụ huynh ban đầu thấy khác, họ có phản ứng, nhưng sau này họ biết rằng, chúng tôi làm vì học sinh nên họ đã hoàn toàn ủng hộ.

bna_ (16).jpg
Một tiết thao giảng của giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương. Ảnh: Nhà trường cung cấp

PV: Lẽ thường, giáo viên vẫn hay có cảm tình với những học sinh ngoan ngoãn, học giỏi, có nền tảng tốt. Nhưng với học sinh không có những ưu điểm ấy, các anh sẽ động viên, khích lệ các em như thế nào để các em có thể “vượt qua chính mình”?.

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Tôi vẫn thường nói với giáo viên, hãy nhìn học sinh với sự tích cực, bằng sự tiến bộ của học trò. Một học sinh có thể ngủ quên và đi muộn. Nhưng nếu em ấy cố gắng và bật dậy chạy đến trường nghĩa là em ấy đã nỗ lực để không phải nghỉ một buổi học. Đừng lấy biểu hiện để quy kết bản chất các em. Nếu chúng ta gần gũi với các em, các em sẽ vượt qua được mặc cảm.

Tôi cũng không ít lần hỏi học sinh vì sao các em thi trượt lại vào trung tâm học. Nhiều học sinh bảo ở đây thầy cô rất quan tâm, bạn bè vui vẻ hòa đồng nên chúng em không bao giờ có cảm giác mình đang học ở Giáo dục thường xuyên. Chính điều đó là động lực để các em cố gắng. Nhiều em học sinh sau này trưởng thành, vào đại học, các em vẫn tự hào vì là học sinh của Trung tâm.

Chất lượng là “thước đo” tuyển sinh

PV: Thầy đã công tác tại đơn vị từ năm 2008 và chứng kiến nhiều giai đoạn khác nhau của đơn vị. Vất vả cũng hẳn là rất nhiều, nhất là công tác tuyển sinh. Từ xuất phát điểm không thuận lợi, trung tâm đã vươn lên như thế nào để trở thành địa chỉ giáo dục tin cậy của phụ huynh, học sinh huyện nhà?.

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Bất cứ giai đoạn nào, việc tuyển sinh cũng là yếu tố then chốt và quyết định sự tồn tại của một đơn vị. Thực tế, không phải chỉ năm 2008 chúng tôi gặp khó khăn mà ngay cả thời điểm này, vất vả gian nan vẫn còn nhiều. Dù sao trong suy nghĩ của người dân, của phụ huynh, học sinh vẫn luôn luôn có những ác cảm nhất định với hệ giáo dục thường xuyên.

bna_ (22).jpg
Những hoạt động ngoại khóa sôi nổi giúp gắn kết học sinh nhà trường. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Từ thực tế này, trường chúng tôi đã có nhiều giải pháp để thu hút học sinh. Thứ nhất, phải nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ hai, phải có những lợi ích thiết thực cho học sinh khi các em đến học ở trường, ví dụ chúng tôi vừa học văn hóa, vừa liên kết học trung cấp nghề…Thứ ba, chúng tôi thực hiện rất tốt việc đảm bảo an ninh nền nếp trường học, các em được quản lý từ trường về nhà và từ nhà đến trường. Rất nhiều phụ huynh mong muốn được con ngoan trước khi con giỏi.

Từ những việc chúng tôi đã làm được, đơn vị ngày càng nhận được sự tin tưởng của phụ huynh, học sinh, những năm gần đây quy mô trường lớp ngày một tăng. Nếu như năm 2019, toàn trường chỉ có 14 lớp thì năm 2023 đã tăng lên 22 lớp.

bna_ (19).jpg
Học sinh tích cực tham gia các hoạt động thể thao của trung tâm. Ảnh: Nhà trường cung cấp

PV: Với xuất phát điểm không thuận lợi, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương vẫn liên tục giữ được thành tích đứng đầu toàn tỉnh về số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh (hệ giáo dục thường xuyên). Hơn nữa thành tích đại trà cũng rất tự hào khi năm nay, trường vươn lên vị trí thứ 20 về kết quả thi tốt nghiệp THPT, vượt lên trên hơn 80 các trường THPT và các cơ sở giáo dục khác trong tỉnh. Thầy có thể nói rõ hơn về những "đột phá " của Trung tâm?

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Những năm qua, chất lượng giáo dục đại trà ở huyện Đô Lương luôn được đánh giá cao. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh trong việc cùng phối hợp để thực hiện các giải pháp cùng nhà trường. Chúng tôi duy trì việc đào tạo nguồn mũi nhọn. Như hiện nay, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương là trung tâm duy nhất trong cả tỉnh có thể duy trì được việc tổ chức học sinh giỏi từ năm lớp 10 và đội tuyển sẽ được sàng lọc qua nhiều năm học.

