Nhiều công nhân mắc bụi phổi vẫn chưa được thông báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn)-Mặc dù đã có kết quả phát hiện thêm hàng chục công nhân mắc bụi phổi từ lâu, nhưng đến nay Công ty TNHH Châu Tiến vẫn không thông báo cho công nhân để họ biết. Nhiều người vì thế vẫn tiếp tục làm việc trong môi trường đầy bụi. Trong khi đó, bệnh bụi phổi cần được chữa trị kịp thời.

Công nhân hoang mang

Đã hơn nửa tháng kể từ khi đoàn điều tra bệnh nghề nghiệp của Sở Y tế công bố kết quả phát hiện thêm 57 công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến (Nghi Lộc) mắc bụi phổi silic, nhưng những công nhân này vẫn chưa được phía công ty thông báo kết quả, để kịp thời đi chữa trị.

Theo danh sách của Sở Y tế mà phóng viên Báo Nghệ An có được, trong số này, anh Hoàng Sỹ Quyết (38 tuổi, xã Diễn Lộc, Diễn Châu), có kết quả mắc bụi phổi ở mức độ nặng, dù anh mới vào làm việc tại công ty chưa đầy 9 tháng. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ, anh Quyết tỏ vẻ ngỡ ngàng, còn hỏi lại phóng viên anh đã bị ở mức độ nặng hay nhẹ.

“Chúng tôi đọc báo thấy phát hiện thêm hàng chục công nhân mắc bụi phổi nên ai cũng lo lắng, liên tục hỏi quản lý và giám đốc công ty, nhưng ai cũng im lặng. Thời gian gần đây, tôi bắt đầu khó thở, cũng thấy lo lắng nhưng không ngờ mình nằm trong danh sách bị bệnh, vì mới vào làm việc”, anh Quyết nói. Thời điểm hiện tại, anh Quyết vẫn đang làm ở bộ phận công nhân cơ khí, với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng.

“Giờ tôi cảm thấy rất hoang mang, không biết phải làm gì, hỏi ai để được hướng dẫn? Chỉ biết, bệnh này phải chữa càng sớm càng tốt, nếu muộn thì hết cách. Trong khi lãnh đạo công ty thì luôn im lặng”, anh Quyết liên tục đặt câu hỏi sau khi được phóng viên thông báo kết quả khám bệnh của anh. Đó cũng là câu hỏi của hàng chục công nhân Công ty TNHH Châu Tiến mà chúng tôi liên hệ.

bna_d4.jpg
Ánh mắt lo lắng của các công nhân trong lúc chờ khám sức khỏe. Ảnh: T.H

Chị Hoàng Thị Liên (47 tuổi, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) cho biết, phía công ty chưa có thông báo gì tới chị mà chỉ biết bản thân mắc bệnh thông qua một người quen làm bên y tế. “Giờ biết bệnh thì sợ lắm nhưng làm gì có tiền mà đi chữa bệnh. Chúng tôi biết phải làm sao?…”

Chị Liên là một trong những công nhân “đời đầu” làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2015. Chị làm ở bộ phận tách hạt sau chuyển sang bộ phận đóng bao. Đến năm 2021 thì chị nghỉ việc tại công ty. Chị nhẩm tính: “Tôi làm tại công ty được 5 năm 5 tháng nhưng không được đóng bảo hiểm. Tôi đã kiến nghị công ty nhiều lần về việc này nhưng không được đáp ứng nên quyết định nghỉ việc vào năm 2021”.

Khi ấy, chị Liên đắn đo lắm bởi nghỉ thì làm gì có việc khác để làm. Chị nghẹn ngào:“Thời điểm được công ty nhận vào làm, tôi mừng lắm. Công việc có vất vả, cực nhọc thế nào cũng chịu được. Kể cả giờ ăn trưa, để tránh bụi đá mù mịt trong công xưởng, mấy chị em chúng tôi buộc phải ra bờ ao trước cổng công ty giăng bạt để ngồi ăn, chúng tôi cũng chấp nhận”.

