Nhận quà Tết ít ỏi, nhiều giáo viên vẫn trích lương để lo Tết cho học sinh nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Thưởng Tết với nhiều giáo viên đó là điều khá xa lạ, song nhiều thầy cô không ngại trích một phần thu nhập để chăm lo Tết cho học sinh nghèo. Thấu hiểu thực tế này, nhiều hoạt động được triển khai nhằm chung tay để lo Tết cho những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật...

Không mong thưởng Tết

Gần 20 năm công tác trong ngành Giáo dục ở huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, cô giáo Phan Hằng nói, chị không nghĩ về chuyện thưởng Tết, bởi đơn giản đó là điều mà các chị chưa từng có. Dịp Tết, mức hỗ trợ nhiều nhất mà các chị có được là khoảng 500.000-1 triệu đồng, thường được trích từ tiền công đoàn cơ quan.

Chia sẻ về điều này, cô giáo Phan Hằng nói thêm: “Vì nhiều năm không có thưởng Tết nên chúng tôi cũng xem như đây là điều bình thường. Tuy nhiên, nhìn một số ngành, nghề khác thì cũng chạnh lòng lắm. Một số giáo viên có tiền dạy thêm thì còn đỡ, còn những giáo viên khác còn lại chỉ sống bằng lương thực sự vất vả. Cầm tháng lương trên tay phải chắt chiu, tiết kiệm mới đủ để sắm Tết cho các con, cho hai bên nội ngoại. Còn lại, bản thân nhiều khi không dám sắm sửa gì”.

cac-giao-vien-tham-gia-cac-hoat-dong-vui-tet-trong-chuong-trinh-tet-sum-vay-xuan-chia-se-do-nganh-giao-duc-to-chuc-9020-715.jpg
Các giáo viên tham gia Chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" tại Trường THPT Đô Lương 1. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy Đặng Văn Bằng – Hiệu trưởng Trường THPT Mường Quạ (Con Cuông) cho biết: Việc thưởng Tết đối với các nhà trường là một điều rất khó khăn, bởi trường học là đơn vị sự nghiệp, không có thu nên cũng không có lương tháng 13.

Vì thế, gọi là “thưởng Tết” nhưng thực chất chỉ là “quà Tết” với một số tiền rất nhỏ nhà trường tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên để làm quà Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ có những phần quà đặc biệt hơn với những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Còn cô Trần Thị Cúc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Châu Tiến (Quỳ Châu) chia sẻ rằng, đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa nghĩ đến tiền thưởng Tết cho giáo viên hoặc nếu có thì chỉ “gọi là”.

img-2465-6690-8972.jpg
Dù quà Tết rất ít ỏi nhưng các giáo viên Trường Mầm non Châu Tiến (Quỳ Châu) vẫn đóng góp để lo Tết cho học sinh nghèo. Ảnh: Mỹ Hà

Mặc dù không có tiền thưởng Tết, hiện nay các giáo viên ở Trường Mầm non Châu Tiến vẫn đang gấp rút để chuẩn bị Chương trình “Tết và mùa Xuân” cho học sinh của nhà trường. Ngoài các hoạt động để đón chào năm mới, trong chương trình này, trường dự kiến sẽ trao các suất quà cho các học sinh khó khăn. Toàn bộ quà Tết cho học sinh là do giáo viên trong nhà trường tự nguyện đóng góp với ít nhất mỗi người 500.000 đồng.

Một ngôi trường khác ở huyện Quỳ Châu cũng vừa trải qua một năm khó khăn là Trường Tiểu học Châu Hạnh – một trong những trường bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ xảy ra vào cuối tháng 9/2023.

“Chúng tôi đang cố gắng để ai cũng có quà Tết nhưng có lẽ món quà này sẽ “rất nhỏ” vì trường chúng tôi hoàn toàn không có nguồn thu nào…

Cô giáo Trần Thị Lệ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hạnh

Nhiều năm cắm bản ở ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cô Lệ cũng kể rằng, dù biết rất thiệt thòi nhưng các giáo viên đều chia sẻ với sự vất vả của nhà trường và hầu hết không ai còn nghĩ đến việc thưởng Tết. Điều đáng trân trọng, đó là không có tiền thưởng Tết, nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường mỗi người đã tự nguyện trích 1 ngày lương để lo Tết cho học sinh nghèo.

Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ tổ chức một bữa cơm “khuyến học” cho gần 150 học sinh ở điểm trường Tà Sỏi và điểm trường Thuận Lập đến vui Tết ở điểm trường chính. Đây cũng là 2 điểm trường lẻ duy nhất của trường chưa được “phủ kín” môn Tin học và Ngoại ngữ. Vì vậy, 1 tuần 2 lần các cháu vẫn phải đem cơm đến điểm trường chính để học 2 môn này, đi lại hết sức vất vả.

Sẻ chia với giáo viên

Một tháng trước Tết Nguyên đán, đoàn công tác của Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An đã đến thăm hỏi và trao món quà Tết trị giá 3 triệu đồng đến với thầy giáo Hồ Quý Hợi – Giáo viên Trường THPT Cờ Đỏ, người mới bị phát hiện ung thư máu cách đây gần 1 năm. Hoàn cảnh của thầy hiện nhiều khó khăn, bởi hai vợ chồng đều là giáo viên, vợ dạy tiểu học và các con còn nhỏ. Căn bệnh hiểm nghèo khiến cuộc sống của thầy càng gian nan hơn, bởi gần như tháng nào thầy cũng phải ra Bệnh viện Ung bướu của tỉnh hoặc Bệnh viện K Trung ương để khám kiểm tra và truyền máu.

cong-doan-nganh-giao-duc-trao-qua-ho-tro-cho-giao-vien-co-hoan-canh-kho-khan-o-truong-thpt-co-do-2486-8857.jpg
Công đoàn ngành Giáo dục trao quà Tết cho giáo viên ở Trường THPT Cờ Đỏ. Ảnh: CSCC

Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Cờ Đỏ, thầy giáo Hồ Vĩnh Dương nói rằng: “Trường chúng tôi năm nay có 2 giáo viên bị mắc bệnh hiểm nghèo và điều kiện hết sức khó khăn, vất vả. Gần 1 năm qua, nhà trường cũng thường xuyên thăm hỏi và chia sẻ với các giáo viên, nhưng đây là căn bệnh đòi hỏi điều trị lâu dài và tốn kém nên các giáo viên đều rất khó khăn. Vì thế, việc các giáo viên sớm được Công đoàn ngành đến thăm hỏi, động viên trong dịp Tết là điều hết sức ý nghĩa. Về phía nhà trường, dù rất cố gắng nhưng tiền thưởng Tết cho giáo viên cũng chỉ được từ 1 – 1,2 triệu đồng”.

Ngoài những giáo viên bị bệnh hiểm nghèo, không ít giáo viên, nhân viên ở Nghệ An vẫn đang vật lộn với đồng lương ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống. Cô Đỗ Thị Lê - nhân viên văn phòng, Trường THPT Yên Thành 3 cho biết: “Cách đây 15 năm khi mới đi làm, lương của tôi được 700.000 đồng/tháng và tôi ước đến khi nào mới được lên 5 triệu đồng. Nhưng quả thật cho đến thời điểm này, tôi vẫn chưa lên được mức lương này. Thu nhập quá thấp nên đã 2 lần tôi nghĩ đến việc bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động và chỉ mong các ban, ngành quan tâm để chúng tôi được cải thiện cuộc sống”.

Cô giáo Đỗ Thị Lê là 1 trong gần 200 giáo viên, nhân viên vừa được tham gia Chương trình “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ” do ngành Giáo dục triển khai trong dịp chuẩn bị cho Tết Nguyên đán năm 2024. Chương trình năm nay được tổ chức sớm hơn mọi năm với số lượng đông hơn và phạm vi mở rộng hơn.

cong-doan-nganh-giao-duc-trao-qua-tet-cho-doi-ngu-lam-nhan-vien-o-cac-nha-truong-5726-1435.jpg
Công đoàn ngành Giáo dục trao quà Tết cho đội ngũ làm nhân viên ở các nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Năm nay, ngành cũng dành sự ưu tiên đặc biệt đến những giáo viên, nhân viên làm công tác đặc thù ở các nhà trường, đó là đội ngũ làm kế toán, nhân viên thư viện, nhân viên y tế…

Chương trình “Tết sum vầy” là một trong những hoạt động thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, luôn quan tâm, động viên, chia sẻ đối với cán bộ, nhà giáo, người lao động có hoàn cảnh khó khăn của tổ chức công đoàn.

Trong năm nay, chúng tôi hướng đến những người làm công tác nhân viên ở các trường. Đó là những người dù lương thấp, cơ chế, chính sách vẫn còn nhiều bất cập nhưng vẫn âm thầm, miệt mài gắn bó với nghề, góp sức lực, trí tuệ để cùng với các trường làm tốt công tác dạy và học.

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục

Theo dự kiến, năm nay, ngành Giáo dục dành hơn 1,3 tỷ đồng để tặng quà cho gần 1.500 nhà giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ. Ngành cũng đã có văn bản yêu cầu các trường, công đoàn cơ sở chủ động nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, quà Tết cho giáo viên.

Tin mới