Lương tăng, giá tăng - Ai tăng hơn ai?

(Baonghean) - Từ ngày 1/7/2013, lương tối thiểu tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.115.000 đồng, sau rất nhiều hội thảo, bàn bạc và "tính toán" của các cơ quan hoạch định chính sách và sau bao chờ đợi của hàng chục triệu người làm công ăn lương cùng những người thân của họ, nhất là với những người về hưu, gia đình chính sách - những đối tượng khó khăn nhất, thiệt thòi nhất trong thực tế đời sống mà chính sách "lương tối thiểu" đã quá lạc hậu, vấn đề giá cả gần như buông lỏng cùng lạm phát đã tạo nên những cơn "bão giá" hoành hành khủng khiếp hàng ngày!

Có gì đang diễn ra sau "ngày tăng lương" này? Người "được" tăng lương đang nghĩ gì và người không "được" tăng lương đang nghĩ gì? Và những nhà hoạch định chính sách liệu có biết và suy nghĩ nghiêm túc về những gì đang xảy ra?

Đã từ lâu, người ta đều biết rằng chính sách "lương tối thiểu" ở ta đã quá lạc hậu và càng tệ hơn khi “bão giá” thời lạm phát luôn hoành hành. Ở những hội nghị cấp cao nhất bàn về lương, người ta đều khẳng định lương tối thiểu chỉ đảm bảo được khoảng 40% mức sống tối thiểu, chưa có khoản đầu tư cho văn hóa, cho những yêu cầu bình thường của nghi lễ làm người, cho tái phục hồi sức lao động; chưa kể "đầu tư cho tương lai"... Như vậy, lương tăng nhỏ giọt bình quân vài ba trăm nghìn cho mỗi lao động làm công ăn lương cùng những người thân bấu víu vào họ chả thấm tháp vào đâu. Đấy là khi giá cả được giữ vững, ổn định, giá trị thực của đồng tiền ổn định...

Nhưng vấn đề lại là khi Chính phủ vừa công bố tăng lương, lập tức có hàng chục ngành kinh tế, cơ quan quản lý công bố tăng giá, hoặc "sắp sửa" tăng giá, mà toàn những "mặt hàng" thiết yếu như: xăng dầu, điện, giá viện phí, giá học phí... Ở ngoài đường, từ ông xe ôm, chú taxi đến bà bán rau, ông giữ xe đều tuyên bố tăng giá. Đặc biệt, sự tăng giá của ngành điện, một số trường học và bệnh viện. Không biết từ bao giờ, các ngành phục vụ công mang theo mầm mống "độc quyền" này tự cho phép mình đưa ra lý thuyết "tăng giá phải đủ bù chi" và so sánh giá trong nước còn rất "khiêm tốn" so với giá cùng mặt hàng ở nước ngoài? Tại sao, người ta không nghĩ: lương của những người làm công ăn lương ở ta quá thấp so với lương của người nước ngoài? Không thể so sánh kiểu ấy được!

Đáng lẽ ra, khi đồng lương trả cho người lao động chưa đủ sống, chưa bàn đến sự "hòa nhập thế giới" về lương thì trong chính sách an sinh vĩ mô, các cơ quan hoạch định chính sách phải nghĩ đến việc giữ vững giá cả, đảm bảo giá trị đồng lương thực tế cho người lao động và quản lý chặt việc tăng giá, nhất là quản lý các mặt hàng thiết yếu, các ngành phục vụ lợi ích công từ trước đến nay, như: học phí, viện phí, giá điện, giá xăng dầu, dịch vụ giao thông... Tất cả những mặt hàng này tăng giá, và tăng với tốc độ chóng mặt là một cách gây khó, làm ảnh hưởng đến nồi cơm của mỗi gia đình.

Vô hình chung, việc tăng giá vô tội vạ không chỉ "góp phần" vô hiệu hóa chính sách tiền lương, làm cho mỗi đợt tăng lương không còn ý nghĩa nhân văn và khoa học như ý tưởng ban đầu của Chính phủ, mà nó còn ảnh hưởng đến toàn bộ chính sách vĩ mô về an sinh xã hội. Đã từ lâu lắm rồi, cái bài "lương tăng thì giá cũng tăng" lặp đi lặp lại nhiều lần, đã bao lần làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương, của chính sách tiền lương. Nếu như tăng lương mà giá cả không được giữ vững, không ổn định thì chỉ là một cách "đánh bùn sang ao", đời sống người lao động không bao giờ được cải thiện, khó khăn lại thêm khó khăn...

Đã đến lúc khi bàn về chính sách tiền lương, khi có dịp tăng lương, các nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội phải có ngay biện pháp quản lý giá cả, có "luật" về sự tăng giá, chứ không phải ai muốn tăng đến đâu thì tăng, muốn tăng vào lúc nào thì tăng...

Thạch Anh (Hà Nội)