Chị Đặng Thị Thắm (43 tuổi, trú xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc) cũng là công nhân vừa có kết quả mắc bệnh bụi phổi thể trung bình. Chị làm ở công ty được 3 năm ở bộ phận đóng bao. “Tôi đóng bảo hiểm được 16 tháng. Nhưng để được đóng bảo hiểm tôi phải xin, trình bày “hai con bị mắc bệnh máu không đông thì mới được đóng bảo hiểm”, chị Thắm kể.

bna_d2.jpg
Những công nhân mắc bụi phổi đang rất hoang mang. Ảnh: T.H

Ông Thái Đình Lâm - Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Nghệ An cho biết, Công ty TNHH Châu Tiến có trách nhiệm thông báo những người mắc bệnh cho công nhân được biết, để chữa trị kịp thời. Bác sĩ Lâm thông tin thêm, trong môi trường làm việc cũng như đồ bảo hộ không đảm bảo thì thời gian người công nhân mắc bệnh bụi phổi cấp tính chỉ sau 3 tháng, mãn tính kéo dài đến 5 năm. Bệnh này đa phần phát hiện muộn do người bệnh không cảm nhận được mình có bệnh. Hơn nữa, các công nhân chỉ kiểm tra sức khỏe tổng quát mà bỏ qua việc kiểm tra bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, công nhân không thể phát hiện sớm bệnh bụi phổi.

Về những người đã mắc bệnh, bác sĩ Lâm nhấn mạnh, trước hết người bệnh nên bỏ môi trường làm việc đó. Kiểm tra sức khỏe, chủ yếu chụp X-quang phổi định kỳ xem bệnh có tiến triển không. Tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi và chọn công việc phù hợp. Đồng thời, người bệnh cần tập phục hồi chức năng (tập thở) ở mức độ phù hợp để tăng sức đề kháng, phục hồi chức năng ở phổi.

Chế độ nào cho công nhân mắc bệnh?

Cũng như các công nhân khác, nhận được tin bị mắc bụi phổi silic nặng, chị Hoàng Thị Liên tỏ ra hoang mang với bao câu hỏi vây quanh. Chị sợ vì căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của 6 người. Chị hoang mang bởi tiền đâu mà chữa bệnh? Chữa bệnh thì mất thời gian bao lâu? Có khỏi được không? Mình đi chữa bệnh thì chồng con lại thêm gánh nặng… “Nhiều lúc tôi nghĩ thôi không đi khám, chữa nữa. Phó mặc cho số phận. Dành số tiền đó cho con, cho cháu”, chị Liên nghẹn ngào.

Không như chị Liên, anh Bùi Văn Dũng (45 tuổi, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc) làm việc từ năm 2018 nhưng một năm sau mới được được công ty đóng bảo hiểm. Đến năm 2021, anh xin nghỉ việc vì thấy sức khỏe giảm sút.

Gần đây, vì vợ thất nghiệp, quá túng quẫn nên anh Dũng đi rút bảo hiểm xã hội 1 lần được 13 triệu đồng để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bây giờ anh lại nhận được tin bản thân mắc bụi phổi silic. “Giờ nhận được tin mà lo lắng. Không có bảo hiểm nữa thì chữa trị tốn kém vô cùng”, anh Dũng nói.

bna_d1.jpg
Anh Dũng lo lắng vì đã trót rút bảo hiểm 1 lần. Ảnh: T.H

Lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc thông tin, qua rà soát thì không chỉ anh Bùi Văn Dũng rút bảo hiểm xã hội 1 lần mà trên địa bàn có thêm 5 người khác. Đây đều là những công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến cùng phát hiện bệnh bụi phổi trong đợt thăm khám vừa qua.

“Ngoài những công nhân trên thì còn 10 công nhân chưa xác định được thông tin đã được đóng bảo hiểm xã hội hay chưa. Chúng tôi cũng đã đề nghị bảo hiểm xã hội huyện rà soát, xác định lại những trường hợp này có được đóng bảo hiểm hay không”, lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc nói.

Về thắc mắc của những công nhân đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần thì có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không? Vấn đề này, Bảo hiểm tỉnh Nghệ An thông tin, nếu công nhân được xác định mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc tại đơn vị và thời gian đó đã đóng quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì nghỉ việc, hưởng chế độ hưu trí hoặc hưởng Bảo hiểm xã hội 1 lần rồi vẫn được giải quyết chế độ.

bna_d3.jpg
1 công nhân đang được khám sức khỏe. Ảnh: T.H

Ngoài ra, chế độ cho người lao động được xác định mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp thì Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, được quy định từ Điều 46 đến Điều 52. Cụ thể, tại Điều 46, trợ cấp một lần: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Ngoài mức trợ cấp quy định còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội. Từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Tại Điều 47, trợ cấp hằng tháng: Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.

Tin mới