Xã hội hóa giáo dục và những cách làm hiệu quả ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Xã hội hóa giáo dục là cụm từ được nói đến khá nhiều trong thời điểm đầu năm học. Nhưng, tại nhiều trường học ở Nghệ An, việc xã hội hóa đang được nhiều trường học, nhiều địa phương triển khai với cách làm hiệu quả bằng chính sự tâm huyết với học trò.

Sân bóng nhân tạo cho học trò vùng khó

Cuối tháng 8 vừa rồi, Giải bóng đá Búp Sen Xanh dành cho tất cả các trường tiểu học lần đầu tiên được tổ chức tại huyện Nam Đàn và thu hút đông đảo sự tham gia của rất nhiều học sinh. Đây cũng là lần đầu tiên, một giải đấu được triển khai mà Ban tổ chức không phải lo lắng về kinh phí hay sân bãi dù vòng loại của giải được tổ chức theo từng cụm, nhiều cụm nằm ở vùng khó khăn. Tất cả các trận đấu đều được tổ chức tại Sân bóng nhân tạo ngay tại các trường tiểu học.

Đến thời điểm này, Nam Đàn là địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh đã “phủ” sân bóng nhân tạo ở 23/23 trường tiểu học trên toàn huyện. Hiện, hai sân bóng khác cũng đang chuẩn bị được xây dựng tại Trường THCS Đặng Chánh Kỷ và Trường THCS Anh Xuân. Kinh phí để xây dựng 23 sân bóng này khoảng 6 tỷ đồng và hoàn toàn đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa do Quỹ Búp Sen Xanh trao tặng.

Những sân bóng nhân tạo là ước mơ của những học sinh nghèo vùng nông thôn và nay đã thành hiện thực ở huyện Nam Đàn. Ảnh: CSCC

Những sân bóng nhân tạo là ước mơ của những học sinh nghèo vùng nông thôn và nay đã thành hiện thực ở huyện Nam Đàn. Ảnh: CSCC

Trước đó, việc xây dựng một sân cỏ nhân tạo là một ước mơ khá xa vời với tất cả các trường học trên địa bàn huyện bởi ngân sách huyện hạn hẹp, kinh phí đầu tư cho các trường học gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc xây dựng sân bóng nhân tạo từ nguồn xã hội hóa trong phụ huynh là điều khó khả thi do điều kiện người dân vùng nông thôn còn nhiều vất vả. Với mong muốn học sinh của huyện Nam Đàn có một sân chơi thể thao để có thể phát triển toàn diện, tránh xa các tệ nạn xã hội và phát triển thể chất, Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn đã kết nối với Quỹ Búp Sen Xanh do những người con Nam Đàn xa quê sáng lập để ủng hộ xây dựng sân bóng nhân tạo cho học sinh. Ý tưởng nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần và chỉ trong gần 2 năm, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã có sân cỏ nhân tạo để phục vụ cho các em học thể dục và triển khai các hoạt động văn hóa, thể thao khác. Ngoài ra, Quỹ Búp Sen Xanh cũng đã hỗ trợ tất cả các Trường THCS trên địa bàn huyện phần mềm học liệu sổ dạy học Tiếng Anh, góp phần nâng cao chất lượng học Tiếng Anh ở các nhà trường.

Lễ cắt băng khánh thành sân bóng đá nhân tạo ở Trường Tiểu học Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: CSCC

Lễ cắt băng khánh thành sân bóng đá nhân tạo ở Trường Tiểu học Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: CSCC

Qua quá trình thực hiện, ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn nói thêm: Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản khác. Chính vì thế, khi kết nối với những nhà tài trợ chúng tôi cố gắng để các mạnh thường quân hiểu được vai trò của giáo dục và tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực mà việc tài trợ mang lại cho các nhà trường. Khi đã được hỗ trợ, chúng tôi cũng yêu cầu các trường cần phát huy hiệu quả của công trình, giúp học sinh có không gian, cơ hội chơi bóng đá ngay tại trường học. Quá quá trình thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả như mong đợi.

Xã hội hóa thực chất, hiệu quả

So với nhiều trường học khác trên địa bàn, Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân (Thanh Chương) gặp nhiều khó khăn hơn từ chất lượng đầu vào, điều kiện gia đình học sinh. Hiện nay, trường đang có gần 70 học sinh là con em dân tộc thiểu số ít người ở xã Ngọc Lâm đến học và ở trọ gần trường.

