Quy mô đào tạo đại học chưa hợp lý, cần rà soát lại

Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo cũng như quy mô đào tạo của các trường ĐH hiện nay chưa hợp lý, cần rà soát lại.
Vì sao có quá ít Hội đồng trường?
Theo Điều lệ trường ĐH (Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/12/2014), Hội đồng trường có nhiệm vụ định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan trực tiếp quản lý trường, cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện bảo đảm chất lượng, các kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường; giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số trường ĐH công lập thành lập được Hội đồng trường chỉ đếm được trên đầu ngón tay. PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM thắc mắc: “Tại sao chỉ có 8 trường ĐH công lập có Hội đồng trường trong khi cả nước có đến hơn 400 trường ĐH, CĐ? Có một khó khăn hiện nay các trường đang phải đối mặt là quy định chỉ được phép bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường trong độ tuổi như các chức vụ khác. Tại sao không cho phép các GS, PGS, TS sau 60 tuổi được làm Chủ tịch Hội đồng trường?”
TS Lê Thế Đồng, Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định: Quy mô đào tạo hiện nay chưa hợp lý. Việc số lượng các trường ĐH và CĐ tương đương nhau khiến cho quy mô đào tạo đại học đang đi theo bề ngang mà không phải đi theo hình chóp. Chính thế, Bộ cần xem xét điều chỉnh lại cơ cấu các cơ sở ĐH hiện nay.
Cùng chung quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng nêu ý kiến phải sắp xếp cơ cấu lại các trường ĐH, đồng thời bày tỏ sự lo ngại khi các trường vẫn mở ngành theo lối truyền thống trong khi xu thế quốc tế là tích hợp các ngành nghề.
Mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga khẳng định, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, giữa các vùng, miền chậm được khắc phục; quy mô đào tạo khối ngành kinh tế tuy đã giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao…
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nhận xét, các ngành thật sự có nhu cầu nhân lực thì lại không hút được thí sinh như nông, lâm nghiệp, thủy hải sản. Các em vẫn đang bị cuốn đi theo trào lưu các ngành kinh tế vì nghĩ rằng học ngành đó sẽ dễ xin việc làm mà chưa có được định hướng đúng đắn.
ảnh minh họa.
ảnh minh họa.
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, Bộ cần sớm xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với khung trình độ tham chiếu ASEAN để trên cơ sở đó, các trường ĐH xây dựng được chuẩn đầu ra tương ứng của mình. Việc Bộ phân tầng các trường ĐH là cần thiết, tuy nhiên nên triển khai nhẹ nhàng hơn bởi mỗi trường (nghiên cứu - ứng dụng – thực hành) đều có tầm quan trọng và sứ mạng riêng.
Quan trọng nhất là việc triển khai đánh giá kiểm định. Bộ phải tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm định viên cả về số lượng và chất lượng, đồng thời cần xây dựng bộ công cụ đánh giá cấp chương trình. TS Nguyễn Quốc Chính cho biết: “Nếu đo bằng thước đo không hoàn chỉnh thì sẽ rất nguy hiểm cho chất lượng của trường ĐH đó”.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, các trường cần rà soát, điều chỉnh lại chương trình đào tạo bảo đảm tính phù hợp, thống nhất và hội nhập, có sự liên thông theo ngành, nhóm ngành với các chương trình đào tạo tương ứng của các cơ sở đào tạo khác; rà soát lại chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo đã công bố để điều chỉnh lại cho phù hợp với chuẩn kiến thức chung trên cơ sở Khung trình độ quốc gia, Khung trình độ tham chiếu ASEAN, có thể xác định chuẩn kiến thức đầu ra cao hơn chuẩn kiến thức tối thiểu để tăng tính cạnh tranh của sinh viên tốt nghiệp trên thị trường lao động.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN

Tin mới