Ngoại khóa

Nhiều giáo viên đồng tình đề xuất nghỉ học chính khóa vào thứ 7

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Lâu nay, học sinh phổ thông vẫn học 6 ngày trong tuần, liên tục từ thứ 2 đến thứ 7. Chính vì thế, việc đề xuất cho học sinh nghỉ học chính khóa vào thứ 7 đang được nhiều giáo viên đồng tình. Báo Nghệ An ghi lại ý kiến xung quanh vấn đề này.

Cô giáo Bành Thị Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Ân (thành phố Vinh): Học sinh và giáo viên có thêm nhiều thời gian cho gia đình

Năm học 2023 - 2024 là năm thứ 2 trường chúng tôi cho học sinh nghỉ học vào thứ 7 và các em sẽ học thêm buổi chiều thứ 3 trong tuần để đảm bảo đủ số tiết theo đúng quy định. Việc triển khai, trước tiên là từ nguyện vọng của giáo viên và sau đó được phụ huynh đồng ý vì phù hợp với thực tế của nhà trường. Sau gần 2 năm triển khai, chúng tôi thấy nhờ được nghỉ học vào 2 ngày cuối tuần, giáo viên có điều kiện và thời gian để chăm sóc gia đình, chuẩn bị tốt các bài giảng cho tuần học tới. Trong khi đó, học sinh và phụ huynh cũng được giảm tải, các em có thời gian để nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoài nhà trường hoặc dành thời gian để học thêm các môn khác.

Để triển khai hiệu quả, trước tiên phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, nghĩa là nhà trường phải đủ phòng học đảm bảo mỗi lớp/phòng/buổi. Bên cạnh đó, nhà trường phải bố trí sắp xếp lịch học, thời khóa biểu hợp lý để tránh tạo áp lực cho học sinh, nhất là những ngày học sinh phải học chính khóa cả ngày. Việc phân công lịch dạy cho giáo viên cũng cần được cân nhắc phù hợp. Không nên bố trí quá nhiều tiết cho giáo viên nếu hôm đó giáo viên có lịch dạy cả ngày.

bna_Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Nghi Ân.jpg
Một hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THCS Nghi Ân. Ảnh: NTCC

Thầy giáo Nguyễn Trọng Hào – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nga My - Tương Dương: Nghỉ học thứ 7 sẽ đem đến nhiều lợi ích cho các trường bán trú

Trường chúng tôi và một số trường nằm ở vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương đang bố trí nghỉ học 2 tuần/lần vào thứ 7. Những tuần này, chúng tôi sẽ bố trí thêm một buổi học vào buổi chiều để học bù cho học sinh.

Thực tế ở trường chúng tôi không tổ chức học thêm ở nhà trường nên các buổi chiều thứ 7 học sinh chủ yếu chỉ đi lao động, sinh hoạt đoàn và bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo một số buổi cho học sinh yếu kém, nên nếu bố trí thêm 1 buổi chiều học chính khóa bù vào thứ 7 là khá dễ dàng. Chúng tôi cũng đã đề xuất để các trường được nghỉ học vào thứ 7 nhưng chưa được xem xét.

Với đặc thù của một trường bán trú thì việc nghỉ thứ 7 đem đến ba lợi ích. Đó là học sinh có thời gian để về thăm gia đình, nhà trường tiết kiệm được tiền ăn 4 ngày/tháng để bù vào tăng chất lượng các suất ăn khác trong tuần. Hơn nữa, trường chúng tôi có hơn 50% giáo viên sống xa gia đình, nhiều người vẫn đang phải gửi con ở miền xuôi. Vì vậy, nếu kéo dài ngày nghỉ, họ sẽ có thêm nhiều thời gian hơn cho con cái và chăm sóc gia đình.

bna_Giờ học của học sinh Trường THPT Quỳ Châu.jpg
Giờ học của học sinh Trường THPT Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Cao Thanh Lưu – Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu: Nếu học ở trường cả ngày quá nhiều thì học sinh sẽ quá tải

Tôi nghĩ nếu được nghỉ học vào thứ 7 sẽ thiết thực với cả giáo viên, học sinh và các em có nhiều thời gian để được nghỉ học, tham gia các hoạt động ngoài nhà trường.

Tuy nhiên, với chương trình hiện nay như lớp 12, ngoài học thêm các môn như Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, chúng tôi còn dạy thêm các môn khác để các em thi tốt nghiệp. Như vậy lịch học gần như kín cả tuần. Nếu tăng thêm một tiết chính khóa buổi chiều thì học sinh sẽ học quá tải và giáo viên cũng không có thời gian để họp chuyên môn.

bna_Giờ học của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Giờ học của học sinh Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn: Nếu toàn trường học một chương trình thì việc thực hiện sẽ khả thi

Chúng tôi đồng tình với chủ trương nghỉ học vào sáng thứ 7 bởi hiện nay ở trường chúng tôi, nhiều giáo viên đang công tác xa nhà, nhà trường đang phải bố trí thời khóa biểu phù hợp để tạo điều kiện cho giáo viên về với gia đình 2 ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, nhiều học sinh cũng đang đi học xa, các em rất muốn được về nhà vào hai ngày thứ 7 và Chủ nhật.

Tuy nhiên, tôi nghĩ thời điểm này chưa phù hợp. Hiện, với các trường THPT, nhà trường đang tổ chức dạy học 2 chương trình. Với học sinh lớp 12, các em đang học theo chương trình cũ 30 tiết/tuần nên khó có thể tăng tiết trong các buổi học. Ở lớp 10 và 11, các em theo học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với 28 tiết/tuần. Lịch học này nếu kéo dài các buổi lên 5 tiết/tuần thì có thể thực hiện được (nhà trường sẽ tổ chức thêm một số tiết học ngoại khóa vào các buổi chiều). Nhưng phương án này chỉ có thể thực hiện khi toàn trường tổ chức dạy học cùng một chương trình.

bna_Hoạt  ngoại khóa của học sinh Trường THPT Quỳ Châu.jpg
Hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường THPT Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Thầy giáo Nguyễn Minh Khoa – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (thành phố Vinh): Việc thực hiện phải có sự đồng tình của phụ huynh, học sinh

Khi tôi đang làm hiệu trưởng ở trường cũ (Trường THCS Trung Đô), chúng tôi đã thực hiện thí điểm nghỉ học vào thứ 7 được 1 tuần, nhưng sau đó lại phải quay trở lại như cũ. Nhiều phụ huynh không đồng tình với phương án trên vì họ cho rằng, nếu phải học bù một buổi chiều trong tuần thì lịch học các con quá nặng, không có thời gian đi học thêm. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đi làm ngày thứ 7 lại sợ con ở nhà, không có ai quản lý lại sa vào điện thoại hoặc các trò chơi điện tử.

Chính vì thế, ở Trường THCS Lê Lợi, chúng tôi cũng đang cân nhắc và chỉ thực hiện nếu có sự đồng tình, ủng hộ./.

Tin mới