Hé lộ bí ẩn "ngôi làng ngủ"

(Baonghean.vn) - Kalachi - một thị trấn nhỏ nằm giữa thảo nguyên phía Bắc Kazakhstan đã trở thành một trong những địa điểm kỳ lạ nhất thế giới khi liên tiếp nhiều người dân của thị trấn này đột nhiên “ngủ thiếp đi” bất kể lúc nào.

Một đứa trẻ của thị trấn Kalachi mắc bệnh ngủ. Ảnh: RT.
Một đứa trẻ của thị trấn Kalachi mắc bệnh ngủ. Ảnh: RT.

Điều đáng nói là hiện tượng trên chỉ mới xuất hiện từ năm 2010 và bắt đầu phổ biến hơn kể từ tháng 3/2013. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân khiến người dân ở thị trấn Kalachi rơi vào trạng thái “ngủ”. Được biết, đã có hơn 150 người dân trong thị trấn mắc phải “bệnh ngủ” và trạng thái này có thể kéo dài trong vài giờ hoặc thậm chí lên đến 6 ngày.

Một số nhà khoa học phỏng đoán, các mỏ uranium cũ ở thị trấn ma Krasnogorsk, nằm ngay sát thị trấn Kalachi có thể là nguyên nhân dẫn đến “bệnh ngủ” của người dân. Tuy nhiên, giả thiết này đã bị bác bỏ ngay sau đó vì chỉ có khí carbon monoxit (CO) và hydrocarbon mới có thể khiến cho con người rơi vào trạng thái bất tỉnh chứ không phải là do uranium.

Theo thông báo mới nhất của cơ quan chức năng của Kazakhstan, nguồn gốc của “bệnh ngủ” đang dần được hé mở. Sau khi tiến hành một cuộc kiểm tra y tế tất cả người dân ở Kalachi, các bác sĩ đã phát hiện nguyên nhân của căn bệnh là do khí CO. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng viết báo cáo về việc nồng độ khí CO và hydrocarbon trong thị trấn đang này một tăng lên trong khi khí oxi lại giảm mạnh.

Ông Sergei Lukashenko - Phó giám đốc Trung tâm Quốc gia về an toàn hạt nhân cho biết, “bệnh ngủ” của người dân ở thị trấn Kalachi là do sự kết hợp của 3 yếu tố gồm sự thiếu oxi cộng với nồng độ khí CO và hydrocarbon trong không khí. Ông Lukashenko giải thích, nếu 3 yếu tố trên được tách riêng thì không gây ra ảnh hưởng lớn đến con người. Tuy nhiên, việc kết hợp cả 3 yếu tố đã khiến cho nhiều người dân ở Kalachi mắc phải “bệnh ngủ” cũng như khiến cho nhiều nhà khoa học không thể lý giải hiện tượng này.

Ông Lukashenko còn cho biết, các mỏ khai thác uranium cũ cũng góp phần gây ra “bệnh ngủ” ở Kalachi. Theo lý giải của ông, những mỏ khai thác này thường sử dụng gỗ khi hoạt động và khi đóng cửa, những thanh gỗ tiếp xúc với nước lâu ngày sẽ tạo ra khí CO rồi rò rỉ dần ra khỏi các khu mỏ.

Tuy nhiên, lời giải đáp trên vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục khi mà nhiều người tự hỏi: Làm thế nào mà một khu mỏ đã dừng hoạt động từ lâu lại có thể sinh ra quá nhiều khí CO như thế? Làm cách nào để quản lý các khu mỏ trên nếu thật sự lượng khí CO thoát ra khỏi các khu mỏ quá mạnh?

Trong khi bức màn bí ẩn về ngôi làng ngủ đang tiếp tục được các nhà khoa học vén lên thì chính quyền cho biết, họ đang bắt đầu sơ tán người dân ra khỏi khu vực Kalachi và Krasnogorsk. Hiện tại, đã có 68/223 hộ được di dời, những người còn lại sẽ được di chuyển vào năm tới.

Chu Thanh

(Theo Le Monde)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới