Nhân tài có cần thảm đỏ?

(Baonghean) - Đợt Tết về Việt Nam mình có đi họp lớp. Bạn bè xưa còn chí choé tranh nhau từng quyển truyện, từng miếng cóc dầm, thế mà nay đứa nào cũng đạo mạo, chỉn chu, công việc ổn định. Chưa xét đến chuyện ra đi làm được giữ vị trí gì, lương bổng bao nhiêu, điều mình chú ý nhất là hầu như rất ít bạn bè mình về lại quê hương để làm việc. Hỏi ra thì số ít những đứa  “nhớ đường về nhà" thuộc vào một trong hai thế loại sau: thứ nhất là con gái về làm việc ở nhà để ở gần bố mẹ và để... lấy chồng, thứ hai là con nhà có điều kiện (nghĩa là gia đình có ít nhiều mối quan hệ).

Những đứa không thuộc hai thể loại trên khi được hỏi sao không về quê đi làm, xa xôi làm gì cho khổ đều tặc lưỡi: “Về được tao đã về rồi, nhưng bây giờ mày bảo về đây tao biết làm gì, lấy gì mà sống? Sống làng nhàng thì dễ, nhưng mình còn trẻ, muốn tiến xa thì chỉ có ở lại các thành phố lớn thôi mày ạ”. Thế định ở lại luôn không về nữa đấy à? “Về chứ, nhưng giờ chưa được". Đứa nào cũng nói thế, nhưng có khi dăm, ba năm nữa mình học xong về Việt Nam cũng chưa thấy mặt mũi chúng nó đâu. Kể cũng buồn!

Có anh bạn khi xưa học cùng mình bên kia, giờ về Sài Gòn làm việc bảo mình thế này: “Xin việc ở Hà Nội với Sài Gòn thì dễ, chứ xin việc ở Vinh mới khó em ạ". Lạ nhỉ, mình bật cười hỏi vặn lại, mỗi năm bao nhiêu là nhân lực đổ dồn về Hà Nội với Sài Gòn, thừa mứa ra đấy sao lại dễ xin việc hơn ở quê mình là nơi khát nhân lực được? “Vấn đề là có xin được chỗ tốt, đúng với khả năng của mình không chứ xin việc suông thì ở đâu chẳng như ở đâu. Với cả ở mình chán lắm em ạ, xin được việc mà không nhờ quan hệ, quà cáp đã khó, vào làm việc rồi muốn vô tư, tập trung vào chuyên môn lại càng khó hơn, nói chung môi trường làm việc ở mình phức tạp, học xong em đi làm bên ấy ít năm lại chẳng muốn về nữa cũng nên. Anh mà xin được việc bên kia anh cũng ở lại chứ chưa về vội làm gì".

Đi xa từ sớm, cũng đã khá nhiều năm rồi, thú thật bây giờ nghĩ đến cảnh về Việt Nam mà phải ở Hà Nội hay Sài Gòn mình đã thấy ngán hết cả người: Thế thì khác mình ở lại bên kia là bao? Thực ra mình nghĩ trong sâu thẳm mỗi người trẻ bây giờ ai mà chẳng muốn về cống hiến xây dựng quê hương chứ nào có ai thiết cảnh sống tha hương? Trước mình có nghe nói đến chính sách trải thảm đỏ thu hút nhân tài cho tỉnh, đại loại như hỗ trợ một khoản tiền, ít nhiều tùy vào bằng cấp của người lao động (hồi đấy mấy anh bạn mình vẫn đùa là được tỉnh mua cho cái xe máy để đi làm). Giờ được biết chính sách đấy đã tạm dừng rồi, thật ra mình nghĩ mình mà có về lại được tỉnh nhà làm việc chắc chắn không phải vì chiếc xe máy hay khoản tiền mấy chục triệu được tỉnh hỗ trợ.

Tiền đem cho nhẹ tựa lông hồng biết bao nhiêu cho đủ, nhưng cái mình cần là mọi người hiểu đúng giá trị chất xám của mình và cần hơn cả là một chế độ đãi ngộ xứng đáng, một môi trường làm việc lành mạnh để có thể phát triển một cách minh bạch, chắc chắn và lâu dài. Cho nên với môi trường làm việc đấu đá phức tạp hơn cả hậu cung thời vua chúa, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ còn nhiều bất cập và tiêu cực như hiện nay thì có cho người lao động cả cái trực thăng chưa chắc người ta đã muốn về, vì cho trực thăng mà không cho xăng thì có khác gì bảo người ta “trực thăng anh để nhà chưng chơi, còn anh chịu khó đi bộ nhé"?

Bây giờ, mình học sắp xong rồi, bao giờ cũng hong hóng chờ ngày tốt nghiệp là về Việt Nam, nhưng vẫn không khỏi canh cánh nỗi lo đi đâu, làm gì. Về tỉnh để lấy chiếc xe máy nhưng không biết lúc nào có thể hết xăng bất thình lình hay chấp nhận ở Hà Nội, Sài Gòn đề có điều kiện phát triển? Ở ta vẫn hay nói đến vấn nạn chảy máu chất xám, nhưng với những dòng chất xám chảy về rồi lại đổ vào một chỗ trũng, để rồi nơi thì ngập úng nơi thì hạn hán, thử hỏi phải làm sao? Thiết nghĩ, đây là nỗi băn khoăn chung của nhiều bạn trẻ vừa tập tễnh ra khỏi cổng trường đại học, còn chờ một câu trả lời xác đáng từ phía những cơ quan có thẩm quyền và những người có trách nhiệm...

Hải Triều (Email từ Paris)