Nhận định của các giáo viên Nghệ An quanh đề thi môn tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đề thi môn tổ hợp năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là phù hợp với bối cảnh dịch Covid -19 nhưng vẫn phân hóa được thí sinh.

Nhận định về đề thi môn Lịch sử, cô giáo Trần Thị Lan Anh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách (Thanh Chương) cho biết:

Đề thi môn Lịch sử phù hợp với bối cảnh dịch Covid – 19 và học sinh mất hơn 2 năm phải học online. Đề ra bám sát đề minh họa và học sinh có thể sử dụng phương pháp loại trừ để có thể dễ dàng đạt điểm, nhất là với mức từ 5 – 7 điểm.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Đại học Vinh trước khi bước vào môn thi tổ hợp. Ảnh: Đức Anh

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Đại học Vinh trước khi bước vào môn thi tổ hợp. Ảnh: Đức Anh

Cũng theo cô giáo Lan Anh, có nhiều câu hỏi trong đề chỉ cần nhìn đáp án là đã có thể dễ dàng chọn ra phương án đúng, ví dụ với câu hỏi về đồng tiền chung Euro, câu hỏi về kế hoạch Nava, câu hỏi về con rồng kinh tế Châu Á.

Ở mức độ phân hóa, cô giáo Lan Anh cho rằng, 8 câu hỏi cuối là câu hỏi khó và dành cho học sinh khá giỏi. Với những câu hỏi này học sinh phải hiểu biết sâu rộng cả trong và ngoài kiến thức sách giáo khoa và làm quen nhiều với các câu hỏi nâng cao; ví dụ như câu hỏi so sánh chiến dịch Điện Biên Phủ và Điện Biên Phủ trên không...

Cô giáo Trần Lan Anh. Ảnh: PV

Cô giáo Trần Lan Anh. Ảnh: PV

Nhận định chung về đề thi, cô giáo Lan Anh cũng hi vọng điểm sẽ cao hơn năm ngoái và học sinh không khó để đạt điểm cao.

Về đề thi môn Hóa học, cô giáo Nguyễn Thị Yến – Trường THPT Thanh Chương 1 cho biết: Đề Hóa năm nay ra đúng với mô tả của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho trong đề thi tham khảo. Thí sinh có thể dễ ăn điểm từ câu 1 đến câu 30 vì kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Đề ra nhấn mạnh vào phần bản chất của môn học, không có câu nào đánh đố, tính toán, làm khó thí sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Yến và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Nguyễn Thị Yến và các học trò. Ảnh: Mỹ Hà

Các câu phân hóa đề thi khá tốt. Câu khó nhất có thể là câu hỏi về phần bài tập Este thí sinh sẽ mất rất nhiều thời gian, vì cách ra sáng tạo hơn các năm, vì đòi hỏi phải tư duy tốt. Cá nhân tôi cho rằng, tôi khá thích đề này, số học sinh làm tốt khá nhiều và các em chỉ sai một vài câu phân hóa.

Thí sinh trước khi bước vào môn thi tổ hợp môn Khoa học xã hội. Ảnh: Mỹ Hà

Thí sinh trước khi bước vào môn thi tổ hợp môn Khoa học xã hội. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều năm dạy ôn thi, quan tâm đến đề thi, thầy giáo Nguyễn Minh Chiến - Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn cho biết đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí năm nay có cấu trúc giống đề thi minh họa mà Bộ đã công bố ngày 31/3/2022, đúng yêu cầu của việc xét công nhận tốt nghiệp và tình hình học tập của học sinh trong bối cảnh đại dịch. Trong đề có một số câu hỏi ra hay, phân hóa đối tượng thí sinh.

Phân tích cụ thể hơn đề thi, thầy Chiến cho rằng:

- Về phạm vi kiến thức

+ Đề thi có 40 câu trắc nghiệm, 38 câu thuộc khối kiến thức Địa lí 12 và 2 câu kỹ năng thuộc kiến thức lớp Địa lí lớp 11 (bài 11).

+ Kiến thức lí thuyết môn Địa lí lớp 12 có 21 câu chiếm 52,5 %, tương ứng với 5,25 điểm của bài thi gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên có 4 câu. Địa lí dân cư có 2 câu, địa lí các ngành kinh tế có 8 câu, địa lí vùng kinh tế có 7 câu.

+ Kỹ năng Địa lí có 19 câu chiếm tỉ lệ 47,5% tương ứng 4,75 điểm của bài thi trong đó: 15 câu yêu cầu sử dụng Atlát Địa lí Việt Nam, 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.

- Về độ khó và sự phân bố kiến thức

+ Câu hỏi được sắp xếp với mức độ từ dễ đến khó tăng dần, từ câu 71 trở đi phân hóa rõ rệt, đảm bảo mục tiêu của kì thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong đề có 75% câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 25% kiến thức nâng cao ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

+ Phần kiến thức nâng cao tập trung chủ yếu vào 2 chuyên đề Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí các vùng kinh tế, từ câu số 71 trở đi, mức độ khó có tăng lên gắn với các câu hỏi tìm hiểu nguyên nhân, ý nghĩa, tác động, giải pháp…gắn liền với từ “chủ yếu” có trong câu hỏi.

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi tổ hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi tổ hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Với đề này, thí sinh muốn đạt điểm 10 cần phải nắm chắc và sâu kiến thức, kĩ năng cơ bản từ sách giáo khoa Địa lí, vận dụng tư duy liên hệ tổng hợp, tìm ra các mối liên hệ nhân quả giữa các yếu tố địa lí đồng thời tích cực cập nhật các thông tin địa lí hiện hành của vùng và quốc gia để làm tốt câu hỏi trong đề thi có từ chìa khóa “hiện nay”. Như câu 74 của mã đề thi 321 cần đọc kỹ đề, chú ý một số cụm từ đặc biệt để “tránh bẫy” vì mỗi câu hỏi đưa ra phải có 1 đáp án chính xác. Đây là câu hỏi khó nhất trong đề thi, chiếm nhiều thời gian làm bài của thí sinh.

Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Nguyễn Minh Chiến dự đoán phổ điểm môn Địa lí của tỉnh sẽ là trên 7,20 điểm, cao hơn năm 2021: Hiện nay nhiều trường ĐH đã tiên phong kết hợp điểm bài thi đánh giá năng lực đầu vào của sinh viên và kết quả bài thi tốt nghiệp THPT thì đề thi như vậy sẽ phân hóa điểm số, chất lượng thí sinh. Đề thi này buộc giáo viên và học sinh phải thay đổi cách dạy học, ôn tập để đạt kết quả cao.


Về môn Vật lý, theo Nguyễn Văn Thọ - giáo viên Vật lý - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thành phố Vinh) - nhận định: đề thi môn Vật lý năm nay bám rất sát đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT. Điều này tạo tâm lý thoải mái, tự tin cho học sinh khi làm bài thi vì trước đó, thầy cô và các em đã có thời gian dạy học, ôn tập đúng theo định hướng trên.

Một buổi ôn tập của học sinh lớp 12. Ảnh minh hoạ Mỹ Hà
Một buổi ôn tập của học sinh lớp 12. Ảnh minh hoạ Mỹ Hà

Cụ thể, đề thi phân hóa rõ từ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, đề khá nhẹ nhàng ở mức độ cơ bản để học sinh kiếm điểm 6-7. Nếu học sinh ôn tập nghiêm túc, chăm chỉ, sẽ không gặp khó khăn ở 30 câu đầu này.

Từ câu thứ 30 trở đi, đề thi phân hóa mạnh và rõ, và học trò khó để lấy điểm phần này. Đề có 5 câu phân loại cao rơi vào các chương Dao động cơ, điện xoay chiều, sóng cơ, giao thoa ánh sáng. Ở câu phân loại, dù đề bám sát đề minh họa, nhưng với những câu hỏi này, thí sinh phải đặt bút để giải, hiểu rõ bản chất Vật lý. Ngược lại nếu phán đoán hoặc chỉ học máy móc, thuộc lòng dạng bài tập sẽ khó để tìm ra phương pháp giải, tìm câu trả lời đúng.

Trong số những câu vận dụng cao, thầy Nguyễn Văn Thọ đặc biệt ấn tượng với câu hỏi dao động cơ, 2 con lắc lò xo. Câu hỏi này vừa có hiện tượng vật lý, vừa có toán. Cách hỏi khó, buộc thí sinh phải tư duy nhiều. Với câu hỏi này, thí sinh có năng lực Vật lý thực sự, và giỏi cả toán mới có thể làm được. Vì thế, đề thi phân hóa được học sinh khá (8 điểm) với giỏi (9 điểm) cũng như xuất sắc (trên 9 điểm), và thí sinh đạt điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi thứ 3. Ảnh: Đức Anh

Thí sinh trao đổi bài sau môn thi thứ 3. Ảnh: Đức Anh

Nhận định chung, thầy Nguyễn Văn Thọ đánh giá chung đề thi Vật lý năm nay hay, phân hóa tốt, đảm bảo được các mục tiêu xét tốt nghiệp, xét tuyển vào trường đại học tốp dưới, tốp vừa và cả tốp cao. Đồng thời cũng thỏa mãn, hài lòng đối với giáo viên dạy môn Vật lý.

Tin mới