Trường nghệ thuật không cần giảng viên tiến sỹ, thạc sỹ?

(Baonghean) - Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã mở màn “trận đánh lớn” nâng cao chất lượng giáo dục đại học một cách quyết liệt!
Theo đó, năm 2014 này, Bộ GD - ĐT đã chỉ định đích danh 207 ngành học ở bậc đại học phải dừng tuyển sinh vì “chưa đủ điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học”. Trước đây, Bộ GD - ĐT quy định đội ngũ giảng viên bậc đại học, mỗi ngành học ít nhất phải có 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ  chuyên ngành làm giảng viên cơ hữu. Đây là quy định theo điều kiện tối thiểu, năm 2014 này, trường nào, ngành nào không đạt yêu cầu tối thiểu đó đều phải chấm dứt tuyển sinh. Việc Bộ GD - ĐT công bố danh sách 207 ngành học phải chấm dứt tuyển sinh trong năm 2014 cho ta thấy tính chất quyết liệt của “trận đánh mở màn” và sự quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế, chủ trương giảm chỉ tiêu ĐH hệ vừa làm vừa học, siết chặt liên kết đào tạo, quy định mới về đào tạo liên thông, dừng tuyển sinh ở các ngành thiếu giảng viên cơ hữu, chưa đủ điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo…đã được sự đồng tình của lãnh đạo các trường ĐH, các trường đều thấy đây là việc cần thiết phải làm, dù chủ trương này có ảnh hưởng đến nguồn thu của chính các trường đó.
Tuy nhiên, một số trường CĐ và ĐH thuộc khối nghệ thuật thì hãy còn nhiều băn khoăn về chủ trương này của Bộ. Một vài trường cho rằng, các trường nghệ thuật có đặc thù riêng, thiên về đào tạo năng khiếu, không nên bắt buộc mỗi ngành phải có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ trong đội ngũ giảng viên như các trường ĐH khác. Ông Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà nội nói rằng: “Thầy của nhiều đạo diễn nổi tiếng ở nước ta có phải là thạc sĩ, tiến sĩ đâu! Bao nhiêu NSƯT, NSND của Việt Nam đều do nghệ nhân dạy, có khi những người đó mới học hết cấp 3, thậm chí cấp 2. Đối với nghệ thuật, chỉ dạy kiến thức sách vở là không được!”.
Lại có người nói: “Dạy nghệ thuật phải là những người làm nghệ thuật. Nếu ta nặng về lý luận, giáo pháp cho sinh viên nghệ thuật thì họ sẽ làm như cái máy, còn đâu là nghệ sĩ? Làm gì có Tiến sĩ, Thạc sĩ quay phim, đạo diễn, diễn viên, và diễn xuất nghệ thuật dân gian?...”. Ông Trần Thanh Hiệp khẳng định rằng: “Tôi đã ở Trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh này 30 năm qua, không có và 3 năm nữa cũng không thể có ai là tiến sĩ, thạc sĩ đạo diễn điện ảnh”. Tựu trung lại, theo tinh thần các ý kiến đó, một số người và một số trường cho rằng, ở các trường đào tạo sinh viên nghệ thuật, Bộ GD-ĐT không nên đặt ra vấn đề là phải có tiến sĩ, thạc sĩ trong đội ngũ các giảng viên cơ hữu?
Những phản hồi này chưa có ý kiến trả lời chính thức của Bộ GD - ĐT. Một số nhà nghiên cứu nói rằng: “Những gì ông Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh nói ra chỉ chứng tỏ rằng, trước nay, trường này không phải đang đào tạo đại học mà là một trường dạy nghề: Nghề diễn viên, nghề đạo diễn, nghề ca hát tuồng chèo… Vấn đề là ở chỗ, bắt đầu từ đây, từ hôm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh nói riêng và các trường CĐ, ĐH nghệ thuật nói chung, phải nâng cao chất lượng từ một trường dạy nghề nghệ thuật thành một trường đào tạo ĐH nghệ thuật chính quy. Muốn vậy, ngoài các giáo viên là các nghệ nhân có năng khiếu nghệ thuật giảng dạy theo tính chất truyền nghề, nhà trường phải nâng cao trình độ văn hóa của sinh viên bằng cách thiết lập đầy đủ hệ thống giáo viên có trình độ cao, nghĩa là phải bảo đảm tối thiểu mỗi ngành có ít nhất 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ để làm giáo viên cơ hữu. Vấn đề cần được hiểu một cách đúng đắn ý kiến của Bộ GD-ĐT là như thế!”.
Ở nước ta, các trường nghệ thuật, trong đó có cả Trường Viết văn Nguyễn Du, chỉ là nơi các nhà văn lớp trước đến truyền đạt kinh nghiệm sáng tác hay kinh nghiệm biểu diễn, kinh nghiệm làm nghề, chưa tập trung công sức vào việc nâng cao trình độ nhận thức văn hóa, văn học, triết học, nghệ thuật học cho người được thụ giảng. Điều đó đã gây ra hạn chế rất lớn về trình độ nhận thức của học viên, ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực tạo dựng nghề nghiệp của họ. Cũng là một trường bồi dưỡng viết văn, hay đào tạo đạo diễn, diễn viên sân khấu, điện ảnh nhưng các trường nghệ thuật của Liên Xô trước, CHLB Nga bây giờ, hay các trường ở một số nước khác, đội ngũ giảng viên của họ có trình độ rất cao. Các giảng viên ở các trường đó không chỉ là tiến sĩ, thạc sĩ mà thực chất họ là những chuyên gia đầu ngành của nước đó ở các lĩnh vực mà họ phụ trách. 
Người làm công tác nghệ thuật, ngoài trình độ hiểu biết về chính trị, xã hội, rất cần trình độ văn hóa, văn học, triết học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử các quan niệm, các trường phái, cần nghiên cứu sâu vào các tác phẩm cụ thể… Người làm nghệ thuật dù hiểu biết sâu rộng đến mấy cũng là không thừa, cũng là chưa đủ so với yêu cầu trong lĩnh vực sáng tạo. 
Vì thế, chủ trương nâng cao trình độ, chủ trương phải có tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành trong các trường đại học và không miễn trừ yêu cầu đó đối với các trường thuộc khối nghệ thuật của Bộ GD-ĐT là hoàn toàn đúng đắn. Rất đáng hoan nghênh.   
Thạch Quỳ