Niềm vui nơi xóm đạo

(Baonghean) - Vẹn toàn đạo lý “Kính Chúa, yêu nước”, những giáo dân mà chúng tôi gặp trong bài viết này đã biết vươn lên, tạo lập cuộc sống mới, góp phần thay đổi quê hương. Bình yên và an lành, hân hoan và tươi mới, ấy là những cảm xúc chân thực về những xóm giáo mà chúng tôi qua...

Những người bám biển ở Giáo xứ Trang Cảnh

Nằm ở nơi cửa sông Lam đổ ra biển, xóm Xuân Dương xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) thuộc Giáo xứ Trang Cảnh có 141 hộ với 667 nhân khẩu, trong đó có hơn 90% hộ dân theo đạo Thiên chúa. Chúng tôi đến đúng vào lúc các tàu thuyền của xóm trở về. Vừa kết thúc chuyến đi dài trên vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, ông Đậu Anh Thơ (63 tuổi) khéo léo neo tàu chắc chắn rồi cùng mọi người nhanh chóng chèo thuyền thúng trở vào bờ.

Ông Đậu Anh Thơ
Ông Đậu Anh Thơ chèo thuyền thúng vào bờ sau một chuyến khơi dài ngày.

Nở nụ cười hiền, ông khoe: “Chuyến này quả không tệ, thu nhập được 40 triệu đồng, tất cả cũng nhờ thời tiết thuận lợi”. Rồi ngay trên bãi biển đang tấp nập thuyền về, ông vui chuyện kể cho chúng tôi về đời lính, rồi 40 năm bám biển của mình. Ngày ấy, noi theo 2 người anh trai trong gia đình, 18 tuổi, ông Thơ tình nguyện nhập ngũ và được phân vào đơn vị 153 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau 8 năm, ông trở về quê hương, mang theo nhiệt huyết của người lính, sự gương mẫu của đảng viên, tích cực tham gia các hoạt động, trở thành đội trưởng đội tàu của hợp tác xã.

Ở Xuân Dương không chỉ có mình ông Đậu Anh Thơ từng tham gia quân đội, hầu hết các ngư dân ở đây đều trải qua đời lính trong quân ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với đất nước, họ trở về tham gia hoạt động sản xuất tại quê hương, là những ngư dân gắn chặt với sóng gió, biển cả, cùng hoạt động sản xuất trong đội tàu của hợp tác xã.

3
Ông Đậu Anh Thơ cùng vợ nối lại dây câu để chuẩn bị cho ngày ra khơi.

Trong số những người đàn ông của xóm Xuân Dương từng tham gia quân đội, tôi khá ấn tượng với ông Nguyễn Thắng Lợi. Ông Lợi đi lính tại Cam Ranh thuộc Vùng 4 Hải quân và đã từng là bộ đội Trường Sa. Sau 3 năm thực hiện nghĩa vụ, năm 1991 ông cùng với những người bạn trong xóm của mình là Đặng Văn Lợi, Đậu Văn Niệm, Đặng Văn Thông, Đậu Văn Trường, Đậu Toán trở về quê hương tham gia sản xuất tích cực cùng với đội tàu. 24 năm bám biển, những ngư dân ấy đã xem biển như một người bạn, cùng sẻ chia những vất vả, nhọc nhằn trên những chuyến tàu.

Bao đời nay người dân Xuân Dương đã gắn liền với biển. Hết thế hệ này, đến thế hệ khác, những người đàn ông xóm Xuân Dương, cứ hết thời lính là trở về làng đi biển. Như con trai ông Đậu Anh Thơ là Đậu Anh Tuấn (34 tuổi), sau khi xuất ngũ từ Trường Sa trở về năm 1998, anh ra nước ngoài xuất khẩu lao động một thời gian, trở về lại theo cha nối nghiệp đánh cá.

Ngư dân xóm Xuân Dương chủ yếu đánh bắt bằng hình thức câu các loại cá xuất khẩu như cá thu, cá mú, cá hồng, cá mực… Tuy lượng cá ít nhưng mang lại giá trị cao, lại dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ. Sau mỗi chuyến trở về, các tàu lại chọn cảng cá Cửa Hội là nơi để bán cho các lái thương từ nơi xa đến.

Không chỉ có mỗi hoạt động đánh bắt cá xa bờ, xóm Xuân Dương cũng phát triển với các hình thức dịch vụ khác  liên quan đến ngư nghiệp như mở kho đông lạnh để chế biến cá, các tiểu thương thu mua cá để đưa đi các chợ khác bán...

Ông Thơ cho biết: “Sở dĩ tất cả các tàu trở về cùng thời điểm này là bởi thời tiết sắp tới sẽ không thuận lợi, hơn nữa là sắp tới dịp Noel, mọi người về chuẩn bị cho lễ được đầy đủ, sung túc và dịp này huyện sẽ tổ chức cho các đảng viên công giáo họp mặt và tặng quà”.

Ông Đậu Hồng Kỳ (Hội Cựu chiến binh, Bí thư Chi bộ xóm Xuân Dương), cũng vừa trở về sau chuyến đi dài ngày trên biển cho biết: “Hiện xóm có tất cả 13 đảng viên, 47 người đã từng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự. Về sản xuất ngư nghiệp, xóm có 4 con tàu và 6 con thuyền với hơn 50 người tham gia lao động ngoài biển”.

Rời làng khi mặt trời bắt đầu đứng bóng, nhìn từ Giáo xứ Trang Cảnh, những con tàu với lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc trông thật kiêu hãnh. Phải rồi, ngoài mưu sinh, mỗi chiếc tàu trên  biển chính là cột mốc góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đó là điểm tựa thiêng liêng để ngư dân Xuân Dương tiếp tục bám biển, vươn khơi.

Đổi thay trên Giáo xứ Mô Vĩnh

Tạm biệt Xuân Dương, chúng tôi ngược lên Giáo xứ Mô Vĩnh (Thanh Chương). Giáo xứ Mô Vĩnh có gần 450 hộ, hơn 2.800 nhân khẩu, gồm 3 giáo họ: Mô Vĩnh, Bàn Thạch (ở xã Thanh Khê) và Ngọc Lâm (ở xã Thanh An). Có thể cảm nhận được bức tranh nông thôn đầy tươi tắn khi đi trên Giáo xứ Mô Vĩnh.

s
Một gia đình giáo dân ở Giáo xứ Mô Vĩnh.

Chúng tôi ghé gia đình anh Nguyễn Văn Thắng (ở xóm 7, xã Thanh Khê) - một trong những gia đình tiêu biểu vượt khó của giáo xứ. Cách đây mấy năm, gia đình còn sống trong căn nhà tranh tạm bợ, bao năm hưởng chính sách hộ nghèo, nhưng cho đến năm nay thì anh đã tự mình xóa tên ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Anh nói, cũng phải tự mình có tư tưởng thoát nghèo, rồi vận dụng, sáng tạo và năng động mà làm ăn. Các con anh, sau khi học xong, người thì anh lo cho đi xuất khẩu lao động, người thì cho học nghề mộc. Bằng sự cần cù, tháo vát của anh cùng mọi thành viên trong gia đình, mà kinh tế có những khởi sắc. Giờ đây, anh đã xây được nhà cửa khang trang, khu chăn nuôi hợp lý, mua sắm được nhiều đồ nội thất, gia dụng đắt tiền. Anh nói, chắc rằng năm nay chúng tôi sẽ đón Giáng sinh vui hơn tất cả mọi năm.

Ở Mô Vĩnh, mỗi giáo họ trong giáo xứ, tùy vào vị trí quần cư, truyền thống… mà có những “thế mạnh” riêng. Giáo họ Bàn Thạch, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có 8 liệt sỹ ngã xuống vì đất nước, nổi tiếng về nghề mộc với những sản phẩm như nhà thờ, mộc gia dụng… 15 hộ gia đình gắn bó với nghề mộc, mở xưởng tại nhà, đầu tư nhiều dụng cụ, máy móc, đáp ứng mọi nhu cầu thị hiếu, hàng năm đem lại nguồn thu nhập khá, trong đó không ít hộ có các thế hệ cùng nhau làm nghề.

