Nhật Bản tìm thế đối trọng với Trung Quốc ở Nam Á

(Baonghean) - Chỉ ít ngày sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại lên đường thăm hai nước Nam Á là Bangladesh và Sri lanka. Với những chuyến thăm viếng cấp cao liên tiếp giữa Nhật Bản và các nước Nam Á, giới phân tích cho rằng, Nhật Bản đang cố gắng tạo thế đối trọng với Trung Quốc ở khu vực này - một khu vực có ý nghĩa quan trọng, với bờ biển dài nối liền Địa Trung Hải và Biển Đông. 
Trước khi lên đường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định mục tiêu của chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với Bangladesh và Srilanka, hai nước mà ông Abe cho rằng “có ảnh hưởng ngày càng lớn cả về kinh tế và chính trị”. Qua hai cuộc gặp với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 6/9 và Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa hôm 7/9, có thể thấy kết quả nổi bật nhất là Nhật Bản đã có được sự ủng hộ của Bangladesh trong cuộc chạy đua vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc vào năm sau. Thủ tướng Bangladesh Hasina đã thông báo về quyết định rút tư cách ứng cử viên của Bangladesh vào vị trí này sau cuộc hội đàm với ông Abe và khẳng định, quyết định của Bangladesh dựa trên “sự hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục của Nhật Bản trong quá trình phát triển của Bangladesh”. Trong chuyến thăm, Nhật Bản đã thể hiện ngay sự “hỗ trợ mạnh mẽ và liên tục” này bằng một văn bản ký kết giữa ông Abe và bà Hasina, theo đó, Nhật Bản cam kết tài trợ cho một số dự án cơ sở hạ tầng ở Bangladesh với tổng trị giá là 6 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Trong đó, có một dự án quan trọng là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện với vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Những con số này khiến Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Bangladesh. Còn tại chặng dừng chân Sri Lanka, Thủ tướng Shinzo Abe có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Mahinda Rajapaksa. Theo đó, ông Abe cam kết tăng cường hợp tác với Sri Lanka trong lĩnh vực an ninh biển, cụ thể, Nhật Bản sẽ cung cấp tàu tuần duyên cho Sri Lanka để tăng cường khả năng phòng vệ bờ biển. 
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina  sau cuộc hội đàm ở Dhaka.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina sau cuộc hội đàm ở Dhaka.
Thủ tướng Shinzo Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến Bangladesh sau 14 năm, còn với Sri Lanka, con số này còn lên tới 24 năm. Điều này cho thấy một sự thay đổi chiến lược mà chính phủ Nhật Bản nhìn nhận về vai trò của mối quan hệ với hai quốc gia Nam Á này. Và nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng cho sự thay đổi đó là Trung Quốc. Banladesh và Sri Lanka là hai nước có bờ biển dài, nằm giữa khu vực Biển Địa Trung Hải và Biển Đông. Trước Nhật Bản, Trung Quốc đã hỗ trợ hai quốc gia này xây dựng nhiều bến cảng dọc tuyến đường biển này – được Trung Quốc gọi là “chuỗi vòng cổ ngọc trai”. Bên cạnh ý nghĩa hỗ trợ về kinh tế, Hải quân Trung Quốc cũng có thể sử dụng các cảng biển này, và điều đó chắc chắn sẽ tạo lợi thế rõ ràng cho Trung Quốc so với Nhật Bản trong việc duy trì ảnh hưởng đối với an ninh và hòa bình ở khu vực. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc thiết lập một hệ thống các điểm chốt trên tuyến đường biển này có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Nhật Bản, bởi hiện nay Ấn Độ Dương là tuyến đường cung cấp dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng từ Trung Đông tới Nhật Bản. Vì vậy, chậm còn hơn không, trong chuyến thăm hai nước Nam Á lần này, Nhật Bản cũng đề xuất hỗ trợ những dự án quan trọng ven biển, trong đó có một dự án cảng biển nước sâu ở phía Nam Bangladesh – vốn trước đây được nước này “nhắm” trao cho Trung Quốc. 
Cùng với chuyến thăm của ông Shinzo Abe tới Bangladesh và Sri Lanka, chuyến thăm Nhật Bản gần đây của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho thấy chiến lược thắt chặt quan hệ với một loạt nước Nam Á của Nhật Bản, nhất là sau hàng hoạt những động thái cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông thời gian vừa qua. Đối với Nhật Bản, những tranh cãi liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã trở thành một yếu tố đồng hành không thể thiếu trong quan hệ Nhật – Trung hiện tại. Mục tiêu của ông Abe là tìm thêm càng nhiều đồng minh tiềm năng để kiềm chế Trung Quốc càng tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này không phải là việc dễ dàng với Nhật Bản. Thứ nhất, Trung Quốc đã từng “để mắt” tới khu vực này từ khá lâu. Hiện nay, ngoài Ấn Độ đang theo đường lối cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc kể từ khi Thủ tướng Modi lên nắm quyền, các nước  Bangladesh và Sri Lanka vẫn còn khá nhiều ràng buộc về kinh tế với Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc sẽ không dễ dàng “nhường sân” để Nhật Bản tự do triển khai các bước đi nhằm nâng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực. Vì vậy, cũng giống như cuộc chiến giành chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư, cuộc đua tới khu vực Nam Á của Nhật Bản và Trung Quốc cũng hứa hẹn nhiều gay cấn và khó có thể dự đoán được người thắng - kẻ bại. 
Thúy Ngọc

Tin mới