Nhiều lao động sang Nhật hành nghề 'đá đồ'

(Baonghean) - 'Đá đồ' là từ lóng chỉ hành vi trộm đồ trong siêu thị mà nhiều lao động người Nghệ đang mắc phải. Đã có nhiều người bị trục xuất khỏi Nhật Bản vì tội danh này.

Trước thực trạng này chính quyền địa phương lo ngại nước bạn sẽ đưa ra các lệnh cấm nhận lao động giống như Hàn Quốc đang làm. 

Bị trục xuất vì tội "đá đồ"

Đã trở về nước từ 3 tháng nay, nhưng đến giờ Phan Thái (26 tuổi, quê huyện Yên Thành), vẫn không khỏi nuối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội thoát nghèo khi được làm thuê ở nước ngoài. Trong khi, số tiền gần 200 triệu đồng mà gia đình vay mượn để cậu sang được Nhật Bản du học từ hơn một năm trước, đến nay chỉ mới trả được một nửa. Với hành vi trộm cắp, Thái dường như “hết cửa” để quay trở lại “đất nước mặt trời mọc”. 

Bị trục xuất về nước sau khi ngồi tù 3 tháng ở Nhật Bản, Thái suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, mặc dù, người dân ở quê Thái, chẳng mấy ai biết cậu bị đuổi học, trục xuất về nước là do trộm cắp. “Giờ nghĩ thấy xấu hổ. Lúc đó, em thấy mấy đứa bạn làm cùng công ty vào siêu thị lấy suốt nhưng không bị gì cả nên em cũng đi theo. Cứ như thế rồi quen. Đến lần thứ 4 thì bị bắt quả tang”, Thái trần tình. Món đồ mà thanh niên này trộm là những hộp mỹ phẩm trị giá hàng chục triệu đồng tiền Việt Nam.

Thái chỉ là một trong hàng loạt lao động Việt Nam bị nhà chức trách Nhật Bản phát hiện trộm cắp ở nước này kể từ đầu năm. Tuy nhiên, không giống như Thái, nhiều người sau khi trộm cắp được còn thản nhiên khoe “chiến tích”. Xem việc trộm cắp như “chuyện bình thường”.

Một siêu thị ở Nhật Bản phải treo biển cảnh báo bằng tiếng Việtđể giảm trộm cắp. Ảnh: Internet
Một siêu thị ở Nhật Bản phải treo biển cảnh báo bằng tiếng Việt để giảm trộm cắp. Ảnh: Internet

Vài năm gần đây, thị trường lao động Nhật Bản là một trong những điểm đến lý tưởng cho người Việt có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Trong số đó, Nghệ An là một trong những địa phương đứng tốp đầu cả nước. Ngoài những người đi bằng con đường xuất khẩu lao động thông qua các chương trình ký kết giữa hai nước, còn có hình thức du học, vừa học vừa làm. Tuy nhiên, tình trạng du học sinh bỏ trốn, trộm cắp ở nước này đang trở nên đáng báo động. 

“Bây giờ ở nhiều siêu thị họ còn cắm biển cảnh báo bằng tiếng Việt để đề phòng trộm cắp. Đáng buồn là những tấm biển như vậy đang ngày càng nhiều hơn, nhưng tình trạng trộm cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Thật đáng xấu hổ” - Phan Đình Sơn (25 tuổi, quê Nghi Lộc), nói. Nam lao động đang làm việc tại thủ đô của Nhật Bản này cho hay, ở đây người ta vẫn nói nửa đùa nửa thật rằng, cứ 5 người bị nhà chức trách địa phương phát hiện ăn trộm thì có một người đến từ Việt Nam.

Không rõ câu nói này dựa vào những số liệu nào, chỉ biết rằng, thời gian gần đây, những tin tức về người Việt Nam bị phát hiện trộm cắp xuất hiện nhan nhản trên các tờ báo hàng đầu Nhật Bản. Cách đây không lâu, tờ báo Japan Today, phải dành riêng một bài ở trang nhất để nói về vấn đề này nhằm cảnh báo tới người dân của họ. Việc trộm cắp xảy ra phổ biến đến mức, cộng đồng người Việt Nam tại đây còn tìm ra một từ lóng là “đá đồ” để nói về hành vi này. Phần lớn trong số hơn 100 doanh nghiệp xuất khẩu lao động qua Nhật Bản hiện nay đều có lao động bị trục xuất vì trộm cắp.

 “Vì sau khi ăn trộm sẽ bị camera ghi lại nên những người này chỉ đến mỗi siêu thị trộm một lần. Có những nhóm còn mua cả ôtô đi khắp nước Nhật chỉ để ăn trộm ở các siêu thị”, Thông nói. Thời gian gần đây, sau khi nhiều phương tiện truyền thông cảnh báo, nhiều siêu thị ở Nhật Bản đã siết chặt hơn bằng cách gắn con chíp vào các mặt hàng. Tuy nhiên, cách này cũng chỉ đối phó được với những tay trộm mới vào nghề. “Ví dụ như muốn vào trộm một đôi giày, người đó sẽ mang đôi đó vào phòng thử đồ giả vờ thử rồi tháo luôn con chíp gắn vào đôi giày cũ. Sau đó thản nhiên mang giày mới ra về. Các mặt hàng khác cũng tương tự”, Thông kể. 

Hành nghề có tổ chức

Hồi đầu tháng 4, một nhóm 7 công dân Việt Nam trong độ tuổi 20 bị cảnh sát tỉnh Osaka bắt giữ với cáo buộc trộm cắp hàng hóa số lượng lớn và chuyển về nước tiêu thụ. Đứng đầu là một nam sinh 23 tuổi, 6 người còn lại được chia thành hai nhóm, hoạt động ở Tokyo và Osaka. Nhóm nghi phạm được cho là nhận chỉ đạo từ một phụ nữ ở Việt Nam để trộm những mỹ phẩm như kem dưỡng da, kem chống nắng... của một thương hiệu Nhật Bản lớn từ các cửa hàng trong địa phương. Sau đó, người đứng đầu sẽ tiếp nhận số hàng và trả thù lao cho các thành viên. Số hàng ăn cắp tiếp tục được nghi phạm này thuê các du học sinh về nước làm nhiệm vụ xách tay về Việt Nam và trả công bằng vé máy bay.

Cảnh sát nhận định đây là một nhóm tội phạm có tổ chức, chủ động tuyển các du học sinh có điều kiện tài chính hạn hẹp tham gia. Những nghi phạm bị bắt đều thừa nhận hành vi của mình và khai rằng họ muốn "kiếm tiền đóng học phí và trang trải sinh hoạt". 

Lao động Nghệ An làm việc ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Lao động Nghệ An làm việc ở Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Tương tự nạn trộm cắp, lao động bỏ trốn là tình trạng uống rượu rồi gây gổ đánh nhau khi đang làm việc ở xứ người. Gần một năm trước, vào đúng đêm Noel, vụ ẩu đả giữa một nhóm người Việt Nam và Thái Lan đã khiến anh Nguyễn Đình Liên (21 tuổi, quê phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) thiệt mạng. Đêm hôm đó, khi Liên đang ngủ thì nhận được điện thoại kêu cứu của một người bạn đồng hương. Chạy tới quán nhậu thì thấy hai nhóm thanh niên đang hỗn chiến. Trong lúc ẩu đả, Liên bị đánh trọng thương và tử vong sau gần một giờ cấp cứu…

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã nghe được rất nhiều thông tin về nạn trộm cắp cũng như bỏ trốn của lao động Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng ở bên đó. Trước thực trạng này, Sở cũng đã gửi khuyến cáo đến các địa phương tuyên truyền người dân, lao động về tập quán, pháp luật cũng như ý thức trước khi sang đây làm việc. Sắp tới, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tìm cách giải quyết thực trạng này bởi nếu cứ kéo dài, chúng tôi e ngại phía Nhật Bản sẽ đưa ra các “lệnh cấm” như Hàn Quốc đang làm với lao động của một số địa phương”, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói. 

Tiến Hùng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới