Đề án "bánh mì"?

(Baonghean) - Mới đợt trước mình còn ham hố đàm đạo với mấy ông bạn về đề án đổi mới sách giáo khoa của Bộ Giáo dục mình. Ôi chà, ghê gớm lắm, cả cái Đề án 34 nghìn tỷ chứ có phải đùa đâu! Ngồi vẽ hươu vẽ vượn, thảo ra không biết bao nhiêu là phương án, ý tưởng hay ho: "Nói cho các ông biết, tôi mà là Bộ trưởng thì tôi sẽ làm cái này, cái kia, cái kìa...". Hôm nay thằng bạn cười khẩy ném cho một câu: "Ông Bộ trưởng của tôi về đắp chăn đi ngủ cho ấm nhé... - Sao thế? - Đề án 34 nghìn tỷ xin rút rồi, ha ha...". Thế là thế nào nhỉ?
Lên mạng xem tin tức, mới hay ra phiên chất vấn bị "ném đá" dữ dội quá, Bộ đành tự động thoái lui, xin "thêm thời gian để chuẩn bị đề án kỹ lưỡng hơn". Mà cũng vô lý cơ, đời thuở nhà ai báo cáo tác động có mỗi 2,5 trang, đọc "tưởng là báo cáo tóm tắt". Mình vẫn thường phê bình các bác lãnh đạo là hay dài dòng văn tự, nhưng mà ngắn gọn thế này kể cũng hơi "tiến bộ" một cách thái quá, "tiến bộ" đến mức qua loa thật! Lại nói, con số 34 nghìn tỷ là sơ suất, chưa được Bộ thông qua, để Bộ xem xét nghiên cứu cụ thể rồi mới thông báo chính thức sau. Tự nhiên mình nghĩ đến chuyện một anh bạn mà tức cười.
Chả là ông này bàn với mình về ý tưởng lớn sau đây: mở một chuỗi bán bánh mì lưu động trước các trường học trong thành phố. Trước tiên ông này sẽ vào Đà Nẵng, xin vào một lò bánh mì để học nghề, bánh mì Đà Nẵng ngon nổi tiếng mà! Sau đó về, sẽ đầu tư một con số x xe bánh mì nào đấy. Mà không phải hạng xe cà tàng vớ vẩn đâu nhé, xe có hệ thống làm lạnh tại chỗ, đảm bảo nguyên liệu luôn tươi ngon sạch sẽ! Sau đấy, nhờ một người bạn làm bên báo chí, truyền hình lo cho mảng truyền thông, kiểu như "Vì sự phát triển thể chất và trí tuệ của con em bạn, hãy đến với bánh mì ông ABC XYZ, với công nghệ tiên tiến từ... châu Âu và hương vị thơm ngon của bánh mì Đà Nẵng chính hiệu, sự kết hợp nhuần nhuyễn của những giá trị hiện đại và cổ truyền có mặt trong những chiếc bánh mì nóng hổi, vừa thổi vừa ăn...".
Nói một thôi một hồi, cu cậu hớn hở hỏi mình: Hoành tráng không? Khả thi không? Mình gật đầu cái rụp: Hoành tráng đấy, cơ mà khả thi thì... chưa chắc. Hỏi, định bán một cái bánh mì giá bao nhiêu tiền? Nhân viên bán bánh mì tuyển ở đâu, lương bổng ra sao? Một xe bánh mì như thế mỗi ngày tiêu tốn hết bao nhiêu tiền điện cho hệ thống làm lạnh, bao nhiêu tiền xăng? Mỗi ngày dự tính bán được khoảng bao nhiêu cái bánh mì? Tính ra tính vào chỉ thấy lỗ to! Ông bạn mình vẫn khăng khăng:"Chấp nhận lỗ thời gian đầu, cái gì mới mà chẳng khó, cần thời gian!". Nói sao làm vậy, cu cậu khăng khăng làm một xe bánh mì (chắc nghe mình gàn kinh quá nên làm thử một cái trước xem sao). Y như rằng chưa đầy một tuần thì dẹp tiệm, ế chỏng vó.
Đến đây, có lẽ ai cũng cười khẩy bảo: chuyện tầm phào, người ta đang nói là nói đến cả một cái đề án tỷ đô, liên quan gì đến bánh mì với chả bánh thịt. Rất xin lỗi nhưng vì đầu óc thiển cận, đơn giản của người chuyên uống nước chè nói chuyện quốc tế của mình chỉ liên tưởng được đến thế thôi. Đến các chuyên gia của Bộ còn bàn tới bàn lui, chưa đưa ra được con số chính thức cho chi phí của đề án cơ mà! Cũng những chuyên gia ấy, hoạch định chán chê, chỉ đưa ra được bản báo cáo có 2 trang rưỡi, nói cho cùng, chắc chỉ dài hơn bản đề án bánh mì của bạn mình được tí ti. Ý mình muốn nói là, ngay cái đề án bé tẹo của một anh bán bánh mì, không có kế hoạch, không nghiên cứu cụ thể các phương án, rủi ro, cũng còn không thực hiện được, nữa là một đề án quy mô quốc gia, liên đới đến nhiều đối tượng, có sức ảnh hưởng sâu, rộng và xa như việc cải cách sách giáo khoa.
Vấn đề là ở chỗ, một anh bán bánh mì làm ăn thua lỗ thì có thể dẹp tiệm, chuyển sang sửa xe, bán nước mía, v.v và v.v còn một đề án sách giáo khoa thất bại là thất bại cho cả một xã hội của hôm nay và ngày mai. Cái thua lỗ của một đề án như thế không chỉ là một khoản thua lỗ tức thì, mà giống như một kiểu tín dụng đen, một kiểu cho vay nặng lãi, càng ngày càng mất, mất nữa, mất mãi, mất đến bao nhiêu thế hệ con em chúng ta mai sau, không có chuyên gia nào dự đoán được. Thế nên đừng nghĩ rằng 34 nghìn tỷ là vấn đề mấu chốt, và không cho thì ta nghỉ khoẻ. Vấn đề là 34 nghìn tỷ ấy, các anh định đầu tư vào đâu, vào tương lai mấy mươi năm của một xã hội, hay vào mấy xe bánh mì bán thì bán, không bán thì thôi?
Hải Triều 
(Email từ Paris)