Nhiều trường học ở Nghệ An chưa triển khai xã hội hóa đầu năm học mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) -Việc chưa triển khai thu xã hội hóa đầu năm học mới nhằm mục đích giãn các khoản thu và giảm áp lực cho phụ huynh đầu năm học mới. Năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ban, ngành liên quan cũng sẽ tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra để tránh tình trạng lạm thu.

Giãn các khoản thu xã hội hóa

Những năm qua, khoản thu xã hội hóa cũng là khoản thu nhận được nhiều sự quan tâm của phụ huynh. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nhiều trường học ở Nghệ An chưa triển khai thu xã hội hóa. Một phụ huynh có con đang học tại một trường THPT công lập ở thành phố Vinh cho biết: Các năm trước, trường con tôi thường thu khoảng 1 triệu đồng/em tiền xã hội hóa đầu năm học mới. Nhưng năm nay, nhà trường thông báo chưa triển khai. Tôi cũng hy vọng mức thu năm nay không quá cao để bớt áp lực cho phụ huynh.

Tìm hiểu tại nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này nhiều trường đều chưa triển khai các khoản thu xã hội hóa đầu năm học mới. Thậm chí, có một số trường đang có kế hoạch không thu xã hội hóa trong năm học này. Qua tìm hiểu tại Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay chưa có trường nào được Sở phê duyệt kế hoạch xã hội hóa giáo dục. Vì vậy, nếu trường nào thực hiện các khoản thu là trái với các văn bản hướng dẫn.

IMG_9850.JPG
Hiện nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa triển khai thu xã hội hóa để giảm áp lực cho phụ huynh. Ảnh: Mỹ Hà

Không chỉ các trường THPT, nhiều địa phương cũng chưa có kế hoạch thu xã hội hóa trong học kỳ I. Tại huyện Nghĩa Đàn, qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Hiện nay, chưa có trường nào được phòng phê duyệt kế hoạch xã hội hóa nên việc thu xã hội hóa chưa triển khai ở cơ sở. Để đảm bảo việc thu, chi đầu năm đúng kế hoạch, huyện Nghĩa Đàn cũng đã ra văn bản hướng dẫn và yêu cầu các nhà trường cần tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh để tổ chức thực hiện đối với các khoản thu hộ - chi hộ. Việc thực hiện các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động của cơ sở giáo dục phải trình UBND huyện thống nhất bằng văn bản trước khi tổ chức thực hiện.

Theo hướng dẫn của huyện Nghĩa Đàn, năm nay các cơ sở giáo dục phải niêm yết công khai các khoản thu và đóng góp ít nhất 7 ngày trước khi thực hiện và thông báo để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Bản niêm yết phải ghi rõ các khoản thu, mức thu (nếu có), khoản đóng góp, đối tượng và mục đích sử dụng, nội dung chi, mức chi và các thông báo khác nếu có.

Đặc biệt, để tránh tình trạng một số cơ sở giáo dục đang dự định đề ra các mức thu xã hội hóa đầu năm học mới khi chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền, Công an huyện Nghĩa Đàn cũng đã có văn bản tăng cường quản lý thu, chi.

Trong đó đề nghị nhiều ban ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục cần tiến hành rà soát, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thu chi, kêu gọi xã hội hóa khi chưa được phê duyệt. Tuyệt đối không để các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các khoản thu chi sai quy định, gây áp lực và dư luận không tốt trong nhân dân, làm phát sinh phức tạp về an ninh trật tự.

z4749822772531_74b4139a4f32184dbef7bb6a11a539f0.jpg
Việc triển khai xã hội hóa ở các nhà trường phải đảm bảo đúng mục đích. Ảnh: Mỹ Hà

Một số huyện khác như Quỳnh Lưu, Nam Đàn cũng dự kiến phải từ tháng 11 hoặc cuối học kỳ I mới phê duyệt kế hoạch xã hội hóa cho các nhà trường.

Ông Trần Xuân Nhương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cho biết: Ngoài hướng dẫn thu chi của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Quỳnh Lưu cũng đã ra văn bản nhằm quản lý công tác thu, chi trên địa bàn. Quan điểm của huyện đó là việc triển khai thu, chi phải công khai minh bạch, sử dụng đúng mục đích. Về các khoản tài trợ, chúng tôi yêu cầu không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Tuyệt đối không lợi dụng việc tài trợ cho cơ sở giáo dục để ép buộc đóng góp. Bên cạnh đó, kịp thời hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo tất cả học sinh được đi học đầy đủ. Hiện Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng để nhân dân phản ánh các hiện tượng thu, chi không đúng quy định. Trong đó có cả số điện thoại của lãnh đạo phòng giáo dục.

Việc triển khai các khoản thu phải đúng mục đích

Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2023 - 2024, khoản thu tài trợ cho các cơ sở giáo dục (hay còn gọi là xã hội hóa) là khoản thu theo hình thức tự nguyện. Trong đó, theo quy định, việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm). Bên cạnh đó, không được lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).

bna_Các khoản thu đầu năm học phải được công khai trong toàn phụ huynh. Ảnh - PV.jpeg
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo các khoản thu phải được thông qua phụ huynh, có sự bàn bạc, giám sát. Ảnh: P.V

Để việc triển khai các khoản thu xã hội hóa trong nhà trường đảm bảo đúng theo yêu cầu, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc 6 bước. Trong đó, bước một, các cơ sở giáo dục phải thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Trên cơ sở đánh giá kết hợp với dự báo quy mô phát triển của đơn vị để xác định nhu cầu cơ sở vật chất cần bổ sung. Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ.

Việc triển khai sau đó, phải báo cáo và được Phòng giáo dục và Đào tạo hoặc Sở giáo dục và Đào tạo phê duyệt trước khi tổ chức thu vận động. Các bước còn lại, phải công khai với phụ huynh tại cuộc họp phụ huynh, thành lập tổ tiếp nhận tài trợ, lập kế hoạch sử dụng tài trợ. Sau khi hoàn thành công việc, các cơ sở giáo dục niêm yết công khai và báo cáo quyết toán kinh phí và kết quả thực hiện với cha mẹ người học, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.

Về các khoản thu chi đầu năm học mới, Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Hiện một số trường đã triển khai họp phụ huynh nhưng nhiều nhà trường vẫn chưa triển khai do đang xây dựng kế hoạch trình chính quyền địa phương, Phòng và Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Điều này được xem là một tín hiệu tích cực, cho thấy việc chấp hành nghiêm túc các quy định.

Quan điểm của ngành đối với các khoản thu tự nguyện là đảm bảo nguyên tắc: Minh bạch, công khai, tự nguyện, không quy định mức thu bình quân, tối thiểu... Đồng thời giãn các khoản thu, tránh tập trung vào dịp đầu năm gây áp lực cho phụ huynh.

DSCF7889.JPG
Theo quy định, các trường THPT sẽ do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt kế hoạch xã hội hóa. Trong khi đó, các trường từ mầm non đến THCS, thẩm quyền phê duyệt là các Phòng Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Mỹ Hà

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nói thêm: Trước đó, qua nắm bắt thông tin, có một số đơn vị có cách thức triển khai chưa hợp lý, chưa đúng trình tự, quy định theo hướng dẫn. Các trường hợp này, Sở đã trực tiếp nhắc nhở và chấn chỉnh. Đồng thời lưu ý các trường khi triển khai trong thời gian tới cần có kế hoạch thu chi phù hợp, đúng quy trình, đảm bảo đúng mục đích.

Trong quá trình phê duyệt kế hoạch xã hội hóa của các nhà trường, Sở và các phòng cũng tính toán, rà soát, xem xét trên cơ sở thực tế của nhà trường và điều kiện của phụ huynh học sinh, tránh lạm thu trong ngành Giáo dục. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thu chi đầu năm, kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai, xử lý hoặc đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định.

Tin mới