Nông dân Phúc Thành phát triển dịch vụ du lịch

(Baonghean.vn) - Để từng bước đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa 28 nhiệm kỳ 2015-2020, đi vào cuộc sống. Đồng thời phát huy tiềm năng du lịch trên địa bàn, xã Phúc Thành đã ban hành đề án số 02 về phát triển du lịch nhằm phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân

Vợ chồng anh Đinh Văn Xuân và chị Trần Thị Hường, xóm 15 xã Phúc Thành xuất thân từ nghề làm nông, nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, sinh thái của địa phương, năm 2015 gia đình anh đã mạnh dạn đứng ra nhận đấu thầu 300 m2 đất gần khu di tích lịch sử đền Đức Hoàng để kinh doanh dịch vụ du lịch. 

Lễ rước tại đền Đức Hoàng tại xã Phúc Thành - Yên Thành.
Lễ rước tại đền Đức Hoàng tại xã Phúc Thành - Yên Thành.

Tuy là một nghề mới du nhập, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình anh đã đầu tư trên 200 triệu đồng để cải tạo lại mặt bằng, xây dựng hàng quán kiên cố để  làm dịch vụ giữ xe, bán  hương, hoa, bánh trái, đồ uống giải khát... phục vụ du khách khi về  với di tích. 

Còn với ông Trần Thế Toàn ở xóm 13 cùng với 5 hộ dân trong xã đã mạnh dạn đứng ra đấu thầu 30 ha diện tích mặt nước của bàu Diệu Ốc để trồng giống sen  bản địa, riêng gia đình  ông có 4,5 ha. Qua gần 2 năm  nhận thầu, gia đình  đã đầu tư trên 60 triệu đồng để cải tạo ao đầm, nhân giống trồng sen, kết hợp với nuôi trồng thủy sản, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, riêng các sản phẩm của cây sen mỗi vụ cũng có từ 40-50 triệu đồng. 

Đáng ghi nhận là người dân đã từng bước hình thành ý thức trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, tạo dựng hình ảnh của một làng quê thân thiện. Đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch tâm linh gắn với  sinh thái mà địa phương đang hướng tới. 

Về xã Phúc Thành từ thời điểm tháng 5 đến tháng 7 ( âm lịch) du khách sẽ đắm mình trong hương sen ngào ngạt và tận hưởng những đặc sản  độc đáo của giống sen bản địa.
Về xã PhúcThành từ thời điểm tháng 5 đến tháng 7 (âm lịch) du khách được thưởng thức hương sen ngọt ngào và tận hưởng những đặc sản độc đáo của giống sen bản địa.

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân, cùng với kiến thiết, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới,  người dân xã Phúc Thành còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn, gìn giữ, khôi phục những nét văn hóa của quê hương.

Riêng làng Nam Chính hiện nay vẫn còn lưu giữ 15 ngôi nhà cổ độc đáo, cùng với đó là  nhiều vật dụng có niên đại hàng trăm năm tuổi và 8 giếng cổ được bà con trâm trọng gìn giữ. Chính vì vậy thời gian qua đã thu hút nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về đây tham quan, nghiên cứu đề tài khoa học, trở thành điểm du lịch cộng đồng đầy hấp dẫn.

Là một làng quê cổ, tâm phúc địa linh, trên địa bàn xã Phúc Thành có 7 di tích văn hóa lịch sử và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh và 3 di tích do địa phương quản lý. 

Đặc biệt ở đây có ngôi đền Đức Hoàng, nơi thờ Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và các bậc tiền nhân có công với dân, với nước. Hàng năm cứ vào dịp đầu xuân, lễ hội đền Đức Hoàng được tổ chức với quy mô cấp huyện, thu hút hàng ngàn du khách thập phương và bà con nhân dân đến vui chơi, thưởng ngoạn. 

Để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội, cùng với nguồn thu hút đầu tư của nhà nước và nguồn xã hội hóa, trong 2 năm qua xã Phúc Thành đã  tập trung đầu tư trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp một số di tích trọng điểm.

Trong đó ngân sách đầu tư của nhà nước 15,6 tỷ đồng đã hoàn thành dự án nâng cấp, tôn tạo di tích văn hóa lịch sử Phủ thờ Trần Đăng  Dinh, hiện tại địa phương đang tiếp tục xúc tiến dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng khuôn viên khu di tích đền Đức Hoàng với quy mô rộng gần 10 ha,  đáp ứng với nhu cầu du lịch tâm linh, sinh thái và hoạt động văn hóa  lễ hội. 

Di tích văn hóa lịch sử đền Đức Hoàng – một trong những điểm đến về văn hóa tâm linh.
Di tích văn hóa lịch sử đền Đức Hoàng – một trong những điểm đến về văn hóa tâm linh.

Ông Đinh Văn Dương – Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Phúc Thành  khẳng định, từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đến Đề án số 02 về phát triển du lịch của UBND xã bước đầu đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, trong đó người dân là chủ thể trong quá trình thực hiện. 

Nhờ đó hàng năm Phúc Thành đã đón gần 2 vạn lượt du khách về thăm quan, thưởng ngoạn; tạo việc làm từ 350 - 400 lao động trong thời điểm nông nhàn và phục vụ mùa lễ hội, từ đó nâng nguồn thu  từ dịch vụ kinh doanh du lịch của xã đạt trên 10 tỷ đồng mỗi năm.  

Để giữ gìn, phát huy truyền thống cao đẹp của quê hương, kết hợp phát triển kinh tế với chấn hưng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xã Phúc Thành đang tập trung quảng bá, thu hút đầu tư đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm và trình độ của người dân trong phục vụ các hoạt động du lịch.

Thái Dương

Đài TT-TH Yên Thành

TIN LIÊN QUAN

Tin mới