Im lặng ích kỷ

(Baonghean) - Trong nhiều trường hợp, im lặng không phải tốt, mà là biểu hiện của sự ích kỷ...
Một người hút thuốc ở nơi công cộng khiến nhiều người khó chịu, nhưng không phải ai cũng lên tiếng nhắc nhở, phê bình. Các chủ xe khách vì hám lợi nên thường “hành” khách bằng cách nhồi nhét thêm người hay chạy lòng vòng nhằm câu giờ, bắt thêm khách, khiến nhiều người bực mình nhưng có khi chỉ phản ứng bằng cách… càm ràm trong miệng. Thấy hai người đánh nhau, nhiều người xúm lại coi. Nhưng không phải ai cũng dũng cảm nhảy vô can. Một người bị tai nạn giữa đường kêu cứu, nhưng lắm kẻ ngoảnh mặt, lướt qua… Sự im lặng hay ngó lơ trong những trường hợp này, xuất phát từ lòng ích kỷ, vì sợ “dây vào sẽ lằng nhằng, rách việc!”.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Ảnh chỉ có tính minh họa
Sự im lặng, thu mình nhằm “bảo toàn” bản thân, cũng khá phổ biến trong các công sở. Nhiều người theo “chủ nghĩa trùm chăn”, makeno (mặc-kệ-nó) trước những điều chướng tai gai mắt xung quanh, cốt giữ lấy “bình an” cho riêng mình. Vậy, mới có những cán bộ được nhận xét đánh giá đều tốt, khi chuyện vỡ lở liền trở thành bị cáo những đại án. Tương tự, cơ quan có cả nghìn người, không ai dám lên tiếng vạch mặt chỉ tên những sai trái trong nội bộ, chỉ khi báo chí hay người ngoài phanh phui, sự việc mới được đưa ra ánh sáng. Sẽ không thuyết phục khi cho rằng, người trong cơ quan đó không biết; trái lại, lắm khi họ biết nhưng “ngậm miệng ăn tiền”.
Lại có chuyện, trong mục “Theo dòng thời sự” trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều cụ nghỉ hưu có những đóng góp rất hay trước những vấn đề thời sự của đất nước, trong khi ý kiến những cán bộ đương chức thường rất nhạt. Điều này, không có nghĩa người nghỉ hưu minh mẫn, sáng suốt hơn người còn làm việc. Nguyên nhân chính khiến lắm người không dám nói thật nhiều điều vì sợ ảnh hưởng quyền lợi hoặc tự “gây khó” cho mình khi còn đương chức công việc; nghỉ hưu, họ mới tự do bày tỏ chính kiến trung thực…Sự im lặng, lảng tránh sự thật, nhất là trước những điều không hay không tốt đang dần trở nên phổ biến, đến nỗi việc “tự phê bình và phê bình” xây dựng nội bộ đang trở nên hình thức ở không ít công sở. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này là chỉ vì toan tính quyền lợi cục bộ, cá nhân.
Cùng với sự im lặng hay khép lòng ngoảnh mặt, vẫn còn đó những người sẵn sàng lao xuống dòng nước xiết để cứu người, ra tay bắt cướp giữa đường, lên tiếng tố cáo việc làm sai của chính cơ quan mình...  dù họ biết làm vậy sẽ bị thiệt thòi, có khi thiệt mạng. Đó là những người dũng cảm, quên mình vì lẽ phải, vì người khác. Họ đáng quý lắm thay!
Nguyễn Trọng Hoạt
(TP Đà Nẵng)