Mỳ tôm và... đèn Trung thu

(Baonghean) - Hôm nay anh chị mình đi ăn cưới, hai cậu cháu thống nhất ăn mỳ tôm cho “dễ chơi, dễ trúng thưởng”. Đang ăn thì tivi chiếu quảng cáo mỳ tôm có khuyến mãi đèn Trung thu, Bim chọc chọc bát mỳ:

- Cháu phải bảo mẹ mua mỳ tôm đèn Trung thu mới được!

Mình phì cười, trong nhà có nào là kem trúng thưởng máy tính, sữa trúng thưởng máy chơi điện tử, thậm chí là bim bim trúng thưởng mô hình đồ chơi, đều của Bim hết. Không để cho mình châm chọc nửa câu, con bé nhanh nhảu phân bua: “Đèn Trung thu để Bim đi chơi Trung thu chứ không vớ vẩn, hại mắt, mất thì giờ như máy tính, máy chơi điện tử đâu cậu ạ!”. Nghe cũng có lý!

Hồi đi học, mình cũng máu me mấy trò trúng thưởng lắm. Cứ tan trường là ba chân bốn cẳng chạy tót ra bà béo bán kẹo kéo. Cái hộp kẹo kéo của bà ấy có 1 viên bi chạy trong “mê cung”, 500 đồng kẹo lại được lắc 1 cái, nếu viên bi rơi xuống cái lỗ ở cuối mê cung thì được bà béo bấu thêm một miếng kẹo. Năm thì mười hoạ mới lắc được viên bi xuống, và những lần như thế mình chỉ mải vênh váo với lũ bạn chứ có để ý đến món quà khuyến mãi được bà béo nhiệt tình kéo hơi quá tay đâu?

Thực ra lớn-bé, trẻ-già, ai mà chẳng thích phần thưởng (lớn như con voi hay bé như con kiến). Nói nào ngay, mình và bố bé Bim lâu lâu lại thủ thỉ nhau đánh con lô, kiếm ít chục uống bia, hoặc mẹ bé Bim thì rất khoái các chương trình “mua 3 tặng 1” của siêu thị. Giải thưởng khuyến mãi có lẽ là một trong những phát kiến vĩ đại nhất của các nhà kinh doanh, bởi nó đánh vào tâm lí thích-gặp-may của người tiêu dùng. Theo một cách nào đó, mua hàng trúng thưởng khá giống với đánh bạc, có điều chỉ có thắng và không thắng, không có thua vì món hàng mua về vẫn có giá trị sử dụng. Như vậy, mua hàng trúng thưởng an toàn hơn đánh bạc nhiều, nên người ta thích là điều dễ hiểu.

Khuyến mãi cho khách mua hàng cũng là bước tiến hiện đại của nền kinh tế, thể hiện những ưu điểm của hình thức sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp so với sản xuất thủ công truyền thống. Bởi lẽ, sản xuất một sản phẩm thủ công vốn dĩ mất nhiều thời gian và công sức, giờ lại kiêm thêm sản xuất cả sản phẩm khuyến mãi thì chỉ có... lỗ to! Đến đâỵ, có lẽ bạn đọc đã hiểu vì sao ngày xưa bà và mẹ ta không sa vào những lời quảng cáo “mua 3 tặng 1”, “mua bánh tặng thuốc đau bụng” như chúng ta thời nay, bởi hình thức bán hàng này không hề tồn tại vài ba thập niên về trước.

Chắc các bạn đang tự hỏi, liệu những lời ba hoa phét lác của mình nãy giờ có liên quan gì đến mỳ tôm đèn Trung thu của bé Bim? Nói thật nhé, chẳng liên quan gì cả, cũng như việc phương thức bán hàng xưa và nay khác hẳn nhau, khái quát lên là hiện đại và truyền thống khác hẳn nhau. Ngay cái quảng cáo mỳ tôm đã rất mâu thuẫn: mối liên hệ giữa mỳ tôm (một loại thực phẩm hiện đại) và đèn Trung thu (một loại đồ chơi truyền thống) là gì vậy? Cái tài tình của nhà sản xuất chính là ở chỗ “kết đôi” hiện đại và truyền thống, cái thông dụng đến tầm thường với cái tinh hoa của một lễ hội mỗi năm chỉ có một lần. Nghe qua thì có vẻ ngô nghê, nhưng hiệu quả lại khá tốt, bằng chứng là bé Bim khăng khăng đòi mua mỳ này, dù bình thường chẳng mấy khi nó ăn mỳ tôm.

Điều mình muốn nói ở đây là, lồng ghép những giá trị truyền thống vào cuộc sống hiện đại là điều hoàn toàn khả thi. Thậm chí, nhờ đó mà những giá trị hiện đại sẽ được nâng tầm, có chiều sâu, vượt khỏi giá trị sử dụng vốn có để trở thành “cái bình” ủ giữ những nét đẹp dĩ vãng. Sẽ đáng quý biết bao nếu các nhà sản xuất, kinh doanh, thay vì treo thưởng những món quà xa xỉ (mà người mua sẽ rất khó có cơ hội trúng giải), lại khuyến mãi những sản phẩm mang nét truyền thống mà người ta đã và đang lãng quên. Giá trị thành phẩm có thể không cao, nhưng giá trị văn hoá, giáo dục thì cao hơn nhiều lắm. Như thế cũng là xây dựng một thương hiệu văn minh, đúng nghĩa “người Việt dùng hàng Việt”!

Hải Triều