Sĩ tử lớp 12 nhọc nhằn với các kỳ thi đánh giá năng lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Năm nay, hàng trăm trường đại học trên cả nước đã sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, để có được điểm số, học sinh tham gia các kỳ thi cũng phải mất rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí...

Càng nhiều kỳ thi càng vất vả

Từ sáng sớm ngày 21/5, hàng trăm phụ huynh tại 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận đã lặn lội quãng đường dài để có mặt tại Trường Đại học Vinh cho con tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là kỳ thi lần thứ 6 do Trường Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trong năm nay, nhưng là lần thứ 2 được tổ chức tại Nghệ An.

Từ 2 năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trường Đại học Vinh đã thuận lợi hơn cho các thí sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Từ 2 năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Trường Đại học Vinh đã thuận lợi hơn cho các thí sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Trong năm 2023, Nghệ An cũng chỉ tổ chức 2 lần, lần 1 vào tháng 4 và lần 2 vào tháng 5 nên số lượng thí sinh dự thi rất đông với hàng nghìn thí sinh tham gia.

Nhiều thí sinh cho biết, dù kỳ thi tổ chức rất nhiều lần, nhưng phần lớn các thí sinh chọn dự thi tại Nghệ An, bởi sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại. Hơn nữa, kỳ thi vào cuối tháng 5 khá phù hợp, bởi lúc này các trường cũng đã hoàn thành chương trình trong sách giáo khoa.

Nếu tính từ ra tết đến nay, đây là lần thứ 3 mẹ con tôi gồng gánh nhau tham dự kỳ thi đánh giá năng lực - chị Nguyễn Thị Lành (huyện Đức Thọ - tỉnh Hà Tĩnh) cho biết. Trong 3 kỳ thi, có 2 kỳ thi được tổ chức ở thành phố Vinh, chị và con tự đi xe máy ra trước vài tiếng nên không quá vất vả. Kỳ thi còn lại, mẹ con chị vào Đà Nẵng để tham gia kỳ thi đánh giá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cả đi, cả về và ăn, ở trong hơn 1 ngày con tham dự kỳ thi cũng mất hơn 2 triệu đồng.

Đã có hàng nghìn thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Nghệ An. Ảnh: P.V
Đã có hàng nghìn thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Nghệ An. Ảnh: P.V

Chị cũng cho biết, thi xong kỳ thi này, sang tháng 6 chị và con sẽ ra Hà Nội để tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là kỳ thi quan trọng nhất vì nguyện vọng của con là đậu vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Chia sẻ thêm về hành trình này, chị Lành nói thêm: Tôi thấy các con vất vả quá vì chỉ vào trường đại học mà phải tham dự đến 4, 5 kỳ thi, mỗi kỳ thi lại có một hình thức khác nhau. Tôi chỉ mong con làm bài thật tốt và thi đậu vào ngôi trường mà con mơ ước.

Ngồi đợi con với chị Lành là ông Nguyễn Xuân Hùng đến từ xã Tân Thành (Yên Thành). Người đàn ông khoảng 50 tuổi có gương mặt khá vất vả này cho biết, ông không rõ kỳ thi đánh giá năng lực khác kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào. Tuy nhiên, lần trước, con trai ông, hiện đang là học sinh lớp 12A1, Trường THPT Bắc Yên Thành thi đạt 110/150 điểm và được thầy cô nói là khá cao. Tuy nhiên, cháu vẫn chưa hài lòng với kết quả nên tiếp tục đăng ký thi lần 2 để cải thiện điểm số.

Phụ huynh chờ con ở điểm thi đánh giá năng lực. Ảnh: Mỹ Hà
Phụ huynh chờ con ở điểm thi đánh giá năng lực. Ảnh: Mỹ Hà

Nói thêm về mong muốn của con, ông Hùng cho biết: Cháu học khá, lần thi thử đại học ở trường được gần 28 điểm và có nhiều cơ hội đậu đại học. Gia đình tôi cũng mong con vào Đại học An ninh để đỡ học phí, dễ xin việc làm nhưng cháu chưa đồng ý. Cháu vẫn muốn tham dự nhiều kỳ thi để rộng cửa vào đại học và tôi luôn sẵn sàng ủng hộ con…

Để đưa con tham dự kỳ thi này, ông Hùng đã xin nghỉ 2 ngày công đi xây dựng. Từ huyện Yên Thành vào TP. Vinh, dù chỉ khoảng 50 km nhưng để kịp giờ thi, hai bố con dậy đi từ sáng sớm. Thi xong, bố con ông lại lặn lội đi xe máy vượt trưa nắng hơn 40 độ C về nhà để con còn tranh thủ ôn thi tốt nghiệp THPT.

Ôn thi khó khăn

Từ vài ba năm trở lại đây, kỳ thi đánh giá năng lực vốn là kỳ thi riêng của các trường đại học nhưng trở thành kỳ thi chính do có hàng trăm trường đại học sử dụng kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học.

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực được Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Vinh chuẩn bị nghiêm túc. Ảnh: P.V

Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực được Trường Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Vinh chuẩn bị nghiêm túc. Ảnh: P.V

Điều đáng nói, ở kỳ thi này, dù học sinh vẫn dự thi các môn văn hóa nhưng do khối lượng kiến thức rộng, đề thi tổng hợp của nhiều môn từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội, ngoại ngữ nên việc học và ôn tập của học sinh khá vất vả. Thực tế, ở các trường học, giáo viên chỉ mới định hướng cho học sinh học và thi theo kỳ thi này, nhưng chỉ mới có tính chất tham khảo. Trong khi đó, để ôn thi, học sinh thường tìm đến các khóa ôn tập trực tuyến ở trên mạng.

Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh tham dự các kỳ thi đánh giá năng lực còn phải tự tìm tòi, bổ sung kiến thức, bởi có một số lượng câu hỏi ở các đề thi đánh giá năng lực là từ thực tế.

Kiểm tra thông tin các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: P.V

Kiểm tra thông tin các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Vinh. Ảnh: P.V

Học sinh Chu Văn An - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu từng đạt thủ khoa trong đợt 2 ở kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, với 120/150 điểm cũng thừa nhận để hoàn thành 150 câu hỏi của 3 phần thi, gồm tư duy định lượng (Toán), tư duy định tính (Tiếng Việt - Ngữ văn) và khoa học (gồm tổng hợp các câu hỏi thuộc các môn Toán - Lý - Hóa - Sinh - Địa lý) trong vòng 190 phút thực sự "quá căng thẳng” dù em đã có nền tảng khá tốt về kiến thức và hiểu biết xã hội.

Học sinh Nguyễn Văn Tiến Dũng (lớp 12 A1 - Trường THPT Thanh Chương 1) trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức vào tháng 4 cũng đã đạt 112/150 điểm. Trong 3 phần thi, Dũng cũng nói rằng, em làm khá tốt phần Toán nhưng phần tư duy định tính và phần khoa học có khá nhiều câu hỏi quá khó em không làm được, nhất là Lý - Hóa (dù Dũng đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa học).

Ở kỳ thi này cũng không có những câu hỏi nhận biết mà chủ yếu là các câu hỏi từ phần thông dụng trở lên nên đòi hỏi học sinh phải có kiến thức chắc chắn, tính toán nhanh. Hiện tại, dù có mức điểm khá an toàn nhưng Dũng vẫn chưa tự tin xét tuyển vào phương thức này bởi số lượng tham dự kỳ thi này rất đông và em chưa thực sự hài lòng với điểm số này.


Tại lớp 12A1 - Trường THPT Thanh Chương 1, đến thời điểm này đã có hơn 20 học sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực (chiếm hơn 50%).

Hơn một nửa học sinh của lớp 12A1 - Trường THPT Thanh Chương 1 tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: P.V

Hơn một nửa học sinh của lớp 12A1 - Trường THPT Thanh Chương 1 tham dự kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: P.V

Là giáo viên chủ nhiệm và trực tiếp dạy môn Toán ở lớp, thầy giáo Nguyễn Cảnh Tài cho biết: Hiện nay, các trường đại học tốp đầu chủ yếu xét tuyển đầu vào bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, nên việc ngày càng có nhiều học sinh tham dự kỳ thi này là tất yếu. Cá nhân tôi cho rằng, các câu hỏi ở kỳ thi này rất hay đòi hỏi các em phải có sự tư duy, có năng lực thực sự. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy cho các em theo định hướng của kỳ thi này thì còn nhiều khó khăn, bởi tính chất của các câu hỏi giữa 2 kỳ thi khá khác nhau và để làm tốt bài thi đánh giá năng lực phải là học sinh có kiến thức vững, ngoài tư duy tốt cần phải có khả năng bao quát các kiến thức.

Để trang bị cho học sinh tham dự kỳ thi này, trước đó, từ đầu năm học thầy giáo Nguyễn Cảnh Tài đã tự tìm kiếm tài liệu, sưu tầm các đề thi đánh giá năng lực và tổ chức dạy học cho học sinh theo hướng phát triển tư duy. Nhưng với tính chất khá khác biệt, thầy Tài cũng nói rằng, kỳ thi này hiện chỉ đang phù hợp với những học sinh có tố chất. Trong khi đó, học sinh đại trà khó có thể tham dự với nhiều lý do khác nhau cả về năng lực, trình độ, điều kiện gia đình… Ngoài ra, chương trình dạy học cũ đang hiện hành với học sinh lớp 11, 12 cũng khó theo kịp với hình thức thi mới.

Một số hình ảnh tại kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: P.V

Một số hình ảnh tại kỳ thi đánh giá năng lực. Ảnh: P.V

Là giáo viên ở Trường THPT Đặng Thúc Hứa và có con tham dự kỳ thi đánh giá năng lực năm nay, cô giáo Trần Thị Hiền cũng cho biết: Trường chúng tôi chủ yếu học sinh ở các lớp chọn mới tham dự được kỳ thi đánh giá năng lực. Việc tổ chức thêm các kỳ thi rõ ràng cho các em thêm nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn, bởi lượng kiến thức ở kỳ thi này rất nhiều với nhiều môn học khác nhau. Trong khi, đòi hỏi học sinh ở sự phát triển toàn diện là rất khó.

Tôi cho rằng, với những học sinh năm nay, các cháu chưa có sự chuẩn bị đầy đủ. Thực tế các cháu tham dự kỳ thi này chủ yếu đang tự “bơi”. Bản thân tôi và nhiều giáo viên khác khi dạy cho các em đôi khi cũng không biết dạy như thế nào là đúng, đủ bởi giữa học và thi có sự khác nhau rất nhiều. Có rất nhiều câu hỏi, có khi học sinh nhỏ tuổi có thể trả lời được, nhưng các anh chị lớn lại không biết đáp án vì nó không liên quan nhiều đến sách giáo khoa. Nếu như các em được học theo chương trình mới từ những năm THCS thì sẽ thuận lợi hơn, bởi chương trình học tiệm cận với các kỳ thi đánh giá năng lực.

Cô giáo Trần Thị Hiền - Trường THPT Đặng Thúc Hứa

Tin mới