Trẻ
Trẻ em ở Giáo xứ Mô Vĩnh háo hức với lễ Giáng Sinh.

Ngoài nghề mộc, nhiều hộ nhạy bén với thị trường, đã không ngừng mở mang dịch vụ, như hộ anh Bùi Thế Kỷ vừa mở xưởng sản xuất gạch không nung, vừa mua ô tô vận tải, để chở cho gia đình và chở thuê; hộ anh Ngô Viết Cấp vừa làm mộc, vừa chạy taxi… Trong sản xuất nông nghiệp có hộ chị Võ Thị Đức đã mạnh dạn đầu tư 200 triệu để xây dựng trang trại nuôi lợn, hàng năm xuất chuồng hàng trăm con lợn thịt, bên cạnh đó là vườn rau 5 sào với đủ các loại rau, năm qua cũng cho tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Giáo họ Ngọc Lâm ở xã Thanh An lại có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai lâm nghiệp. Giáo họ có 116 hộ, thì 80 hộ có vườn rừng từ 1 đến 10 ha, trong đó có 1 đến 2 ha chè, cho thu nhập bình quân hàng năm từ trồng rừng, chăn nuôi tổng hợp, khoảng 100 triệu đồng/hộ. Tiểu biểu có hộ anh Hoàng Văn Minh có thu nhập từ chè và cam là hàng trăm triệu đồng mỗi năm, ngoài ra còn có nhiều trâu, bò.

Hộ anh Nguyễn Văn Diễn giỏi chăn nuôi lợn, mỗi năm xuất chuồng khoảng 6 tấn lợn hơi cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình lại giữ vững nghề thủ công, sản xuất bún, bánh, để tạo công ăn việc làm và thu nhập thường xuyên cho gia đình, như hộ anh Nguyễn Hữu Huynh, Nguyễn Văn Đồng.

Trong phong trào xây dựng NTM, bà con trong giáo xứ đều tích cực tham gia, sẵn sàng hiến đất vườn, đất nông nghiệp, chặt cây, tháo dỡ bờ rào để nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Hòa, ông Hồ Sỹ Điều (xã Thanh An)… Để giải quyết việc làm, những năm qua, phong trào xuất khẩu lao động trong giáo xứ được đẩy mạnh, hiện có khoảng 70 hộ gia đình có con em đang lao động ở nước ngoài, trong đó nhiều nhà có từ 2 đến 3 người con.

Đời sống từng bước được nâng cao, nên công tác giáo dục cũng được giáo xứ chăm lo, phong trào khuyến học, khuyến tài được chú trọng, số lượng học sinh giỏi các cấp, học sinh đậu vào các trường đại học không ngừng tăng lên, riêng Giáo họ Ngọc Lâm hiện đang có 22 sinh viên theo học ở các trường đại học. Một số gia đình có 2 đến 3 con đã vào đại học như hộ ông Hồ Sỹ Luận (xã Thanh Khê), Trần Văn Hạnh (xã Thanh An).

Hàng năm, vào dịp tổng kết năm học phổ thông và năm học giáo lý, các em học sinh giỏi, đậu đạt vào các trường ĐH, CĐ đều được giáo xứ khen thưởng, tặng quà. Hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng được phát huy, lập hội bác ái, tổ chức quyên góp, gây quỹ, để thăm hỏi những người ốm đau, bệnh tật, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Ngô Trí Lịch - Phó Chủ tịch Hội đồng mục vụ Giáo xứ Mô Vĩnh cho biết: “Tuy còn không ít khó khăn trong xây dựng, phát triển kinh tế, nhất là vấn đề giao thông, nhưng bà con trong giáo xứ đã thực hiện tốt chủ trương giáo - lương đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo, từng bước phấn đấu để hàng năm đều có thêm những thành tích mới”. Ngày lễ Noel đang đến gần với bà con giáo dân, khắp nơi trong giáo xứ, mọi người đang trang hoàng rực rỡ đèn hoa, cây thông, máng cỏ, đón đợi một mùa Giáng sinh an lành, viên mãn.

 Vương Vân - Huy Thư

Tin mới