Nữ sinh lớp 9 đưa danh hiệu Thủ khoa môn Tiếng Anh về với huyện rẻo cao Kỳ Sơn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Với 15,15 điểm, Phan Thái Anh Thư, lớp 9B, Trường THCS thị trấn Mường Xén là nữ sinh duy nhất giành giải Nhất và là thủ khoa môn Tiếng Anh (bảng B) tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay. Phải chờ đến 14 năm, ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn mới một lần nữa đạt được thành tích này.

Học Tiếng Anh nơi cửa khẩu

Cho đến lúc này, Tiếng Anh vẫn là một môn “kén” người học ở huyện miền núi Kỳ Sơn. Với nhiều lý do khác nhau như thiếu giáo viên, điều kiện dạy và học chưa đảm bảo, việc học Tiếng Anh ở đây vẫn còn lạ lẫm với nhiều học sinh. Ngay cả khi đã tổ chức dạy học thì chất lượng học Tiếng Anh ở Kỳ Sơn vẫn còn khoảng cách khá xa với các huyện đồng bằng và nhiều huyện miền núi khác.

img-8797-8765-4876.jpg
Phan Thái Anh Thư là thủ khoa môn Tiếng Anh lớp 9 (bảng B) năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mỹ Hà

8 năm trước khi Phan Thái Anh Thư đang học lớp 2 và bắt đầu làm quen với Tiếng Anh, em cũng chưa được học Tiếng Anh ở trường. Mẹ em khi đó đang là giáo viên (môn Ngữ văn) và bố mẹ công tác trong ngành quân đội vì không muốn con bị tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa nên đã mua một app Tiếng Anh trên mạng với giá 500.000 đồng/năm cho con tự học.

Lúc mới tiếp xúc với môn học này, cô bé cho biết “em học hoàn toàn miễn cưỡng” vì đây là môn học hoàn toàn mới và em chưa nhận thức được sự quan trọng của Tiếng Anh. Sau này, làm quen thường xuyên, Anh Thư mới bắt đầu tìm thấy sự yêu thích. Động lực lớn nhất của em khi đó là muốn học Tiếng Anh thật giỏi để sau này được đi du học nước ngoài.

88bba3a9b1911dcf4480-253-163.jpg
Phan Thái Anh Thư và những người bạn đặc biệt em gặp ở Cửa khẩu Nậm Cắn. Ảnh: Gia đình cung cấp

Tiếp xúc với Tiếng Anh so với các bạn cùng trang lứa khá sớm nên khi lên lớp 3, trong lúc các bạn cùng trường đang bắt đầu với những bài học đầu tiên thì Anh Thư đã có thể tiếp cận với môn học này một cách dễ dàng. Vốn mạnh dạn, tự tin nên cuối cấp tiểu học, khi Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An tổ chức cuộc thi Tiếng Anh trên sóng truyền hình, Anh Thư không ngại ngần đăng ký tham gia.

Nhớ lại kỷ niệm này, Anh Thư cho biết: Thực ra khi đó, so với các bạn miền xuôi em nghĩ kiến thức, kỹ năng của em còn hạn chế so với các bạn rất nhiều. Nhưng khi tham gia cuộc thi em thực sự không lo lắng. Ngược lại em cảm thấy rất vui vì em có cơ hội được xuống thành phố, lần đầu tiên được vào trường quay của Đài PT-TH Nghệ An. Kết quả của em cũng không nằm ngoài dự đoán là nhận được giải Nhì vòng tuần.

Kể lại cả quá trình học Tiếng Anh, Anh Thư cũng chia sẻ có rất nhiều thời điểm em bối rối bởi ngoài kiến thức khá khiêm tốn em học ở trường, phần lớn thời gian Anh Thư đều học qua các phần mềm hoặc chương trình học trực tuyến. Dù gia đình đã cố gắng đầu tư, lựa chọn các chương trình phù hợp với độ tuổi nhưng Anh Thư tự nhận em không có nhiều môi trường để phát triển. Quan trọng hơn, ở Kỳ Sơn lúc bấy giờ phong trào học Tiếng Anh chưa nhiều, không có giáo viên nước ngoài, không có các bạn cùng trang lứa để có thể giao tiếp hàng ngày, vì thế các kỹ năng về nghe nói của Anh Thư khó có cơ hội được phát huy.

ac56ed44ff7c53220a6d-3146-2554.jpg
Những phút trò chuyện ngắn ngủi với người nước ngoài em gặp ở cửa khẩu giúp Anh Thư rèn luyện tốt các kỹ năng nghe, nói. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nói thêm về những hạn chế này, Anh Thư kể lại: Em nghĩ một học sinh học Tiếng Anh hiệu quả nghĩa là có khả năng sử dụng hàng ngày, có khả năng giao tiếp và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là bất ngờ hay sắp đặt thì mình có thể sử dụng Tiếng Anh thông thạo. Nhưng đây là điều khá khó khăn với em bởi em thiếu môi trường giao tiếp.

Vì yêu thích học Tiếng Anh nên thời điểm đó, Anh Thư luôn cố gắng kết nối để có nhiều cơ hội giao tiếp Tiếng Anh với mọi người. Tuy nhiên, những cuộc trao đổi qua mạng dường như chưa thỏa mãn cô học trò nhỏ này. Thấy con khao khát được nói, được trò chuyện, từ năm lớp 4, những ngày cuối tuần bố và mẹ em lại thay nhau chở xe máy vượt hơn 20 km từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu Nậm Cắn để con được gặp những người nước ngoài và tìm cơ hội trò chuyện.

Hành trình này bền bỉ kéo dài cho đến khi em học lớp 7 và những người làm việc ở cửa khẩu Nậm Cắn qua nhiều năm cũng đã quen với hình ảnh một cô bé còn rất nhỏ nhưng lại rất tự tin, mạnh dạn khi nói chuyện với người nước ngoài. Vốn Tiếng Anh và các kỹ năng nghe, nói của Anh Thư cũng tiến bộ lên từ đó.

432257577-1119977719198491-2124302260045191969-n-481-1582.jpg
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn khen thưởng cho giáo viên và học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Kỳ Sơn về thành tích tại Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 9, năm học 2023 - 2024. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Ở cửa khẩu Nậm Cắn có khá nhiều khách du lịch qua lại và họ chỉ dừng lại một thời gian rất ngắn. Nhưng không phải lần nào lên Nậm Cắn em cũng gặp may mắn vì có những buổi em lên nhưng không gặp người nào buộc phải quay về.

Khi mới bắt đầu nói chuyện vì quá nhỏ nên em cũng rất run và em không nói được nhiều. Có khi họ nói em cũng không hiểu và không phải ai cũng sẵn sàng trò chuyện với mình. Tuy nhiên, việc được gặp và trò chuyện với người nước ngoài thực sự là những bài học thực tế rất hiệu quả. Qua đó, không chỉ giúp em rèn luyện được kỹ năng mà còn giúp em hiểu hơn về văn hóa, về những chuyến đi mà họ đang trải nghiệm.

Em Phan Thái ANh Thư

Trong nhiều năm gắn bó với cửa khẩu Nậm Cắn, Anh Thư còn kể rằng em gặp rất nhiều người đem đến cho em những ấn tượng rất mạnh. Trong đó có một du khách người Đức “sinh cùng ngày, cùng tháng” với em và đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn hào hứng đi du lịch, khám phá các vùng đất mới. Từ câu chuyện của du khách này, em nhận ra rằng cuộc sống có rất nhiều điều thú vị và chỉ cần mình nỗ lực, mình đam mê thì có thể thực hiện được nhiều ước mơ, dù là ở bất cứ độ tuổi nào.

Rút ngắn khoảng cách

Những clip Anh Thư nói chuyện với người nước ngoài từ khi còn là cô bé mới 8,9 tuổi cho đến nay vẫn được chị Thái Hiền - mẹ của em giữ lại. Trong các video, có lúc cô bé ngồi cùng với các du khách ngay bên vệ đường, ăn mặc giản dị, cách phát âm chưa lưu loát nhưng vẫn tự tin trò chuyện.

img-8779-5713-4373.jpg
Ở lớp 9B, Anh Thư là một học sinh chăm chỉ, tự giác. Ảnh: Mỹ Hà

Lại có video quay lại bối cảnh bên một chiếc xe khách, cả em và người bạn mới quen đều nói chuyện vội vàng vì có lẽ xe không dừng được lâu. Cuộc nói chuyện dài nhất là cuộc trao đổi của em với hai du khách ở ngay nơi chiếc ghế làm thủ tục khi qua cửa khẩu. Lúc đó, vì mới bắt đầu trò chuyện nên Anh Thư chưa nói được nhiều và khá ngại ngùng. Tuy vậy, các du khách đến từ nước ngoài lại bày tỏ sự thích thú khi gặp một cô bé nhỏ tuổi xin được đến nói chuyện.

Nói về con gái của mình, chị Thái Hiền cũng cho biết: Khi mới đưa cháu lên cửa khẩu để được nói chuyện với người nước ngoài, vợ chồng tôi cũng khá bất ngờ. Nhưng nhìn hình ảnh cháu ham học và hào hứng kể với bố mẹ về những người nước ngoài mà cháu mới được gặp gỡ chúng tôi lại có động lực để đi cùng con trong hành trình này. Tôi nghĩ rằng, nếu không có sự đam mê, không có sự yêu thích thì con khó có thể bền bỉ kéo dài nhiều năm như vậy.

img-8793-7226-3827.jpg
Cô giáo Hương Giang là người hỗ trợ Anh Thư rất nhiều trong việc học ngữ pháp và rèn kỹ năng làm bài. Ảnh: Mỹ Hà

Vì sao lại chọn cửa khẩu làm nơi học Tiếng Anh, ngoài lý do đây là môi trường thuận lợi, thường xuyên có người nước ngoài qua lại thì một lý do khác của Anh Thư và gia đình, đó là vì tiết kiệm. Kể thêm về điều này, mẹ của em cho biết: Bố của Anh Thư là bộ đội và có thời gian đóng quân ở gần cửa khẩu. Một lần lên đó, tôi thấy có người nước ngoài qua làm thủ tục nên đã về kể với con. Đó cũng là lúc Anh Thư đã có một vốn từ kha khá và rất khát khao được giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình chúng tôi đều là công chức bình thường, thu nhập hạn chế nên để đăng ký một khóa học trực tuyến với người nước ngoài là quá đắt. Vì vậy, tôi đã đề xuất với con lên cửa khẩu để có thể được trải nghiệm với người thật, việc thật.

Để có thể học giao tiếp hiệu quả, mẹ Anh Thư đã lên mạng tìm hiểu kinh nghiệm. Vì vậy, dù không biết Tiếng Anh nhưng chị vẫn định hướng cho con khá bài bản như tìm tư liệu, khuyến khích con nói chuyện theo từng chủ đề để mở rộng vốn từ.

Mẹ em cũng kể lại rằng, ban đầu Anh Thư thường đi cửa khẩu một mình. Sau này em trai của Thư cũng thích Tiếng Anh nên thường xin mẹ và chị đi theo để luyện nói. Hôm nào may mắn thì cả hai sẽ gặp được một đến hai người nước ngoài để trò chuyện. Tuy vậy cũng có hôm không may mắn đợi cả buổi sáng nhưng không gặp người nào. Cũng không ít lần sau buổi gặp mặt, trên đường về Anh Thư khóc bởi lẽ buổi sáng hôm ấy chỉ gặp một người nước ngoài và em trai của mình lại giành hết phần nói nên cô bé không được luyện tập. Thường các buổi gặp mặt cũng rất ngắn chỉ kéo dài chưa đến 30 phút. Đó là lúc các chuyến xe chở khách tạm dừng để chờ làm thủ tục xuất cảnh…

