Hòa đàm Syria - không như kỳ vọng

(Baonghean) - Đại diện của Chính phủ Syria và lực lượng đối lập hiện vẫn có mặt tại Geneva, Thụy Sĩ để tham dự vòng đàm phán thứ 4 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp quốc nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, qua 4 ngày đàm phán tại Geneva mục tiêu đạt được không như kỳ vọng…  

Mục tiêu khiêm tốn

Vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sĩ diễn ra sau khi 2 vòng đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc cách đây chưa lâu. Với kết quả đạt được tại đàm phán Astana về việc duy trì lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria cùng sự yếu thế rõ rệt của phe đối lập trên chiến trường, vòng đàm phán tại Geneva lần này được cho là có bối cảnh thuận lợi hơn nhiều so với vòng đàm phán trước đó vào tháng 4/2016.

Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria Staffan De Mistura thừa nhận khó kỳ vọng vào kết quả vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ.Ảnh: Reuters
Đặc phái viên Liên Hợp quốc về Syria Staffan De Mistura thừa nhận khó kỳ vọng vào kết quả vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, bối cảnh thuận lợi mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ cho một vòng đàm phán thành công. Dù đại diện đoàn đàm phán của Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đã chấp nhận ngồi đối diện nhau trong phiên khai mạc - một bước tiến lớn so với tất cả các vòng đàm phán do Liên Hợp quốc bảo trợ trước đó, song họ vẫn mang tới bàn đàm phán những quan điểm quá khác biệt, trong đó quan trọng nhất là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al Assad. Nếu phe đối lập khăng khăng điều kiện tiên quyết cho một quá trình “chuyển tiếp chính trị” là Tổng thống Bashar al Assad phải ra đi, thì ngược lại, phe Chính phủ vẫn giữ vững quan điểm tương lai của ông Assad phải do người dân Syria quyết định. 

Bản thông Staffan de Mistura hiểu rằng, một khi chưa có bên nào nhượng bộ trong vấn đề này, việc tập trung thảo luận về tiến trình “chuyển tiếp chính trị” như dự kiến ban đầu chẳng khác nào “va đầu vào đá”. Bởi vậy, mục tiêu trước mắt trong những ngày này tại Geneva được ông Mistura hạ xuống mức thấp hơn nhiều - dù cho cũng không hề đơn giản, đó là đưa các lực lượng tham chiến tại Syria ngồi vào bàn đàm phán trực tiếp.

Sau các cuộc gặp gỡ riêng rẽ của từng bên với đại diện Liên Hợp quốc ngày 23/2, hai bên đã có ý định sẽ đàm phán trực tiếp trong ngày hôm sau là 24/2. Dù vậy cho đến thời điểm này, ý định này vẫn chưa chuyển thành hành động thực tế. Ngay trong tài liệu mà ông Staffan de Mistura gửi cho từng bên cũng mới có nội dung về phương thức đàm phán chứ chưa đề xuất bất kỳ giải pháp nào để giải quyết tình hình Syria hiện nay. 

Khó khăn chồng chất

Chưa bàn đến vấn đề mấu chốt nhất là tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al Assad, đại diện Chính phủ Syria và lực lượng đối lập vẫn còn hàng loạt khúc mắc để chấp nhận đàm phán trực tiếp. Trong khi phe đối lập yêu cầu các nước như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không được gây sức ép lên các cuộc đàm phán, thì ngược lại, Chính phủ Syria cũng yêu cầu điều tương tự từ phía Mỹ và các nước phương Tây.

Đây được cho là một yếu tố rất khó đạt được bởi từ lâu, cuộc chiến tại Syria đã được xem là một “cuộc chiến ủy nhiệm” của các thế lực bên ngoài. Không những vậy, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Syria tham gia hòa đàm tại Geneva, ông Bashar al-Jaafari còn đưa ra một yêu cầu rất khó định nghĩa là phe đối lập thể hiện sự “yêu nước và đoàn kết” để được coi là một đối tác đàm phán đầy đủ. 

Các vụ đánh bom tại Syria đang làm chệch hướng vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ.Ảnh: Reuters
Các vụ đánh bom tại Syria đang làm chệch hướng vòng đàm phán tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: Reuters

Khi cả hai bên vẫn còn đang “loay hoay” với các điều kiện của mình, vụ đánh bom kép tại thành phố Homs khiến 42 người thiệt mạng tiếp tục phủ bóng đen lên vòng đàm phán tại Geneva. Cả phía Chính phủ và lực lượng đối lập đều bày tỏ thái độ nghi ngờ đối phương đứng sau vụ việc này.

Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria Bashar al Jaafari khẳng định, vụ việc tại Homs không chỉ là một hành động khủng bố quân sự mà còn là một vụ tấn công chính trị. Ông cũng yêu cầu phe đối lập lên án cuộc tấn công khủng bố này như một cách chứng minh sự trong sạch của mình, không quên kèm theo cảnh báo về nguy cơ “bị Damascus xem là đồng phạm khủng bố và có hình thức đối phó thích đáng”. 

Trong khi đó, phe đối lập cũng “chĩa mũi dùi” về phía Chính phủ Syria, coi đây là một “chiêu trò” của chính quyền Damascus để ngăn cản các cuộc đàm phán tại Geneva. Đại tá Fateh Hassoun, một thành viên trong đoàn đàm phán của phe đối lập thẳng thừng cáo buộc: “Khu vực xảy ra vụ tấn công được đảm bảo an ninh rất tốt và luôn được Chính phủ giám sát chặt chẽ. Không một vụ tấn công nào có thể xảy ra tại khu vực này nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng an ninh giúp các đối tượng có thể thâm nhập vào khu vực này”. 

Dù cả đại diện Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đều cam kết sẽ không rời Geneva trước khi vòng đàm phán chính thức kết thúc, song khi không có niềm tin vào đối phương rất khó có thể kỳ vọng vào những thỏa thuận có ý nghĩa nào giữa các bên sau vòng đàm phán này. 

Thiếu vắng nhân tố Mỹ

Cho đến nay, thái độ của Mỹ đối với vấn đề Syria vẫn được coi là một “ẩn số”. Ngay cả khi các vòng đàm phán đang diễn ra hết sức căng thẳng tại Geneva, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào. Có một số lý do có thể lý giải cho sự trì hoãn này của Mỹ. Thứ nhất, cuộc chiến tại Syria là một vấn đề vô cùng phức tạp, vì vậy chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần có đủ thời gian nghiên cứu để đưa ra lập trường của mình.

Thứ hai, động đến vấn đề Syria là động đến quan hệ với Nga. Đây cũng là một bài toán rất khó mà ông Donald Trump cần phải khéo léo xử lý sau  khi tiếp quản Nhà Trắng. Thứ ba, hiện ông Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nội bộ đầy gai góc như hoàn thiện nội các, sắc lệnh di cư… Có lẽ vì thế nên hồ sơ Syria đang được xếp ở mức độ ưu tiên thấp hơn và sẽ cần thời gian chờ đợi. 

Không thể phủ nhận, Chính phủ Syria với sự hậu thuẫn của Nga đang có lợi thế trên bàn đàm phán. Song lợi thế này chưa thể chuyển thành ưu thế tuyệt đối nếu lực lượng đối lập chưa bị Mỹ tác động để chấp nhận nhượng bộ trên bàn đàm phán. Bởi vậy, như ông De Mistura đã thừa nhận, khó có thể kỳ vọng vào một sự đột phá tại vòng đàm phán tại Geneva. Khi chỉ còn vài ngày nữa là cuộc xung đột tại Syria bước sang năm thứ 7, người dân Syria - những người mong muốn hòa bình nhiều nhất sẽ lại phải tiếp tục chờ đợi, số năm chiến tranh mà họ trải qua có dừng lại ở số 7 hay không. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới