Sáng ngời gương trung - hiếu - nghĩa từ lời di huấn cao cả

(Baonghean) - Trong số đại công thần dưới chế độ phong kiến Việt Nam nói chung, triều đại Lê sơ nói riêng, Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí là vị công thần đầu tiên được Truyền hình Việt Nam định danh là người hai lần khai quốc trong chương trình Danh nhân đất Việt.

Lần thứ nhất là với cương vị một kiệt tướng của phong trào khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu đến ngày toàn thắng giành lại non sông đất nước từ quân xâm lược nhà Minh. Lần thứ hai là người cầm đầu công cuộc phản đảo chính, diệt bọn phản tặc Phan Ban, Phạm Đồn, hạ bệ Lê Nghi Dân, đưa Lê Tư Thành lên ngôi là Vua Lê Thánh Tông trị vì 38 năm đã đưa đất nước phát triển thịnh vượng ngang tầm các nước thịnh vượng trong khu vực lúc bấy giờ.

Lễ rước trong Lễ hội đền Nguyễn Xí
Lễ rước trong Lễ hội đền Nguyễn Xí
Lời chế của Vua Lê Thánh Tông: “Xét (Nguyễn Xí) đây: Khí độ trầm hùng, tính người cương đại. Giúp Cao Hoàng khi mở nước, trăm trận gian nan. Phò tiên khảo lúc thủ thành, hết lòng giúp rập. Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều tưởng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh...” 

Với công lao hiển hách đó, Thái sư Cương Quốc công đã được đặt vao những, chức vị, tước vị cao hàng đầu dưới 4 triều đại Lê sơ. Và từ danh nhân, sau ngày qua đời, trở thành danh thần, Ngài được lập đền thờ theo chế độ "quốc tạo" (nhà nước xây dựng) và "quốc tế' (nhà nước tế lễ), được phong Thượng thượng đẳng tôn thần. Không một vương triều nào sau đó không phong thần. Triều đình nhà Nguyễn xây đền thờ Liệt đại đế vương tại kinh thành Huế. Ngài được thờ cúng cùng nhiều đại công thần hiển hách khác của lịch sử dân tộc như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... rất nhiều nơi trên đất nước có đền thờ Ngài. Sử sách không thời nào không tôn vinh. Trong quan hệ vua tôi, có lẽ không ai như Ngài có được sự đối xử phần nào vượt ra ngoài thông lệ như sự đối xử của đệ nhất minh quân Lê Thánh Tông với Nguyễn Xí qua những lời chế, ban mộ chí, hoành phi câu đối, sai một vị trạng nguyên viết văn bia để thờ.

Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Lễ hội đền Nguyễn Xí năm 2011
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Lễ hội đền Nguyễn Xí năm 2011

Cuộc đời của Thái sư Cương Quốc công là từ một cậu bé con một người diêm dân, mồ côi cả cha và mẹ năm 9 tuổi mà rồi trở nên một nhân vật lịch sử hiển hách. Mà từ đó, đã khai mở ra một dòng họ cũng hiển hách hàng đầu trên đất Lam Hồng thời trung đại: 59 vị tước công, 179 tước hầu, 141 vị tước bá, 7 vị tước tử, 37 vị tước nam. Địa vị cao sang hẳn sẽ đi đôi với có quyền lợi lớn lao.

Những thiết tưởng nếu chỉ là thế thì chưa hẳn đã được lịch sử tôn vinh tột độ. Bởi chức tước gắn với lợi lộc thì thời nào chẳng có nhưng dễ gì trường hợp nào cũng được tôn vinh. Quan trọng hơn, quyết định hơn còn là phải để lại gia phong gia đạo. Các thế hệ con cháu của Thái sư Cương Quốc công bao đời nay vừa tự hào, vừa biết ơn vô cùng vị thủy tổ đại tôn đại kính trước hết là để lại cho con cháu truyền thống gia phong, đạo lý từ bản Di huấn thiêng liêng của Ngài. Quả thật đây mới là di sản cao quý nhất.

Năm Ất Mùi này là đúng 550 năm mất (1465 - 2015), ngày giỗ là 30 tháng 10 âm lịch của Ngài, đọc Di huấn lại càng thấm thìa hơn nhiều về điều đó. Con cháu chúng tôi ai mà không sung sướng, không tự hào, không suy nghĩ, không tự vấn khi đọc lại những dòng Di huấn này:

"... Nay các ngươi trông thấy nhà đẹp ruộng tốt, giàu có thì phải nghĩ đến nỗi vất vả, chặt gai phá bụi của ta. Trông thấy cảnh ca nhi múa hát vui vẻ thì phải nghĩ đến thời ta phải gian khổ, nằm tuyết gối đòng. Ta thấy đời Đường (Trung Quốc) Lý Tĩnh là bậc danh tướng nhưng có hai con là Kính và Nghiệp phạm tội làm phản. Các ngươi cần lấy đó làm gương mà tránh. Đời Tống (Trung Quốc) có Tào Bân cũng là danh tướng nhưng có hai con là Xán và Vĩ lại bước lên đàn tướng lĩnh. Các ngươi nên sánh với họ. Các ngươi con cháu phải cẩn thận giữ gìn gia pháp, lấy đạo hiếu để lập công. Ấy là con hiền cháu thảo của ta. Nhược bằng trái lại, nếu ai gây đầu mối tranh giành nhau thì các ngươi phải làm biểu tâu lên triều đình về tội bất hiếu. Các người hãy cùng nhau ghi nhớ lời dạy này của ta, không được quên!...".

Ở đây chữ HIẾU không chỉ là đạo đức của con cháu đối với tổ tiên mà còn là đạo đức với triều đình từ công lao vĩ đại với dân tộc là lãnh đạo toàn dân đánh tan giặc ngoại xâm giành lại giang sơn đất nước. HIẾU như thế là với tổ tiên nhưng cũng là với Tổ quốc, nhân dân. Đại tộc Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí đã trở thành một dòng họ đại quý tộc nhưng là sản phẩm của chữ HlẾU mà cũng là chữ TRUNG chữ NGHĨA, kết hợp tư đức với công đức hài hòa nhuần nhuyễn là thế.

Giáo sư - NGND Nguyễn Đình Chú (bên trái) giới thiệu công trình Đại hồng chung
Giáo sư - NGND Nguyễn Đình Chú (bên trái) giới thiệu công trình Đại hồng chung

Như sử sách đã ghi rõ đây bản Di huấn được viết vào năm 1462 trước khi Ngài qua đời 3 năm. Viết xong lại được trình lên nhà vua xin xét duyệt và có dấu son xác nhận của vương triều. Một số nhà nghiên cứu đã cho đây không chỉ là di sản của họ tộc mà cũng là di sản quốc gia.

Đây là trường hợp để hiểu rõ hơn phần nào mặt phải của chế độ phong kiến thuở trước ít nhiều đã bị thời gian che khuất. Đấy là phong kiến nhưng đã anh dũng kiên cường chống giặc xâm lăng giải phóng Tổ quốc giang sơn. Phong kiến nhưng là phong kiến đức trị, đã từng cùng dân tộc tạo được một khí quyết đạo đức đậm đặc cho đất nước ở thời trung đại. Tiếc là càng về sau càng bị loãng dần.

Vị Thủy tổ Nguyễn Xí của chúng tôi như đã nói vốn xuất thân một gia đình lao động nghèo khổ, lại sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải rời quê hương ra xứ Thanh làm gia nhân, gia nô cho Đức Lê Lợi ngày còn là vị hào mục, lấy đâu ra điều kiện được học hành như con nhà khá giả. Vậy mà cuối cùng Ngài trên cương vị một đại thần đã để lại không chỉ con cháu một bản Di huấn mà còn cho đất nước một văn kiện sáng giá với hôm nay và muôn đời sau, Xin vạn lời cảm ơn Tổ quốc Việt Nam vô vàn kính yêu ở thuở ấy đã hun đúc nên vị "danh tướng danh thần" Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí: MỘT CON NGƯỜI CÔNG ĐỨC song toàn cao độ để con cháu đời đời được tự hào, được chiêm bái, được noi gương.

Nguyễn Đình Chú

TIN LIÊN QUAN

Tin mới