Các lớp học ở Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân đã được trang bị hiện đại từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Mỹ Hà

Các lớp học ở Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân đã được trang bị hiện đại từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Mỹ Hà

Từ thực tế trên, việc vận động xã hội hóa để đóng góp mua sắm cơ sở vật chất trong trường học cũng gặp nhiều vất vả. Mặc dù vậy, trong năm học này, nhà trường đã hoàn tất việc trang bị đủ ti vi và bảng kéo cho 24 lớp trong nhà trường, giúp cho việc tổ chức dạy và học hiệu quả.

Qua quá trình triển khai, thầy giáo Nguyễn Văn Thuần - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi xác định, để xã hội hóa nhận được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh thì phải công khai, minh bạch và đúng địa chỉ, tránh tình trạng lạm thu và phải thông qua trước cuộc họp phụ huynh để phụ huynh hiểu và thấy được hiệu quả thiết thực của việc xã hội hóa. Về phía các giáo viên, họ cũng là người tiên phong trong thực hiện, nhiều giáo viên trích một phần lương của mình để cùng chung tay với phụ huynh mua sắm trang thiết bị cho lớp học. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động các nguồn từ cựu học sinh của trường, triển khai nhiều chương trình để huy động quỹ ủng hộ những học sinh nghèo, khó khăn.

Trong 2 năm qua, hơn 6 tỷ đồng đã được Trường THPT Thanh Chương 3 vận động để tu sửa trường lớp và mua sắm cơ sở vật chất. Tất cả đều từ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Trong 2 năm qua, hơn 6 tỷ đồng đã được Trường THPT Thanh Chương 3 vận động để tu sửa trường lớp và mua sắm cơ sở vật chất. Tất cả đều từ nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường. Ảnh: Mỹ Hà

Trước thềm năm học mới, Trường THPT Thanh Chương 3 cũng đã hoàn thành việc tu sửa cơ sở vật chất trong từng lớp học, sắm đủ ti vi, bảng trượt và đưa vào sử dụng phòng Tiếng Anh hiện đại để giúp học sinh học tập hiệu quả. Toàn bộ công trình ý nghĩa với tổng giá trị gần 6 tỷ đồng là số tiền mà nhà trường huy động được từ nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh nhà trường và các nhà hảo tâm.

Ngoài giúp đỡ về cơ sở vật chất, nhà trường còn kết nối với một số doanh nghiệp quê ở Thanh Chương tạo điều kiện cho những học sinh nghèo của trường vay vốn khi các em đậu đại học. Từ 2 năm trở lại đây, những bữa cơm yêu thương do công đoàn nhà trường tổ chức với hàng nghìn suất ăn cũng được triển khai từ đóng góp của các nhà hảo tâm và các tổ chức, doanh nghiệp. Hiện, nhà trường có Ban liên lạc cựu học sinh ở nhiều địa phương trong cả nước để kết nối với các học sinh, con em thành đạt và đây là một trong những cơ sở để nhà trường kêu gọi hỗ trợ, giúp đỡ với mục đích giúp cho sự học ở huyện nhà ngày một phát triển.

Bữa cơm yêu thương được tổ chức từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: CSCC

Bữa cơm yêu thương được tổ chức từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: CSCC

Trong những năm trở lại đây, trên toàn tỉnh Nghệ An, đã có hàng chục trường học và rất nhiều công trình ý nghĩa ở các nhà trường được thực hiện từ nguồn xã hội hóa như mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất, xây dựng bể bơi cho học sinh hoặc trao học bổng cho học sinh nghèo.

Điều đáng nói, việc xã hội hóa này không phải vận động từ phụ huynh mà từ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân của những người con xa quê có tấm lòng quan tâm tới giáo dục.

Trường THPT Nghi Lộc 2 là ngôi trường công lập đầu tiên của tỉnh tiên phong đưa bể bơi vào nhà trường. Bể bơi rộng 800m2 được đầu tư quy mô là công trình được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa do cựu học sinh nhà trường chung tay đóng góp. Ảnh: Mỹ Hà

Trường THPT Nghi Lộc 2 là ngôi trường công lập đầu tiên của tỉnh tiên phong đưa bể bơi vào nhà trường. Bể bơi rộng 800m2 được đầu tư quy mô là công trình được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa do cựu học sinh nhà trường chung tay đóng góp. Ảnh: Mỹ Hà

Qua quá trình thực hiện, nhiều hiệu trưởng cũng cho rằng để xã hội hóa hiệu quả thì cần nhất phải là sự tâm huyết, trách nhiệm của cả người huy động và cả người tham gia và xã hội hóa phải thực chất, phát huy được ý nghĩa của món quà được trao tặng.

Những công trình ý nghĩa này cũng đã giúp cho các nhà trường, phụ huynh, học sinh có thêm động lực cố gắng, nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường và tăng cường tính kết nối giữa các thế hệ học sinh và phát huy được truyền thống hiếu học của người dân địa phương./.

Tin mới