Sau này khi dịch Covid-19 bùng phát, hành trình lên cửa khẩu học Tiếng Anh vào dịp cuối tuần của chị em Thư mới dừng lại. Hiện tại, với kỹ năng nghe nói khá thành thạo, ngoài học một số khóa học trực tuyến, chị em Thư tự luyện nói với nhau và ở nhà hai chị em phần lớn giao tiếp bằng Tiếng Anh.

Bền bỉ học Tiếng Anh nên ở huyện Kỳ Sơn, Anh Thư nổi lên như một trường hợp đặc biệt vì tại đây thật khó để có được một học sinh mới học cấp II đã có thể nghe, nói thành thạo.

Mẹ của Anh Thư còn kể thêm, trước đây Anh Thư chủ yếu học theo các chương trình nước ngoài, luyện 4 kỹ năng cơ bản của Tiếng Anh nên em không quá chú trọng vào ngữ pháp. Thời điểm em bắt đầu ôn thi học sinh giỏi, Thư cũng vừa trải qua 10 tháng ôn luyện để lấy chứng chỉ IELTS (Anh Thư đã có chứng chỉ IELTS 7.0) nên em không có nhiều thời gian ôn tập và khá yếu ngữ pháp. Trong khi đó, với nhiều người đều mặc định Thư đã đi thi chắc chắn sẽ đậu kết quả cao nên em thực sự lo lắng.

Thực tế, sau khi hoàn thành kỳ thi này, bước ra khỏi phòng thi Anh Thư đã khóc bởi phần thi nghe vốn là lợi thế, em không gặp may mắn. Ở phần ngữ pháp, Thư vẫn chưa hài lòng về mình vì em nghĩ mình chưa làm bài với phong độ tốt nhất.

Cô giáo Hương Giang - giáo viên dạy Tiếng Anh của Anh Thư cũng cho biết: Dù Thư rất buồn sau khi làm xong bài thi nhưng tôi luôn tin tưởng vào em, bởi Thư là một học sinh có tố chất, thông minh, chăm chỉ. Việc em đạt giải Nhất là hoàn toàn xứng đáng và chúng tôi càng vui hơn bởi em là học sinh duy nhất được giải Nhất ở bảng B và là thủ khoa ở kỳ thi này.

img-8799-693-2658.jpg
Anh Thư là học sinh đầu tiên của huyện Kỳ Sơn giành thủ khoa môn Tiếng Anh tại Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về cô học trò của mình, cô giáo Tiếng Anh của em còn đánh giá cao ở sự tự học và biết vượt lên khó khăn. Hơn thế, từ cách học Tiếng Anh của Anh Thư, cô giáo cũng mong rằng sẽ trở thành tấm gương để lan tỏa trong toàn huyện và từng làm thay đổi quan điểm, suy nghĩ của phụ huynh vùng khó đối với bộ môn khá đặc thù này.

Với kết quả này, phải chờ gần 14 năm qua, sau giải Nhất Tiếng Anh của nam sinh người Mông Vừ Y Hải, lần thứ 2 ngành giáo dục huyện miền núi Kỳ Sơn lại có thêm một học sinh đạt giải Nhất ở cuộc thi học sinh giỏi tỉnh. Dù bước đi còn chậm và đầy chông gai nhưng đây là những tín hiệu tích cực tạo động lực cho sự học ở huyện vùng cao còn nhiều khó khăn này.

Niềm vui như nhân lên bởi năm nay, lần đầu tiên thủ khoa Tiếng Anh gọi tên huyện miền núi Kỳ Sơn!./.

Tin mới