Nhớ một thời ‘An - Ngãi quật khởi’, ‘Lam - Trà nổi sóng’

(Baonghean.vn) - “Tôi về thăm quê hương kết nghĩa Nghệ An/ Tưởng như về quê hương mình Quảng Ngãi/ Đất với đất trong tình thời đại/ Người với người trong nghĩa Bắc Nam/ Hai tỉnh chúng mình như hai đồng chí/ Nước sông Trà hòa lẫn nước sông Lam/ Từng huyện một cũng thấm tình em chị”… Đây là những vần thơ mở đầu bài: “Thăm quê hương kết nghĩa” viết vào tháng 8/1963 cảm nhận về nghĩa tình sắt son Nghệ An - Quảng Ngãi của thi sĩ Tế Hanh - một người con “núi Ấn, sông Trà” tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ 1954.

“Là cây một cội, là con một nhà”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước bị chia cắt bởi giới tuyến tạm thời chứ không chia rẽ tình cảm ruột thịt của Nhân dân hai miền Bắc - Nam. Lúc đó, ở miền Bắc phát động nhiều phong trào vì miền Nam ruột thịt, tiêu biểu là phong trào kết nghĩa Bắc - Nam. Hà Nam là nơi khởi xướng phong trào. Ngày 2/4/1959, tại thị xã Phủ Lý, với sự chứng kiến của đại biểu Ban Thống nhất Trung ương, tỉnh Hà Nam và đại diện tỉnh Biên Hòa đã tổ chức lễ kết nghĩa giữa hai địa phương.

Cũng từ đây thổi bùng lên phong trào các địa phương miền Bắc kết nghĩa với các địa phương miền Nam như: Hải Phòng - Đà Nẵng; Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên, Thanh Hóa - Quảng Nam, Hà Tĩnh - Bình Định, Hà Giang - Lâm Đồng… Hà Nội - Huế - Sài Gòn, ba địa phương đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, những thành phố cuối cùng trong cả nước tổ chức lễ kết nghĩa vào ngày 8/10/1960 tại Câu lạc bộ Ba Đình, Hà Nội.

Báo Nhân dân số ra ngày 5/1/1961 đưa tin nhân dân Nghệ An rầm rộ tiến vào chiến dịch An - Ngãi quật khởi.
Báo Nhân dân số ra ngày 5/1/1961 đưa tin nhân dân Nghệ An rầm rộ tiến vào chiến dịch An - Ngãi quật khởi.

Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam đã tạo nên sức mạnh to lớn cho Nhân dân hai miền chung lưng đấu cật trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhân dân miền Bắc ra sức lao động sản xuất, “mỗi người làm việc bằng hai”, chi viện sức người, sức của để miền Nam “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”; đón nhận, nuôi dưỡng cán bộ, con em miền Nam tập kết ra Bắc… Ở miền Nam, quân và dân cũng ra sức đấu tranh cho thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Phong trào kết nghĩa là lời tuyên bố đanh thép với đế quốc và tay sai về sức mạnh to lớn của tình đoàn kết, gắn bó keo sơn của toàn thể dân tộc Việt Nam, là cây một cội, là con một nhà, không kẻ thù, thế lực nào có thể chia cắt. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ sục sôi ấy, Nghệ An - Quảng Ngãi - hai địa phương sớm có những ân tình lịch sử, trở thành cặp tỉnh kết nghĩa. Suốt những năm tháng đó, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phát động nhiều phong trào lớn vì Quảng Ngãi và miền Nam ruột thịt.

“Tình kết nghĩa thấm sâu vào nhịp sống”

Trong kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh Quảng Ngãi luôn đi cùng với quyết tâm, các phong trào của dân và quân Nghệ An gắn với nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Cách đây tròn 60 năm Báo Nhân dân  số ra ngày Thứ Năm (5/1/1961) đăng tải những dòng tin ngắn: “Tiếp theo thắng lợi của chiến dịch “Tiếng trống Xô viết”, tỉnh Nghệ An đã mở chiến dịch An - Ngãi quật khởi” vào ngày 1/1/1961. Chiến dịch này nhằm phát huy truyền thống bất khuất của Nhân dân Nghệ An và nhân dân Quảng Ngãi (một tỉnh kết nghĩa anh em với tỉnh Nghệ An), đẩy tới cao trào sản xuất năm 1961, làm cho tỉnh Nghệ An tiến tới hoàn toàn tự túc về lương thực”.

Với tinh thần “Nghệ An - Quảng Ngãi anh hùng, trên đường tranh đấu chung lòng sắt son”, với ý chí “dũng cảm như chiến sỹ Xô Viết, kiên quyết như du kích Ba Tơ”, cán bộ, Nhân dân và Bộ đội Nghệ An đã hăm hở ra đồng sản xuất giữa tiếng chiêng, trống, tù và rung chuyển như những ngày Võ Liệt, Thanh Chương, Ba Tơ năm cũ.

Nông dân Nghệ An với phong trào
Nông dân Nghệ An với phong trào "Lam - Trà nổi sóng". Ảnh tư liệu

Từ chiến dịch “An - Ngãi quật khởi” đã góp phần xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật đáng kể, tạo bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh- quốc phòng trong thời gian thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội (1961 - 1965) trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cũng như chuẩn bị điều kiện để bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975).

Thời kỳ này, trước tình hình đế quốc Mỹ gây ra cuộc chiến phá hoại miền Bắc bằng không lực, dưới làn mưa bom của kẻ thù, các phong trào thi đua yêu nước và cách mạng trên các mặt trận sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng ra trận vẫn được phát động sôi nổi, rộng khắp ở Nghệ An, quyết tâm phấn đấu với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến! Tất cả để giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc".

Đặc biệt, sau “An - Ngãi quật khởi” là Chiến dịch “Lam - Trà nổi sóng” (đặt theo tên sông Lam ở Nghệ An - sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi) đã làm nên một khí thế sôi nổi như nhà thơ Tế Hanh xúc cảm: “Từng công trường, từng hợp tác xã thi đua/ Tình kết nghĩa thấm sâu vào nhịp sống/ Đất Nghệ An quê bạn nở thêm mùa”…

Kết nghĩa Nghệ An - Quảng Ngãi không dừng lại ở mức độ cấp tỉnh mà còn lan tỏa xuống tận cấp huyện như: huyện Quỳnh Lưu - Bình Sơn, Nam Đàn - Mộ Đức, Nghĩa Đàn - Ba Tơ, Quỳ Châu - Trà Bồng… Giờ đây khi đến huyện Quỳnh Lưu, chúng ta thấy con kênh tiêu Bình Sơn giải quyết úng lũ cho 5 xã trung tâm vùng nông giang của huyện với diện tích hơn 2.000 ha được đặt theo tên một huyện ở Quảng Ngãi, hay hồ An Ngãi ở xã Quỳnh Tân với trữ lượng trên 3 triệu m3 nước cũng được đặt tên ghép hai chữ cuối tên hai tỉnh. Những công trình thủy lợi quan trọng này được hình thành vào những năm 60 của thế kỷ trước gắn liền với tên tuổi của đồng chí Trương Kiện - thời điểm đó được Tỉnh ủy Nghệ An quyết định tăng cường về làm Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu.

Tương tự, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) có Đập ngăn mặn mang tên Quỳnh Lưu, được xây dựng từ công sức của hàng nghìn người dân và giúp đỡ sức người, sức của chí tình từ huyện kết nghĩa Quỳnh Lưu. Con đường dọc theo sông Trà Bồng đi qua trung tâm huyện Bình Sơn được đặt tên Quỳnh Lưu như một biểu tượng cho nghĩa tình thủy chung, son sắt giữa hai địa phương.

Những cô gái Trà Bồng trong Tổ phục vụ ăn uống năm xưa thăm lại địa điểm cửa hàng ăn uống nay là khách sạn Trà Bồng (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy
Những cô gái Trà Bồng trong Tổ phục vụ ăn uống năm xưa thăm lại địa điểm cửa hàng ăn uống -  nay là khách sạn Trà Bồng (TP. Vinh). Ảnh: Thành Duy

Thời điểm đó, để biểu thị tình đoàn kết với Quảng Ngãi, nhiều công trình, địa danh, đơn vị chiến đấu, phục vụ ở Nghệ An lấy tên một số địa phương ở Quảng Ngãi mà đến tận bây giờ vẫn còn hiệu hữu như: Hình ảnh “Sáu cô gái Trà Bồng” trong tổ phục vụ  ăn uống cho bộ đội trên đường chi viện miền Nam qua phà Bến Thủy. Dưới bom đạn khốc liệt của không quân Mỹ, cả 6 cô gái trong tổ đã được tổ chức làm lễ truy điệu sống trước khi nhận nhiệm vụ.

Ngày nay, địa điểm xưa là cửa hàng ăn ở TP. Vinh của “Sáu cô gái Trà Bồng” đã là khách sạn Trà Bồng (tên một huyện ở Quảng Ngãi). Hay ở huyện miền núi Tân Kỳ, có xã Nghĩa Hành thành lập từ năm 1969 cũng đặt theo tên huyện Nghĩa Hành ở Quảng Ngãi, rồi Nông trường Thanh niên An Ngãi được thành lập ngày 26/3/1972 từ cái tên cũng đã biểu thị mối quan hệ Nghệ An - Quảng Ngãi sắt son, nghĩa tình.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng càng gần đến ngày 30/4, tìm lại những mẩu chuyện của một thời kỳ đặc biệt ấy, để cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của đoàn kết, sức mạnh nghĩa đồng bào lớn lao đến nhường nào. Đó là cội nguồn để viết tiếp những chặng đường hôm nay và mai sau…

Tin mới