Nhiều năm nay, năm nào trung tâm cũng có nhiều em đi dự thi học sinh giỏi tỉnh, thậm chí có năm tôi còn viết đơn xin thêm chỉ tiêu vì muốn gây dựng phong trào. Với học sinh vào đội tuyển, chúng tôi có chính sách khích lệ như học sinh được miễn tiền học thêm. Khi các em có giải thưởng, các em được tạo điều kiện về xếp loại để các em dễ dàng học lên đại học, cao đẳng.

bna_ (7).jpg
Đội tuyển học sinh giỏi năm 2023 của Trung tâm với thành tích xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh hệ Giáo dục thường xuyên. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để có được tỷ lệ tốt nghiệp tiến bộ vượt bậc như vậy, chúng tôi cũng rất kỳ công. Cụ thể, chúng tôi chia học sinh lớp 12 ra thành nhiều trình độ, có lớp 6 điểm, có lớp gồm những bạn chỉ từ 1- 3 điểm… và cử giáo viên phù hợp với từng loại đối tượng để giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng nhiều loại hình như học chính khóa, học thêm, học phụ đạo và đặc biệt là phụ đạo miễn phí. Nhiều giáo viên trong những ngày nghỉ thường tổ chức cho từ 3 - 5 bạn ôn tập và hoàn toàn không thu tiền học sinh.

Về công tác triển khai đảm bảo chất lượng giáo dục ở nhà trường, khi Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra chủ trương này, chúng tôi là trung tâm đăng ký đầu tiên. Điều này, chắc chắn sẽ áp lực cho giáo viên nhưng chúng tôi xác định đi làm là phải có áp lực, giáo viên sẽ áp lực với trung tâm, trung tâm chịu áp lực với Sở và đó sẽ là động lực để thành công. Rất vui là năm nào kết quả đạt được cũng cao hơn chỉ tiêu mà nhà trường đã đăng ký.

Để hài hòa giữa áp lực và thành tích, chúng tôi cố gắng để các thầy cô được đảm bảo hợp đồng, có đời sống khá tốt để giáo viên yên tâm công tác và khách quan trong việc đánh giá xếp loại, phân công công việc phù hợp.

Biến khó khăn, áp lực thành động lực

PV: Là hiệu trưởng ở một đơn vị đặc thù với muôn vàn khó khăn, với thầy đó có phải là áp lực?.

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Thời điểm này tôi vẫn tự nói rằng, nếu có công việc là một điều may mắn. Cá nhân tôi là người đứng đầu, tôi biết chúng tôi có nhiều áp lực từ tuyển sinh đầu vào, áp lực đảm bảo chất lượng và cuối cùng là áp lực về biên chế. Đơn vị chúng tôi, chỉ được nhà nước phân 9 biên chế, trong đó số giáo viên thực dạy chỉ 3 người. Còn lại là quản lý và các bộ phận khác.

Hiện chúng tôi đang hợp đồng hơn 20 người và người quản lý đơn vị phải tính toán, cân, đong, đo, đếm để làm sao bố trí việc làm cho người lao động theo đúng năng lực nhưng phải đảm bảo hài hòa, đảm bảo thu nhập. Bên cạnh đó, nguồn thu của đơn vị hạn hẹp nên mọi hoạt động cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để có thể duy trì hoạt động nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dạy học.

bna_ (8).jpg
Thầy giáo Trịnh Văn Toàn khen thưởng các giáo viên có nhiều thành tích trong giảng dạy. Ảnh: Nhà trường cung cấp

PV: Năm nay, thầy là một trong ít quản lý, nhất là quản lý ở một đơn vị đặc thù được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh là cán bộ, nhà giáo tiêu biểu toàn quốc trong dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây cũng là năm thứ 2 liên tục, trung tâm có cá nhân được vinh danh, đó là một điều không dễ dàng. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với bản thân thầy và với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Đô Lương?.

Thầy giáo Trịnh Văn Toàn: Thực sự là rất tự hào. Chúng tôi không nghĩ rằng trong hai năm mà một trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện lại có vinh dự này và biết ơn vì được các cấp lãnh đạo quan tâm, giới thiệu và ghi nhận.

bna_Thầy giáo Trịnh Văn Toàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Ảnh - NTCC.jpg
Thầy giáo Trịnh Văn Toàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tôn vinh là nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Được tham dự chương trình này, nghe các đồng nghiệp chia sẻ chúng tôi thấy mình còn may mắn vì được công tác giáo dục tại vùng thuận lợi. Và từ câu chuyện của các đồng nghiệp chúng tôi thấy mình càng phải lan tỏa hơn nữa, cần phải nỗ lực hơn nữa bởi có nhiều đồng nghiệp họ làm được nhiều việc hơn chúng tôi.

Với riêng tôi, danh hiệu này còn có ý nghĩa riêng. Bản thân tôi, không phải là người Nghệ An nhưng tốt nghiệp đại học và có duyên với mảnh đất này. Có thể tôi không phải là gốc ở đây nhưng tôi chưa bao giờ xem đó là hạn chế. Tôi nghĩ rằng, mình đi làm giáo dục thì cái gì đóng góp được cho giáo dục, đóng góp cho học trò thì mình đã vui rồi.

PV: Xin cảm ơn anh đã tham gia trò chuyện!.

Tin mới