Nhân tài: Đi đâu, làm gì?

(Baonghean) - Cách đây mấy hôm tôi tình cờ gặp lại một người bạn đã lâu không liên lạc. Tay bắt mặt mừng kéo nhau vào quán nước, hỏi dăm ba câu chuyện cơ quan, vợ con, thấy anh buồn buồn kể rằng hai đứa con của anh sau khi học xong đại học đều không muốn về lại quê hương làm việc, dù với khả năng của chúng hoàn toàn có thể tìm được một công việc tốt. Anh khuyên nhủ thì chúng nói rằng chỉ có ở lại các thành phố lớn mới có thể phát triển sự nghiệp và thể hiện được hết khả năng của bản thân. Tôi trầm ngâm nghe chuyện anh, chén nước chè xanh trên tay bỗng nhiên nguội ngắt, chát đắng. Vì cảnh nhà tôi, và có lẽ cảnh nhà người bây giờ cũng chẳng khác gì cảnh nhà anh.

Sự tắc nghẽn của thị trường lao động cả nước hiện đang là một vấn đề nan giải, khiến sự phân hoá trong mức độ phát triển giữa các cấp địa phương và trung ương ngày một rõ rệt. Trong khi các tỉnh, thành địa phương luôn trong tình trạng khát nguồn nhân lực có trình độ và bằng cấp cao thì ở các thành phố lớn, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn long đong, lận đận trên con đường tìm được một công việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân.

Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy? Nguyên nhân là do sự bất cân đối trong chính sách phát triển các tỉnh thành và cách nhận thức, phân biệt tuyến trên, tuyến dưới của giới lao động. Một mặt, dễ thấy rằng các thành phố lớn ít nhiều nhận được sự ưu tiên, tạo điều kiện phát triển hơn các tỉnh, thành địa phương. Tất nhiên lợi thế của các tỉnh, thành lớn là nền móng sẵn có từ trước nên dễ dàng phát triển thêm, mở rộng quy mô các hoạt động, cơ sở đã và đang vận hành một cách ổn định. Ngay dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài thì nổi bật hơn cả vẫn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mặc dù nguồn đầu tư nước ngoài thời gian gần đây cũng bắt đầu có sự chuyển hướng về các tỉnh thành khác.

Từ thực trạng trên, không khó để lí giải tâm lí người lao động, tha thiết bám trụ lại các trung tâm kinh tế, thương mại của đất nước với mong muốn được làm việc trong những điều kiện thuận lợi nhất cả về kỹ thuật, cơ sở vật chất lẫn thu nhập và cơ hội phát triển sự nghiệp. Chẳng thế mà nhiều sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng khá, giỏi trải qua hết cuộc thi tuyển này đến kì phỏng vấn khác mà vẫn lông bông không nghề ngỗng, hoặc giả như có thì cũng chỉ là công việc tạm thời trong lúc chờ đợi một cơ hội việc làm hấp dẫn hơn. Chính vì nguồn lao động của đất nước tập trung tại một, hai tỉnh thành lớn nên gây ra tình trạng bão hoà thị trường lao động tại đây, khiến nguồn lao động bị mất giá, dư thừa (do không được sử dụng hết, hoặc sử dụng chưa đúng với năng lực), thành ra lãng phí.

Ở các nước châu Âu, sự bất cân đối trong mức độ phát triển của các thành phố lớn, nhỏ từng đặt ra một câu hỏi lớn cho nhà cầm quyền, khiến họ phải đưa ra giải pháp là "thuyên chuyển" các nhà máy, văn phòng, trung tâm thương mại, phòng nghiên cứu và các trường đại học lớn từ các trung tâm kinh tế, văn hoá, thương mại lớn về các tỉnh thành khác, nhằm cân đối lại bản đồ phân bố dân số, kinh tế, văn hoá, chính trị. Thực ra, một đất nước có một, hai thành phố phát triển vượt bậc còn các tỉnh thành khác chỉ làng nhàng, thường thường bậc trung (thậm chí là trì trệ, kém phát triển) khó có thể được xem là một đất nước giàu, mạnh, hoặc ít ra sự giàu có đó chỉ là bề nổi, tập trung trong tay của một bộ phận nhỏ dân số, không đại diện được cho mức sống, điều kiện kinh tế của đại bộ phận dân cư. Nếu muốn phát triển lâu dài, bền vững và đem lại lợi ích đích thực cho mọi tầng lớp trong xã hội, thăng bằng lại cán cân giữa các tỉnh thành lớn và các địa phương chính là bài toán đặt ra trước mắt trong thời kì đổi mới.

Không một đế chế hùng mạnh nào là không gây dựng nên từ đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Không một khu rừng xanh tươi nào là không bắt đầu từ đất trống, đồi hoang. Tất cả những điều vĩ đại đều xuất phát từ con số không, chính ấy mới là nơi, là lúc cần đến nhân tài nhất. Chúng ta cứ thường ngại ngần khi nhìn lại quê hương nơi mình sinh ra, thấy nó là nghèo khổ, là thiếu thốn. Chúng ta vẫn thường tặc lưỡi biện minh cho sự bội bạc, quay lưng của mình là vì để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, để bao giờ ta sẽ trở về với quê hương nghĩa nặng tình sâu. Nhưng cuộc sống tại sao cứ phải tốt đẹp hơn ở những đâu đâu, mà không tốt đẹp được ngay trên chính mảnh đất máu mủ của ta, ngay bây giờ chứ không phải là bao giờ? Thay vì chờ đợi ai đó đến và thay đổi quê hương mình thì chính bản thân ta là người có trách nhiệm, điều kiện và khả năng nhất để làm điều đó. Là nhân tài ở đâu, được người đời thừa nhận hay không, cũng chưa biết chắc, còn quê hương thì luôn dang rộng vòng tay chờ đợi ta trở về để ôm ấp, yêu thương. Chừng đó lý do đã đủ để ta biết phải đặt con tim và khối óc mình vào đâu chưa, hả các nhân tài của hôm nay và ngày mai?

Hải Triều (Email từ Paris)